| Hotline: 0983.970.780

Cuộc leo thang xâm lăng kiểu mới

Thứ Năm 05/06/2014 , 13:15 (GMT+7)

TS Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn PV NNVN về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam.

Lý giải về lý do Trung Quốc lựa chọn thời điểm này để hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, TS Trần Công Trục (ảnh) cho hay: Thời điểm này, nhân loại rất quan tâm đến khu vực Trung Đông và Ucraina. Nơi đó lợi ích của Nga và Mỹ rất lớn.

03-16-22_ts-trn-cong-truc-nguyen-truong-bn-bien-gioi-chinh-phu

Chính vì thế, vấn đề ở châu Á- Thái Bình Dương không phải là ưu tiên số 1 của Mỹ và phương Tây. Mặc dù quan điểm của Mỹ rất muốn xoay trục sang châu Á - TBD thông qua một số hoạt động của các nhân vật quan trọng của họ.

Còn khu vực ASEAN thì Trung Quốc đang tìm mọi cách để “mua chuộc” một số nước nhằm gây sức ép để thực hiện chính sách chia rẽ. Chính vì thế có những hội nghị quan trọng của ASEAN không ra được tuyên bố chung. Thế giới hiện nay như một ván cờ và Trung Quốc đang đi một nước cờ trong ván cờ đó!

Đâu là căn nguyên của những âm mưu trong nước cờ đang đi của Trung Quốc, thưa ông?

Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là độc chiếm biển Đông. Họ muốn từ biển Đông để vươn ra đại dương trước khi trở thành siêu cường quốc.

Với VN, năm 1956, Trung Quốc lợi dụng Hiệp định Giơ - ne - vơ đã nhảy vào biển Đông và dùng lực lượng quân sự chiếm đóng phía đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, họ lợi dụng lúc chính thể Việt Nam Cộng hòa bị suy yếu sau thi hành Hiệp định Paris để hạ gục quân sỹ chiếm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Đến năm 1988, họ lợi dụng những khó khăn về kinh tế, đối ngoại của VN, nhất là tình hình ở Đông Âu và Liên Xô mà nhảy xuống phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa gây nên sự kiện Gạc Ma.

Với các nước có quyền và lợi ích trên biển Đông thì họ vẽ ra cái gọi là đường lưỡi bò nhằm gây sự, biến không thành có để tranh chấp hòng tiến tới chiếm đoạt.

Ông đánh giá thế nào về những bước leo thang đó của Trung Quốc, đặc biệt là việc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN?

Tôi cho rằng, đây là bước đi mới, cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc đối với nền hòa bình ở biển Đông và thế giới. Họ núp dưới hình thức tưởng chừng là hiền hòa như thăm dò, cho dân sự bảo vệ giàn khoan. Song bản chất của vấn đề không phải vậy. Điều này, chúng ta và quốc tế biết.

Theo tôi đây là cuộc leo thang xâm lăng kiểu mới, một cuộc chiến mềm không tiếng súng nhưng cực kỳ nguy hiểm.

Thưa ông, chúng ta đã có những bước đi mạnh mẽ và thích hợp. Nhiều nguyên thủ và quốc gia đã thể hiện quan điểm ủng hộ lập trường của VN, sẵn sàng giúp VN để bảo vệ lãnh thổ. Song nếu đặt một giả thiết là Trung Quốc vẫn không chịu rút giàn khoan khỏi vùng biển của VN thì chúng ta sẽ phải làm gì?

Đây là một câu hỏi rất khó cho cá nhân tôi. Nhưng với quốc gia, với dân tộc, tôi tin Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có những quyết sách sáng suốt, đúng đắn. Chúng ta đã thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bằng mọi giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp VN.

Chúng ta có các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ theo luật pháp quốc tế. Mặc dù kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân của chúng ta bị các tàu của Trung Quốc đâm thẳng, phun vòi rồng, húc đổ, nhấn chìm xuống biển, làm hư hỏng tàu chấp pháp và một số người của ta bị thương nhưng các đồng chí kiểm ngư, cảnh sát biển vẫn kiên cường bám biển, thực thi tốt nhiệm vụ được giao.


Ngày 23/5, tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 đâm vào mạn phải tàu CSB-2016

Trả lời các nhà báo quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để lấy thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào cả”. Theo ông, thông điệp của Thủ tướng còn muốn nhấn mạnh thêm điều gì?

TS Trần Công Trục: Còn nhấn mạnh gì nữa, đó là một định lý để chúng ta tuyệt đối áp dụng. Nghĩa là chúng ta không nên lệ thuộc những ý chí chính trị để đưa vào giải quyết vấn đề biên giới, chủ quyền. Giải quyết vấn đề biên giới phải căn cứ vào quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, của dân tộc trên cơ sở pháp lý quốc tế. Ý thức hệ hay ý chí chính trị có thể vạn biến nhưng lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia là nguyên tắc bất biến.

Sở dĩ tôi nhấn mạnh điều này là vì trước đây những lần đàm phán với Trung Quốc về biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc bộ, phía Trung Quốc luôn đưa ra các thủ thuật để áp đặt và gây sức ép cho phái đoàn ta. Cái thủ thuật mà họ đưa ra là những quan niệm về ý thức hệ, ý chí chính trị. Cho nên cái gì thuộc về nguyên tắc và được thể hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế là mình phải kiên quyết bảo vệ.

Sự dũng cảm, kiên trung ấy của các lực lượng chấp pháp VN đã nói lên tinh thần đấu tranh quyết liệt của chúng ta.

Chúng ta cũng đã thể hiện rõ với thế giới rằng, VN sẽ dùng mọi biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết mọi vấn đề hiện nay trên biển Đông, kể cả đưa vấn đề ra kiện tại tòa án quốc tế. Vậy xin hỏi ông, nếu thắng hoặc thua thì sẽ như thế nào?

Lại một câu hỏi khó nữa của bạn nhưng với tư cách một người nghiên cứu tôi chứng minh điều băn khoăn đó của bạn. Trước hết tôi đồng tình với phương pháp mà Nhà nước ta đang thực hiện để giải quyết các vấn đề trên biển Đông.

Cái này, VN đã tính đến và nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua là chúng ta đã chuẩn bị cả 10 năm nay rồi. Và bây giờ chúng ta tiếp tục củng cố hồ sơ thật đầy đủ các căn cứ pháp lý, các thủ tục theo quy định của quốc tế khi đưa vấn đề ra kiện.

Tôi khẳng định điều này để bạn và mọi người tin tưởng việc này chúng ta thực sự có thế mạnh vì nó nằm trong quyền chủ quyền của VN. Khi kiện, chúng ta chấp nhận và tôn trọng giá trị pháp lý, nhân văn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những ai đi ngược lại chân lý, lẽ phải, luật pháp mà nhân loại đã dày công xây dựng, áp dụng nó thì phải chịu thất bại.

Chúng tôi muốn đề cập một vấn đề đã nhiều lần nổi lên trong các cuộc tranh luận về chủ quyền biển. Đó là công thư mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1958. Xin hỏi ông, bản chất của tờ công thư này như thế nào?

Nhà báo đã dùng từ rất đúng, đó là tờ công thư chứ không phải là một công hàm như Trung Quốc nói. Về vấn đề này các kênh chính thức của Chính phủ đã trả lời rõ rồi, nên tôi chỉ xin nói với tư cách người nghiên cứu.

Việc Trung Quốc luôn luôn mang công thư đó ra để nói rằng phía VN đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, là hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi xin khẳng định điều này. Trong công thư đó, VN chỉ ủng hộ tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc thôi, không hề nhắc tới chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.

Phía Trung Quốc thì luôn luôn dùng các thủ thuật, thủ đoạn để gán ghép các sự kiện lại với nhau nhằm giành lấy một sự công nhận mặc nhiên về chủ quyền ở đây. Họ đã làm thế nhiều lần chứ không chỉ một lần.

Thưa ông, có dự đoán các bước đi của Trung Quốc sẽ là: gây tranh chấp, đầu tư tổng lực để chiếm ưu thế trên những khu vực tranh chấp rồi đặt ra giải pháp “cùng khai thác”. Nếu vậy, các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, sẽ bị thiệt hại ra sao?

Cái này phải rạch ròi nó ra. Đối với vùng chồng lấn, theo luật pháp quốc tế thì vẫn được tạm thời cùng khai thác. Còn cái mà chúng ta đang nói ở đây là Vùng đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam. Nghĩa là hành động của Trung Quốc đang xâm chiếm vào chủ quyền của Việt Nam.

Cái âm mưu của Trung Quốc là biến không thành có với những yêu sách không có cơ sở như đường lưỡi bò. Trung Quốc đang uy hiếp để hợp thức hóa đường lưỡi bò chiếm 85% biển Đông, biến không tranh chấp để thành tranh chấp, muốn xí phần bằng cách xâm chiếm. Cho nên điều này chúng ta không bao giờ chấp nhận và sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm