| Hotline: 0983.970.780

Cuộc "tập dượt" đầu mua mưa bão

Thứ Hai 19/07/2010 , 11:37 (GMT+7)

Bão Côn Sơn đã suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Như vậy "cuộc tập dượt" của các Bộ ngành, địa phương cũng như người dân phòng tránh cơn bão số 1 đã kết thúc,...

* Bộ trưởng Cao Đức Phát: Các địa phương đã phản ứng mau lẹ, quyết liệt 

Bão Côn Sơn đã suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Như vậy "cuộc tập dượt" của các Bộ ngành, địa phương cũng như người dân phòng tránh cơn bão số 1 đã kết thúc, nhưng nó lại mở ra những bài học cho chúng ta đối phó với những cơn bão mới của mùa mưa bão được dự báo là khốc liệt năm 2010 này.

Theo thống kê, chỉ một đêm càn quét nhưng bão Côn Sơn đã khiến 303 nhà bị hư hỏng và tốc mái (Quảng Ninh 200; Hải Phòng 103); 27 tàu tàu bị đắm, vỡ (Quảng Ninh 15; Hải Phòng 5; Quảng Ngãi 6; Hà Tĩnh 1); 34 tàu tàu thuyền bị trôi, trong đó có 3 tàu lớn đang sửa chữa tại Hải Phòng; 33 chiếc lồng bè hải sản của người dân cũng bị cuốn trôi trong bão. Tại Hải Phòng, một cẩu hàng tại đảo Bạch Long Vĩ bị gãy, ba chiếc tàu biển trọng tải lớn đang neo đậu, sửa chữa bỗng dưng bị “xổng đà” trôi và va đập mạnh vào cầu Bính (bắc qua sông Cấm) nằm cách đó chừng vài trăm mét bị hư hỏng. Mọi hoạt động giao thông qua lại giữa các quận nội thành với huyện Thủy Nguyên đều phải tạm dừng. Tuy nhiên gần như ngay lập tức, các lực lượng đã triển khai khắc phục hậu quả. 

Mưa với cường độ lớn, dồn dập liên tục của bão Côn Sơn đã gây ảnh hưởng đến diện tích lúa mùa tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định…Trên 2.000 ha lúa mùa mới cấy và 1.700 ha ngô, rau màu, đậu tương...ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) bị dập nát. Lượng mưa trung bình tại tỉnh Nam Định đến sáng ngày 18/7 là 159mm, gây ngập úng 36.958 ha lúa mới cấy. Trong đó có 20.000 ha ngập sâu. Hiện, tỉnh đang chỉ đạo tối đa cho việc chống úng, chống ngập và cứu lúa. Đến 7h ngày 18/7, tất cả các máy bơm của tỉnh đang hoạt động hết công suất để tiêu úng và phấn đấu đến ngày 19/7 hoàn thành việc bơm nước chống úng, chống ngập để cấy lại lúa mùa. Theo kế hoạch, đến 25/7 phải cơ bản hoàn thành việc cấy lúa mùa bị chết. UBND tỉnh đã có công điện gửi các huyện, thành phố và các đơn vị thủy nông với nhiệm vụ phải cứu lúa mùa là ưu tiên số 1. Toàn bộ các đê chắn sóng ở các huyện ven biển như: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng có bờ biển dài 72km đều an toàn và không có bất cứ sự cố nào về đê xảy ra.

 Nhìn chung, bão số 1 không gây thiệt hại lớn về người. Tỉnh Quảng Ninh có 5 người (1 người bị sóng đánh trôi ở khu vực đảo Cống Đỏ, 4 người trên tàu vận tải HD 0120/04 bị chìm tại khu vực hòn Gà Chọi), tuy nhiên qua một đêm tích cực tìm kiếm, 8h sáng hôm qua (19/7) lực lượng chức năng đã cứu sống các thuyền viên ở Quảng Ninh. Riêng ông Lương Văn Quang đi trên tàu bị sóng đánh trôi ở khu vực đảo Cống Đỏ, đến 5h sáng hôm qua cũng được tìm thấy. Ông Quang bị thương và đang được chăm sóc tại trạm y tế xã Thắng Lợi, huyện đảo Vân Đồn.

 Đáng tiếc nhất là trường hợp một phụ nữ đi tắm biển khi biển động ở bãi biển Hải Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và bị sóng cuốn mất tích. Về trường hợp cháu bé chưa xác định được danh tính ở phường Yết Kiêu (Hạ Long) bị chết đuối do lật thuyền, cơ quan chức năng khẳng định không phải do bão gây ra . Được biết, cháu bé là con của một phụ nữ sống nghề chài lưới, bị bệnh và chết vào ngày 16/7. Ngày 17/7, đúng lúc bão gây sóng to, gió mạnh, người mẹ đưa con vào đất liền chôn cất thì thuyền bị lật khiến xác cháu bé trôi dạt vào phường Yết Kiêu.

Lượng mưa do bão số 1 gây ra không lớn như dự báo, phổ biến từ 50-100 mm. Tuy nhiên cơ quan khí tượng vẫn cảnh báo cần đề phòng hoàn lưu của bão có khả năng gây mưa ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Thanh Hóa. Người dân vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Tại cuộc họp của BCĐ PCLB TƯ hôm qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao sự phản ứng mau lẹ, quyết liệt của các tỉnh trong việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, sơ tán dân ở vùng nguy hiểm. Ngay khi BC Đ PCLB TƯ có công điện khẩn thông báo tình hình bão, các địa phương đã chủ động bố trí lực lượng tại các điểm xung yếu. Đoàn công tác của Bộ trưởng liên tục đi về giữa các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình…để trực tiếp chỉ đạo các địa phương đối phó bằng việc lập ban chỉ huy tiền phương ngay tại các điểm xung yếu.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Cao Đức Phát, bão số 1 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng, chống của các địa phương. Thông thường, cơn bão đầu tiên trên biển Đông thường đổ bộ vào Trung Quốc hoặc biên giới Việt – Trung, nhưng cơn bão này đã đi thẳng vào đồng bằng Bắc bộ. Chính vì vậy, trong một bộ phận nhân dân và cán bộ có tâm lý chủ quan trong phòng chống. "Dự báo bão hướng lên phía bắc, chúng ta đã khuyến cáo ngư dân nên ra khỏi vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhưng một số tàu vẫn ở lại". Đây là bài học các địa phương và người dân cần khắc phục ngay trước khi đối phó với những cơn bão tiếp theo.

Hiện BCĐ PCLB TƯ tiếp tục chỉ đạo các địa phương nhanh chóng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục nhanh các sự cố và thiệt hại về điện, viễn thông, thu dọn cây xanh gẫy đổ, giải toả giao thông tại Hải Phòng, Quảng Ninh để các địa phương này sớm khôi phục SX và ổn định đời sống.

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Nhịp sống miền Tây giữa đỉnh điểm hạn mặn: [Bài 4] Cống thủy lợi chở che những cánh đồng

Mặn bủa vây cả hướng biển Đông và biển Tây, nhưng nhờ có hệ thống công trình thủy lợi điều tiết, đến nay,xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng sản xuất cho Hậu Giang.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.