| Hotline: 0983.970.780

Cuối tháng 2, giá TĂCN sẽ "phi mã" (?!)

Thứ Ba 22/02/2011 , 09:50 (GMT+7)

Người chăn nuôi vốn đã khó khăn nay càng thêm “thất điên bát đảo” khi nghe tin giá TĂCN cuối tháng 2 này sẽ tăng từ 10 - 15%!

* Sẽ xảy ra lạm phát thực phẩm

Việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD tăng 9,3% đã khiến ngành chăn nuôi trong nước chịu áp lực nặng nề khi mỗi năm VN phải bỏ ra gần 3 tỉ USD để nhập khẩu (NK) nguyên liệu TĂCN. Người chăn nuôi vốn đã khó khăn nay càng thêm “thất điên bát đảo” khi nghe tin giá TĂCN cuối tháng 2 này sẽ tăng từ 10 - 15%!

Anh Nguyễn Thanh Sơn – Chủ trang trại gà ấp Đức Long 1 (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, do năm 2010 anh bị lỗ 1,3 tỉ đồng vì nuôi 50.000 con gà công nghiệp (gà trắng), nên năm nay anh chỉ dám nuôi 20.000 con gà tam hoàng (gà màu). “Vậy mà vận rủi vẫn chưa tha cho gia đình tôi. Trước đây, mỗi ngày tôi đổ 1 xe cám (10 tấn) chỉ 80 triệu đồng thì nay đã là 110 triệu đồng, trong khi giá gà tam hoàng hiện giảm từ 38.000 đồng/kg xuống còn 36.000 đồng/kg. Với giá này, nếu bán hết đàn mà không xảy ra hiện tượng gà chết và giá thức ăn giữ được như hiện tại, may lắm mới có thể huề vốn!”.

Anh Sơn khẳng định, do quy mô nuôi lớn nên anh thường xuyên đọc báo, xem tivi và vào Internet theo dõi thông tin, ngay khi biết chuyện tỷ giá USD được điều chỉnh tăng lên, anh và gia đình quyết định không thả nuôi thêm vì biết chắc giá cám sẽ tăng rất mạnh trong những ngày tới. “Sau khi bán hết 20.000 con gà này, tôi sẽ nghỉ hẳn để nghe ngóng tình hình chứ không dám mạo hiểm nữa” – anh Sơn nói.

“Bi đát” hơn, những người nuôi gà công nghiệp (gà trắng) tại khu vực Đông Nam bộ đang chịu cảnh thua lỗ, khi nghe tin giá cám rục rịch bị DN “nhồi” lên đã chỉ biết ôm mặt kêu trời. Nếu như vào thời kỳ hoàng kim (tháng 4/2010) giá gà công nghiệp lên tới 39.000 đồng/kg, thì hiện đã rớt thê thảm xuống 50%.

Anh Tống Văn Hướng – Chủ trang trại gà công nghiệp nuôi trên 130.000 con tại ấp Hòa Cường (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) nói trong cay đắng: “Hiện giá gà công nghiệp chỉ còn 20.000 – 21.000 đồng/kg, trung bình bán mỗi con nặng 3 kg, tôi lỗ tới 6.000 đồng”. Anh Hướng cũng cho biết, số gà nuôi nhỏ lẻ trong dân tại xã Minh Hòa hiện vẫn còn tồn tới 80.000 con và hầu hết đã được 60 ngày tuổi. “Một lứa gà công nghiệp chỉ có 45 ngày nhưng giờ người dân mất thêm 15 ngày nuôi, vậy mà muốn bán cũng không được vì giá xuống quá thấp và cũng không có nhiều người mua”.

NGƯỜI TIÊU DÙNG SẼ CHỊU ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ

Ông Nguyễn Hữu Chí – Chủ nhiệm HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (TPHCM), nơi có lượng heo khổng lồ lên đến 40.000 con, cho biết: Rất may HTX vẫn còn nguồn thức ăn dự trữ nên trước mắt chưa bị ảnh hưởng ngay. Tuy nhiên, HTX cũng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn, nếu giá TĂCN bị điều chỉnh thêm thì giá heo của HTX bắt buộc phải điều chỉnh để không bị thua lỗ. Ông Chí cũng cho rằng, ngoài những người chăn nuôi thì chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi giá thực phẩm chăn nuôi bị đẩy lên theo tỷ giá đô la.

Trong khi đó, ông Lê Trọng Nghĩa – PGĐ Cty Chăn nuôi chế biến thực phẩm Sài Gòn khẳng định, các loại nguyên liệu TĂCN VN phải NK thực chất đã tăng giá trước khi ngân hàng điều chỉnh vì giá USD “chợ đen” đã cao ngất ngưởng, bỏ xa giá của ngân hàng từ lâu. Việc điều chỉnh này thực chất là để “hợp thức hóa” những cái đã và đang diễn ra vô cùng bất cập trên thị trường tỷ giá của VN mà thôi. “Tuy nhiên, khi được Ngân hàng Nhà nước VN chính thức áp dụng thì nó sẽ tiếp tục tạo áp lực mới trên thị trường và dần hình thành một mặt bằng giá “chợ đen” mới” – ông Nghĩa nói. Hiện Cty Chăn nuôi chế biến thực phẩm Sài Gòn có 25.000 con heo và trên 100.000 con gà tam hoàng và cũng đang phải cầm cự để không bị giá TĂCN hạ “nốc ao”.

Theo ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN, việc ngân hàng tăng tỷ giá đồng USD thêm 9,3% để ổn định ngoại hối và tạo lợi thế cho XK, nhưng lại rất có hại cho việc NK nguyên liệu. “Đặc biệt, nhiều loại nguyên liệu TĂCN mà nước ta phải NK như: khô dầu đậu tương 2,7 triệu tấn, bột cá trên dưới 100.000 tấn và các loại phụ gia TĂCN… Tổng cộng có tới 60% khối lượng để sản xuất thức ăn công nghiệp cho lợn, gà, bò sữa, bò thịt, cá basa, cá tra, tôm với trị giá 2,7 tỷ USD (năm 2010) nên rõ ràng tác động sẽ vô cùng lớn”.

Ông Lịch cũng nhận định: “Cuối tháng 2 này chắc chắn chúng ta sẽ phải chứng kiến một đợt tăng giá TĂCN mới từ 10 – 15%, kéo theo giá thực phẩm lợn, gà, tôm, cá cũng ồ ạt tăng theo. Chắc chắn những ngày tới, VN sẽ xảy ra tình trạng “lạm phát giá thực phẩm” lớn nhất từ trước đến nay” – ông Lịch nói.

Xem thêm
10 năm không được áp thuế GTGT, doanh nghiệp phân bón 'thiệt đơn thiệt kép'

Việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT kéo dài từ 2015 khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại lớn, giá thành tăng, lợi nhuận giảm, vị thế cạnh tranh yếu.

Nắng nóng kéo dài cộng mùa vụ liên tục, cây lúa đối mặt nhiều bất lợi

Plastimula 1SL là giải pháp hỗ trợ cây lúa vượt qua ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trong giai đoạn đầu vụ hè thu.

Aquavina đồng hành cùng người nuôi tôm ĐBSCL

Aquavina đặt nền móng cho sự thành công của người nuôi tôm tại ĐBSCL bằng việc cung cấp các sản phẩm thuốc thú y thủy sản chất lượng cao.

Bình luận mới nhất