| Hotline: 0983.970.780

'Cường sầu riêng'

Thứ Sáu 10/07/2015 , 10:27 (GMT+7)

Với sự quyết tâm cải tạo vườn sầu riêng, ông Nguyễn Thanh Cường ở ấp 9, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã thu lãi ròng hơn 1 tỷ đồng/năm.

Trước đó, ông Cường đã có gần chục năm trồng sầu riêng bị thất bại vì non kinh nghiệm, cây bị "điếc" không ra hoa đậu trái.

Khởi nghiệp từ 400.000 đồng

Nhắc đến danh tiếng “Cường sầu riêng” thì quanh vùng ai cũng biết. Ông là người tiên phong đưa giống sầu riêng Thái về trồng. Từ thành công của ông, nhiều hộ cũng hưởng ứng trồng theo, biến nơi đây thành “vương quốc sầu riêng” nổi tiếng không kém những vùng miệt vườn ở miền Tây.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sầu riêng sum xuê trái, ông Cường chia sẻ: “Sau giải phóng, tôi cùng gia đình từ Bình Dương di cư về đây khai hoang lập nghiệp. Khi cưới vợ được bố mẹ cho 7 sào đất để trồng trọt mưu sinh. Lúc đầu chủ yếu trồng vườn tạp với đủ loại cây như cà phê, sầu riêng, tiêu…theo phương thức lấy ngắn nuôi dài chứ chưa nghĩ đến chuyện làm giàu. Năm 1996, Cty Dona-techno (Đồng Nai) nhập về giống sầu riêng Thái cho hiệu quả kinh tế cao. Tôi quyết tâm đầu tư trồng giống sầu riêng này trên toàn bộ diện tích vườn của mình”.

Theo ông Cường, mới đầu dù quyết tâm cao nhưng bị kẹt vốn, ông cứ loay hoay tìm vay khắp nơi không được, đành bàn với vợ đem bán chiếc nhẫn kỷ niệm ngày cưới được 400 ngàn đồng để mua hết cây giống sầu riêng về trồng.

Sau đó, ông mày mò học cách ghép để chiết nhánh cây sầu riêng Thái ghép vào gốc sầu riêng hạt đã có sẵn. Ông tìm đến các nông trường ghép cao su, cà phê để quan sát và học cách ghép cành rồi về tự mình áp dụng kỹ thuật ghép sầu riêng. Do nắm bắt kỹ thuật nhanh, ông ghép cây nào cũng sống và sinh trưởng tốt.

“Ưu điểm của việc ghép cây sầu riêng là giảm được chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian ra trái. Thông thường trồng sầu riêng phải từ 5 - 6 năm mới có quả, nhưng cây ghép chỉ trong vòng 3 năm đã có thể thu hoạch”, ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, suốt 6 năm đầu, vườn sầu riêng của ông hầu như mất trắng vì cây đậu trái rất ít. Mỗi lần mưa xuống, ra thăm vườn thấy hoa, trái rụng đầy gốc khiến ông đau xót, nhưng lại tự an ủi mình và quyết tâm tìm cách khắc phục.

Cây '1 chỉ vàng'

Thời đó, thấy ông đem cây sầu riêng Thái về trồng rồi thất bại, nhiều người chê vì cho rằng ông làm những việc không giống ai và chẳng ai tin ông sẽ thành công. Chính lúc ấy, ông lại tìm được nguồn động viên, cổ vũ to lớn từ cây sầu riêng “một chỉ vàng”

Bà Phạm Thị Tuyết, cán bộ phụ trách nông nghiệp, xã Nhơn Nghĩa: "Sầu riêng là cây trồng chủ lực của xã Nhơn Nghĩa, giúp bà con làm giàu. Hiện toàn xã có gần 200 ha sầu riêng, chiếm ¼ diện tích đất nông nghiệp. Xã đã hỗ trợ cho 18 hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động...”.

Mấy năm đầu trồng ghép cây sầu riêng Thái gần như bị mất trắng. Mỗi mùa vườn chỉ đậu vài cây ra hoa nhưng được cái cho trái rất to.

Ông Cường vui vẻ kể: “Khi những trái sầu riêng này chín, vợ chồng tôi đem đi bán thử, khách trả giá bao nhiêu cũng bán. Thật không ngờ, khách hàng túm đến xem trái rồi trả 16.500 đồng/kg. Khi bán xong tôi đếm được 480 ngàn đồng. Mừng quá tôi mua luôn 1 chỉ vàng đem về trả cho bà xã. Đến nay cây sầu riêng cho trái to ấy vẫn còn ở trong vườn và tôi gọi là cây "1 chỉ vàng”...

Ngoài việc tự mày mò, tìm hiểu kiến thức trên sách, báo, ông còn gặp những người có nhiều kinh nghiệm trồng sầu riêng để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, tư tưởng của nhiều nông dân còn bảo thủ, sợ chia sẻ “tuyệt chiêu” của mình cho người khác thì họ sẽ “ăn” mình.

Vì vậy, ông tự làm riết rồi cũng có kinh nghiệm. Thậm chí, bây giờ chỉ cần nhìn lá sầu riêng là ông có thể biết mùa nào thắng, mùa nào thua. Do vậy, trừ khi gặp thiên tai đành phải chấp nhận, còn đến nay năm nào vườn nhà ông cũng được mùa thắng lớn.

Khi đã có lời, gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng trồng. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 4 ha sầu riêng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 70 tấn trái. Sau khi trừ chi phí, ông còn lời khoảng 1,2 tỷ đồng và cái tên “Cường sầu riêng” được nhiều người biết đến.

Thấy mô hình làm ăn của gia đình ông đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ xung quanh cũng chuyển sang chuyên canh sầu riêng. Ông Cường cũng không ngại chia sẻ “bí kíp” thành công của mình.

Không chỉ giỏi làm ăn, ông Cường còn rất nhiệt tình hưởng ứng xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Mới đây, ông đã hiến hơn 300 m2 đất và 50 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. Ông được UBND huyện Cẩm Mỹ khen thưởng vì có thành tích cao trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm