| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 12/01/2011 , 10:47 (GMT+7)

10:47 - 12/01/2011

Cứu lấy "sói biển"

Ngày trước, việc ngư dân bị chủ siết nợ không lạ bởi họ là nhóm dân nghèo, vay tiền của người khác để làm ăn. Còn ngày nay, cụ thể trong tháng qua, đã có ít nhất hai tờ nhật báo đăng xã luận kêu gọi cộng đồng ủng hộ một ngư dân, là thuyền trưởng tàu QNg 66478-TS, ông Mai Phụng Lưu, người xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng vừa mất tàu do bị chủ nợ siết để ông này có thể tiếp tục được ra khơi hành nghề.

Chuyện báo chí kêu gọi hoặc làm cầu nối đưa những tấm lòng hảo tâm trên dải đất hình chữ S này đến với những cảnh đời cơ cực, những thân phận thấp bé để họ tồn tại hoặc có cơ hội vươn lên thoát khỏi số phận đã diễn ra rất nhiều. Để tôn vinh những con người viết nên câu chuyện cảm động đó, nhiều cơ quan tuyên truyền, đơn vị tổ chức thường nói rằng: Tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp!

Thế nhưng, lần kêu gọi này đã có những biểu hiện cao hơn nghĩa cử. Trước hai bài xã luận đã có hàng chục bài ghi chép, ký sự, phóng sự ảnh… của nhiều cơ quan báo chí mô tả, tường thuật về tâm tư, tình cảm cũng như hình ảnh sinh hoạt đời thường của ngư dân này. Chẳng lẽ số phận của ông quá dị biệt hoặc đang trong tình thế cùng cực khổ đau nên báo giới ưu ái quá chăng?

Nhiều người sẽ khẳng định: không phải thế bởi họ nhìn thấy trên nhiều trang báo, bức hình người dân chài được mệnh danh là “Sói biển… nằm bờ” này luôn thường trực nụ cười tươi rói, đang trồng rau hay đầm ấm bên vợ. Thậm chí vào ngày cuối cùng của năm 2010 vừa qua, ông còn được tỉnh Quảng Ngãi vinh danh tại Hội nghị Tổng kết bốn năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Vị thuyền trưởng này được mô tả là thuộc nằm lòng từng con sóng, hốc đá ở vùng biển Hoàng Sa do được ra khơi từ nhỏ, lại có tài trí, bản lĩnh hơn người nên dù bị nước ngoài bắt giữ bốn lần (trong khi ông vẫn đánh bắt trong khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), tịch thu hết phương tiện hành nghề, đòi tiền chuộc... nhưng sau đó ông vẫn kiên trì sắm thuyền, mua lưới ra khơi, bám biển mưu sinh. Đáng ngợi khen biết bao. Lần cuối cùng ông bị bắt giữ là tháng 9/2010 vừa qua và tên ông được nhắc tới trong hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng như một điển hình về tranh chấp lãnh hải.

Sau lần ấy về, do món nợ cũ chưa kịp trả mà ông bị siết mất tàu. Nhìn nhận sự kiên cường ở những lần ra khơi trước đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, bảo vệ an ninh quốc gia trên biển nên chẳng hẹn mà gặp, báo giới đồng lòng kêu gọi cộng đồng ủng hộ ông, cứu lấy "sói biển" đang bị đẩy vào bước đường cùng.

Song đơn giản hơn, nhiều người dân, nhiều tổ chức, nhiều giới truyền thông nhận ra rằng: nghĩa vụ này đáng được tôn vinh! Ai cũng mong muốn, mỗi ngày lại có thêm một "nghĩa vụ" xứng đáng được tôn vinh để có thể ghép thành một bức tranh xã hội đầy lòng nhân ái, không bàng quang với nỗi đau của đồng loại.  

Bình luận mới nhất