| Hotline: 0983.970.780

Cựu sỹ quan công an khiếu nại bị bắt oan 37 năm trước

Thứ Tư 07/10/2015 , 09:05 (GMT+7)

Ông Đinh Trung Tấn ở xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) vừa gửi đơn khiếu nại đến Viện KSND và Công an TP Cần Thơ yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho ông, vì việc bắt oan 37 năm trước. 


Ông Đinh Trung Tấn

Hồi đó, tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ bây giờ còn chung tỉnh Hậu Giang cũ. TP Cần Thơ lúc đó là cấp huyện, tỉnh lỵ của tỉnh Hậu Giang cũ.

Đêm 1/5/1978, ông Tấn bị Công an TP Cần Thơ ập vào nhà bắt giam. Người ký lệnh bắt là Trưởng công an TP Nguyễn Tấn Lộc. Lúc này, ông Tấn là thượng úy, đội trưởng một đội công tác thuộc Công an TP Cần Thơ.

Ông Tấn kể: Ông sinh năm 1939, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 21 tuổi, ở tiểu đoàn 306, quân khu 9. Năm 1965, sau khi bị thương, ông chuyển công tác sang ngành an ninh khu Tây Nam Bộ và từ ngày giải phóng, ông về công tác tại Ty Công an tỉnh Hậu Giang. Ông bị bắt vì bị tình nghi là chủ mưu ám sát ông Hai Thông, Phó trưởng Công an TP Cần Thơ.

Một số đồng nghiệp của ông Tấn khi đó kêu oan dùm ông và Bộ Công an cử cán bộ vào làm việc, thấy oan sai nên yêu cầu thả ông.

Ngày 25/11/1978, ông Tấn được Ty Công an tỉnh Hậu Giang ra quyết định trả tự do vì “không có hành vi phạm tội”. Ông Tấn được thả nhưng mất hết mọi quyền lợi, Đảng đã bị khai trừ, không được trở lại công tác cũ, ông phải về quê sống nhờ anh em.

Người ký “quyết định trả lại tự do” cho ông Tấn là đại tá Nguyễn Ngọc Như, Phó Trưởng ty Công an tỉnh Hậu Giang cũ. Ông Như hiện nghỉ hưu ở phường Ngã Bảy (TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết, ông phụ trách an ninh và phụ trách luôn trại tạm giam Công an tỉnh Hậu Giang cũ.

“Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang cũ báo cáo là ông Tấn không có tội, bị bắt oan sai nên tôi ký quyết định trả tự do”, ông khẳng định. Theo ông, nên gặp những người công tác chung với ông Tấn để rõ thêm chi tiết.

Ông Nguyễn Văn Nhường, Phó trưởng Công an TP Cần Thơ lúc đó, nay nghỉ hưu ở phường Hưng Phú (Cái Răng, Cần Thơ) kể lại chi tiết vụ bắt oan.

Ông Nhường nói: “Vào ngày 29/4/1978, xảy ra vụ ám sát bắn chết Hai Thông, công an thành phố. Sau đó, đồng chí Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng công an TP, nắm tin từ đâu không biết, đồng chí ra lệnh bắt giam 3 người: Tấn, Sơn, Dời. Bộ Công an có cử người xuống Công an Hậu Giang cũ tiến hành thẩm tra xác minh tình tiết thời gian, không gian vụ bắn chết Hai Thông thì Tấn cùng ở đơn vị, không vắng mặt, không có liên quan đến vụ bắn chết.

Cho nên, cán bộ của Bộ cử xuống cùng tỉnh Hậu Giang cũ kết luận: Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng công an TP, bắt oan sai. Nhưng khi Tấn được thả ra, đồng chí Nguyễn Tấn Lộc không nhận Tấn trở lại đơn vị và phục hồi quyền lợi chính trị cho Tấn, từ đó cho đến hiện nay”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng công tác ở ngành an ninh tỉnh Hậu Giang cũ từ năm 1975 đến 1988, nay nghỉ hưu ở khóm 1, phường 4 (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cũng khẳng định vụ bắt ông Tấn là oan sai.

Ông Dũng cho biết thêm: “Cha của ông Tấn là cán bộ kháng chiến hai thời kỳ, mẹ là Bà mẹ VNAH vì có 2 con liệt sỹ. Bản thân ông Tấn và hai người anh em khác là thương binh. Theo tôi, các cấp có thẩm quyền cần giải quyết quyền lợi đúng pháp luật cho ông Tấn, vì danh dự của ông và danh dự của một gia đình có công với nước”.

Cán bộ xã Liêu Tú cho biết, 37 năm qua, ông Tấn làm ruộng và nhiều năm là nông dân sản xuất giỏi, được UBND tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.