| Hotline: 0983.970.780

Đa cấp, sinh ra từ cuộc sống

Thứ Sáu 26/04/2013 , 10:22 (GMT+7)

Vài chục năm gần đây, từ “đa cấp” luôn khiến người đời dị ứng và phản ứng. Nhiều người vừa nghe từ “đa cấp” đã giẫy nẩy lên “Lừa đảo! Lừa đảo!”.

Vài chục năm gần đây, từ “đa cấp” luôn khiến người đời dị ứng và phản ứng. Nhiều người vừa nghe từ “đa cấp” đã giẫy nẩy lên “Lừa đảo! Lừa đảo!”.

Có chuyện đó, bởi từ “đa cấp” luôn gắn với tên của rất nhiều công ty hay nhóm người “lừa”, mà gần đây nhất là việc kinh doanh chồn nhung theo hình thức đa cấp, khiến không biết bao nhiêu gia đình mất nghiệp, vừa bị phóng viên Báo NNVN phanh phui. Bản thân tôi, trong cuộc đời làm báo của mình, không ít lần dấn thân vào những cuộc điều tra, đưa nhiều công ty hay nhóm người lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo ra ánh sáng.

Nhưng cũng chính từ những cuộc dấn thân đó mà tôi chợt phát hiện ra: Đa cấp luôn tồn tại trong mọi ngõ ngách, mọi lĩnh vực xã hội. Có cuộc sống tiêu dùng là có đa cấp. Hay nói khác đi, đa cấp được sinh ra từ chính cuộc sống tiêu dùng của xã hội. Tôi dám chắc rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã từng làm đa cấp, một thứ đa cấp không công, đa cấp một cách hồn nhiên, vô tư và rất... trong sáng.


Chia sẻ thông tin về sản phẩm

Sự “ngộ ra” đến với tôi nhân một lần ngồi trên nhà, nghe vợ tôi buôn chuyện với mấy bà hàng xóm dưới bếp, cũng chuyên làm công việc nội trợ như mình. Trong buổi buôn chuyện đó, vợ tôi bảo mấy bà:

- Này, đi chợ mình mà muốn mua thịt, thì cứ đến cái nhà cô bán thịt ở sát chân đê mà mua. Thịt của nó lúc nào cũng tươi, mới giết buổi sáng chứ không có thịt ế từ hôm trước để tủ lạnh. Cân của nó rất đúng, một lạng là một lạng, mang về khảo bằng cân của mình không bao giờ hụt, mà giá thì mỗi cân lại rẻ được hai nghìn.

Vợ tôi nói chuyện đó một cách rất vô tư mà không biết rằng như thế là thị đang đi làm đa cấp. Thị làm đa cấp, hoàn toàn không phải vì con mẹ hàng thịt chợ làng, mà vì mấy người hàng xóm của mình, muốn cho mấy bạn hàng xóm kia cũng mua được những miếng thịt vừa tươi ngon, vừa rẻ lại vừa không bị cân điêu như mình. Rồi đến hôm sau, theo lời mách, mấy bà hàng xóm nhà tôi tìm đến đúng hàng thịt đó mua.

Thấy đúng như lời vợ tôi, mỗi người trong bọn họ lại mách tiếp cho những người bạn khác của mình, rồi bạn của bạn họ tìm đến mua, thấy đúng, lại mách tiếp cho bạn họ... Bản chất của đa cấp là vậy, là truyền nhau, rỉ tai, và cứ thế lời truyền, lời rỉ tai tự nó lan rộng ra hết tầng này đến tầng khác. Không một ai khi mách cho bạn của mình lại có ý nghĩ là vì cô bán thịt kia. Nhưng cô bán thịt kia cứ vô tư hưởng lợi từ việc rỉ tai, việc truyền nhau đó, vì thế hàng của cô bán rất chạy, trong khi mấy hàng thịt bên cạnh cứ ngồi đuổi ruồi, và cuối buổi lại mang từng tảng thịt về tống vào tủ lạnh.

Thêm một minh họa nữa về đa cấp không công. Do hay rượu, và nghĩ một cách đơn giản rằng rượu nào chả là rượu, nên tôi rất hay mua phải những loại rượu không chuẩn, uống vào nhiều khi đầu đau như búa bổ, thậm chí có dấu hiệu của ngộ độc, mệt mỏi mấy ngày liền. Một lần mời nhà văn Tạ Duy Anh đến nhà uống rượu. Đồ nhắm đã bày ra, nhưng khi tôi rót rượu mời thì họ Tạ xua tay từ chối, và lấy trong cặp của mình ra một chai rượu. Đáp lại câu hỏi đầy tự ái của tôi rằng ông chê rượu của tôi à? Nhà văn bảo:

- Mấy chục năm nay tôi chỉ uống duy nhất một loại rượu mua của tay chủ quán rượu lạc đầu đường Lĩnh Nam. Hôm nay tôi mời ông uống thử, rồi lần sau đến đấy mà mua. Rượu của nó ngon, uống rất êm, không bao giờ nhức đầu.

Tôi uống, quả thấy như vậy. Hôm sau tôi tìm đến mua hẳn một can 5 lít. Và mỗi lần đãi bạn bằng thứ rượu này, tôi không quên bảo bạn đến đó mà mua. Hồi ấy, cả nhà văn Tạ Duy Anh cũng như tôi, đều không bao giờ nghĩ như vậy là mình đã vô tình đi làm đa cấp không công. Và khi mách với bạn bè, tôi cũng không hề vì lão chủ quán bụng phệ kia, mà chỉ muốn các bạn mình cũng được thưởng thức thứ rượu ngon như mình. Không biết bao nhiêu người bạn của tôi, khi được tôi mách, đã tìm đến đó mua, rồi có bao nhiêu người bạn của các bạn tôi, được các bạn tôi rỉ tai, truyền tai, đến đó mua nữa. Nhưng tôi dám chắc rằng lão chủ quán kia thu được không ít lãi, do bạn rượu của tôi ở khắp thành phố.

Nhìn rộng ra, có thể thấy đa cấp hiện hữu ở khắp nơi. Từ việc mua một mớ rau con cá, cái áo cái quần, một anh chủ hiệu sửa xe, sửa máy tính tốt, làm cẩn thận, giá rẻ, đến một cô giáo hay một thầy giáo dạy thêm rất tận tụy, dạy có chất lượng... cũng đều nằm trong sự điều chỉnh của đa cấp, khi các bậc phụ huynh truyền tai nhau, người nọ mách người kia, rồi đua nhau mang con đến xin cô hay xin thầy kèm cặp. Thậm chí ngay cả các quán bia ôm, các nhà nghỉ chứa điếm... cũng sống nhờ vào đa cấp, khi các tay ăn chơi rỉ tai, mách nhỏ cho nhau rằng thì là quán ấy chúng nó ôm giỏi lắm, nhà nghỉ ấy có đĩ trẻ đẹp lắm... Thời trước, truyền thông chưa phát triển, thậm chí xã hội hoàn toàn vắng bóng truyền thông theo nghĩa hiện đại, thì làm gì có chuyện lên truyền hình, lên báo hay in tờ rơi để quảng cáo hàng.

Không có truyền thông, thì tất cả là dựa vào lời đồn, vào lời rỉ tai mách lẫn nhau hết tầng này đến tầng nọ, mỗi tầng là một cấp. Thế nên kho tàng thành ngữ của ta mới có câu “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”. Đồn, tức là đa cấp chứ còn gì nữa. Chỉ nhờ lời đồn mà lụa Hà Đông, lụa Cổ Đô hay rượu làng Vân... trở nên nổi tiếng khắp nước từ khi chưa có cả chữ quốc ngữ. Bất cứ ai có hàng tốt, hàng có chất lượng, giá cả phải chăng hay làm ăn thật thà, có trách nhiệm... đều xứng đáng được hưởng lợi từ những “tiếng lành” cứ mỗi ngày một lan rộng trong xã hội. Và ngược lại thì anh cũng mất nghiệp do “tiếng dữ” lan truyền.

Các công ty hay nhóm lừa đảo bằng hình thức kinh doanh đa cấp, hay lợi dụng đa cấp để lừa đảo, đều có chung một số đặc điểm. Thứ nhất là hàng của họ không có chất lượng hay xuất xứ không rõ ràng, giá rất đắt, giá một bán mười. Thứ hai là bất cứ ai muốn tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, muốn trở thành “nhà phân phối” của họ, đều phải nộp một khoản tiền nhất định hay phải mua một lượng hàng hóa tương đương với một khoản tiền nhất định, thường là hàng chục triệu đồng.

Thế rồi những “nhà phân phối” bị lừa đó nếu cứ “vận động” được một người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp của chúng, sẽ được thưởng một khoản tiền nhất định. Càng vận động được nhiều người thì tiền thưởng càng lớn. Nguồn tiền thưởng đó, bọn lừa đảo trích ngay một phần từ khoản tiền do người đến sau nộp vào để thưởng cho người đến trước. Giả sử người đến sau không nộp tiền mà mua hàng, thì do giá một bán mười, bọn lừa đảo cũng thừa số tiền trích thưởng do lãi cao. Rồi người đến sau, do muốn được thưởng, lại tiếp tục lôi cuốn những người đến sau nữa, tạo thành một chuỗi lừa hết cấp nọ đến cấp kia. Đến khi thu được một khoản tiền lớn do hàng chục ngàn người tham gia nộp vào hay mua hàng rồi, và hàng hóa bị phát hiện là kém chất lượng, giá rất đắt rồi, là lúc công ty hay nhóm người lừa đảo đó “lặn” mất tăm (Còn nữa).

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất