| Hotline: 0983.970.780

Đã có "hàng rào" bảo vệ đất lúa

Thứ Ba 07/12/2010 , 09:03 (GMT+7)

Với quy định, khi giao, cho thuê đất chuyển từ đất lúa sang làm dự án đô thị, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp phải đấu giá quyền sử dụng, dự thảo Nghị định về chính sách quản lý đất lúa đang được lấy ý kiến được xem là "cây gậy pháp lý" để bảo vệ đất lúa.

Với quy định, khi giao, cho thuê đất chuyển từ đất lúa sang làm dự án đô thị, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp  phải đấu giá quyền sử dụng, dự thảo Nghị định về chính sách quản lý đất lúa đang được cơ quan chức năng soạn thảo, lấy ý kiến được xem là "cây gậy pháp lý" để bảo vệ đất lúa. Vậy, các địa phương đón nhận, đánh giá  quy định này như thế nào?  

Giữ đất lúa hay thu hút đầu tư?

Đất lúa đang bị "nhòm ngó"

Bắc Ninh là tỉnh xếp vào hạng nhất nhì miền Bắc trong công tác thu hút đầu tư những năm gần đây. Cùng với đó, đất lúa của nông dân cũng bị thu hồi nhiều nhất. Làm gì để giữ được đất lúa mà vẫn đảm bảo thu hút đầu tư đang là bài toán khó cho lãnh đạo tỉnh này.

Đất lúa thành… bãi hoang

Cách đây không lâu, người dân hai xã Phượng Mao và Phương Liễu, huyện Quế Võ đã được chứng kiến một dự án khu đô thị mới khởi công rầm rộ. Theo thuyết minh của chủ đầu tư thì dự án sẽ được xây dựng với cả nghìn tỷ đồng. Nơi đây, thay vì những cánh đồng bát ngát, sẽ trở thành một trong những khu đô thị đẹp và hiện đại vào bậc nhất của tỉnh. Tuy nhiên, để đánh đổi “giấc mơ đô thị”, người dân xã Phượng Mao đã phải “nghiến răng” chịu thu hồi hơn 40ha đất hai lúa, xã Phương Liễu bị thu 16ha, tư liệu sản xuất mà bao đời nay họ đã gắn bó, cũng là nguồn sống và thu nhập của họ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại công trường khu đô thị mới Quế Võ giờ không có gì đáng giá ngoài… 2 chiếc container được cải biến thành nhà điều hành của Ban quản lý dự án. Ông Nguyễn Nhân Ngãi, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Mao, nơi người dân phải mất phần lớn đất 2 lúa cho dự án tỏ ra bức xúc: “Đầu năm nay, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (chủ đầu tư) khởi công rất rầm rộ, nhưng sau lễ khởi công, tiến độ triển khai đầu tư cho dự án vẫn rất chậm chạp. Đến nay, dự án đô thị này vẫn như là sa mạc giữa đồng bằng”.

Ông Nguyễn Hữu Tiệm- Phó Giám đốc Sở TN-MT Bắc Ninh thừa nhận: “Đến nay, thời gian được giao đất và đưa vào đầu tư của dự án này cũng khá dài. Việc Cty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ chậm đầu tư khu đô thị này có nhiều nguyên nhân như yêu cầu của địa phương điều chỉnh quy hoạch, năng lực đầu tư của nhà đầu tư còn hạn chế. Chúng tôi đang tập trung đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên khu đất dự án”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, sở dĩ DN trên chậm tiến độ đầu tư là do kinh tế khủng hoảng, giá đền bù đất lúa cao nên tài chính của DN không đáp ứng được. Quá sốt ruột với sự “cù nhầy” này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bùi Vĩnh Kiên đã có công văn thông báo yêu cầu Cty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong đó hết quý IV năm nay, xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và đến hết năm 2011 xây dựng xong hạ tầng xã hội của toàn bộ dự án. Ngay lập tức, chủ đầu tư đã có văn bản số 32 “cự lại”, trong đó cho rằng, đây là dự án có quy mô lớn, việc đẩy nhanh tiến độ theo kết luận không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

Không chỉ có dự án đô thị Quế Võ, Bắc Ninh hiện có hàng chục dự án lấy đất của dân xây đô thị, khu công nghiệp nhưng chưa đưa vào khai thác. Theo thống kê của UBND tỉnh này, từ khi triển khai công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, đã có hơn 3.200ha đất nông nghiệp của tỉnh bị thu hồi. Con số này chắc chắn sẽ không dừng lại khi chủ trương của tỉnh là sẽ vẫn tiếp tuc thu hút các nhà đầu tư.

Trong quyết định phê duyệt phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, diện tích đất hai lúa chỉ còn hơn 16 nghìn ha, giảm gần một nửa so với năm 2008. Như vậy, vấn đề an ninh lương thực rõ ràng đang bị đe dọa.

Sợ nhà đầu tư tháo chạy

Khi Nghị định 69 về quản lý đất lúa ra đời và đi vào cuộc sống cuối năm 2009, giá đền bù đất nông nghiệp tăng vọt, kéo theo đó là sự rút chạy của nhiều nhà đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh, không dưới 10 DN đã “bỏ của chạy lấy người” khi Nghị định 69 được áp dụng, bởi theo họ, giá đền bù đất nông nghiệp quá cao. Nếu đầu tư vào đây, rất khó, hoặc mất quá nhiều thời gian, để thu hồi vốn cũng như sinh lợi nhuận.

Ông Nguyễn Đức Lê, GĐ Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trao đổi với NNVN, cho rằng, việc triển khai Nghị định 69 về quản lý đất lúa đã gây khó rất nhiều cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Nếu sắp tới, khi Nghị định mới về quản lý đất lúa, trong đó lấy việc đấu giá đất lúa khi chuyển sang mục đích sử dụng khác như làm đô thị, đất ở, đất cho công nghiệp… được áp dụng, thì e rằng, sẽ có một cuộc tháo chạy của nhiều DN đang trong quá trình đàm phán, xem xét đầu tư, hoặc đầu tư rồi mà có nhu cầu mở rộng sản xuất.

Dự thảo Nghị định về chính sách quản lý đất lúa, đang được lấy ý kiến các ngành liên quan, nêu rõ: Khi giao, cho thuê đất được chuyển từ đất lúa sang làm các dự án khu đô thị, các dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì phải đấu giá quyền sử dụng đất để chọn nhà đầu tư theo cơ chế sát với giá thị trường. Ngoài ra, theo nguyên tắc, phải sử dụng tiết kiệm đất lúa, ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài, hạn chế tối đa chuyển đất lúa sang mục đích khác.

 Không được phép chuyển đất chuyên canh lúa hai vụ để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu dịch vụ vui chơi giải trí nếu tại địa phương còn quỹ đất khác để bố trí cho các mục đích sử dụng này.

GĐ một DN chuyên đầu tư hạ tầng các KCN tại miền Bắc cho biết, DN của ông đang xem xét đầu tư một hệ thống đô thị ngay sát với TP Bắc Ninh, kết hợp với khu đô thị của Tập đoàn Kinh Bắc đang được xây dựng tại đây sẽ tạo thành một quần thể đô thị lớn và hiện đại. Tuy nhiên, với tình hình khủng hoảng tài chính chưa được cải thiện đáng kể, cộng với thủ tục hành chính, đặc biệt là chi phí GPMB bị đội lên rất nhiều kể từ khi thực hiện Nghị định 69, tới đây sẽ là một nghị định “chặt” hơn nữa, thì sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư.

 “Vả lại, nếu áp dụng việc đấu giá để chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, thì không còn nhiều cơ hội cho các DN yếu và thiếu về tài chính. Kể cả các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh cũng còn phải e dè khi đặt vấn đề làm đô thị, khu công nghiệp trên đất lúa”, vị GĐ này bày tỏ.

Trái ngược quan điểm trên, đại diện Sở NN-PTNT Bắc Ninh, đơn vị quản lý Nhà nước chuyên ngành về đất lúa, lại có cách nhìn khác. Theo ông Vũ Minh Hiếu, Trưởng phòng Trồng trọt, thì việc áp dụng đấu giá đất lúa là cần phải thực hiện. Đấu giá đất lúa đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực trong tương lai. Vả lại, đây cũng là một trong những biện pháp góp phần để nông dân đỡ thiệt thòi trong quá trình bị thu hồi đất nông nghiệp. “Mấy năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã mất quá nhiều đất lúa cho phát triển công nghiệp và đô thị. Trong quy hoạch đến năm 2020, đất hai lúa của tỉnh chỉ còn hơn 16 nghìn ha, như vậy là quá ít”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất