| Hotline: 0983.970.780

Đã có máy "rửa" muối 100% Việt Nam

Thứ Sáu 05/11/2010 , 10:45 (GMT+7)

ThS Bùi Sơn Long đã nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy rửa muối được diêm dân đánh giá là... thần kỳ. Bởi muối đen cho vào đầu này, đầu kia thu được muối trăng tinh.

* Chi phí 100 đồng/tấn nhưng giá bán cao hơn 100.000 đồng

ThS Bùi Sơn Long – GĐ Chi nhánh Thực nghiệm và Chuyển giao Công nghệ Muối biển (TCty Lương thực miền Bắc) đã nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy rửa muối được diêm dân đánh giá là... thần kỳ. Bởi muối đen cho vào đầu này, đầu kia thu được muối trăng tinh. Còn gì tuyệt vời hơn?

Vì sao Việt Nam NK muối?

Quay trở lại cách đây hơn 1 tháng, rất nhiều DN trong nước xin nhập khẩu muối để phục vụ SX khiến diêm dân mất ăn mất ngủ. Nhưng phải nói rõ rằng, các DN xin nhập khẩu muối tinh khiết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp chứ không phải là nhập khẩu muối ăn hàng ngày, mà ở nước ta muối phục vụ cho công nghiệp lại không được diêm dân cũng như các đơn vị sản xuất muối tập trung lưu tâm, chú ý. Nói trắng ra, trình độ diêm dân mình không làm được muối công nghiệp với đòi hỏi độ sạch, hàm lượng các chất kết tinh trong muối rất cao.

Theo ThS Bùi Sơn Long, nguyên nhân cơ bản khiến các DN chỉ thích nhập khẩu muối là vì muối của nước ngoài rất sạch lại rẻ, DN nhập về là có thể dùng được ngay. Ông Long nói: "Nhìn muối của họ chỉ muốn..ăn ngay, vì trắng như bông". Trong khi đó, muối của diêm dân hay các đơn vị sản xuất muối tập trung của ta đều SX theo phương pháp thủ công nên lớp kết tinh của muối rất mỏng (chỉ từ 5 – 6 cm, nước ngoài từ 20-30 cm), thời gian thu hoạch muối ngắn (chỉ từ 30 – 35 ngày, nước ngoài thời gian phơi muối của họ lên tới cả năm trời) sân phơi muối lại là nền đất, cát nên muối lẫn rất nhiều bùn đất và các tập chất hóa học như: Manhê sunfat (MgSO4), Manhê clorua (MgCl2), Kali clorua (KCl), Canxi sunfat (CaSO4)...; những tạp chất này gây hại đến máy móc trong quá trình SX công nghiệp.

Và điều ai cũng phải thừa nhận là muối của ta SX ra nhìn rất...đen. “Đặc biệt là độ ẩm của muối nước ta rất cao từ 6 – 7 % (nước ngoài 3%) nên khi DN mua muối SX trong nước sẽ mất nhiều công sức và tiền của để xử lý khiến giá thành muối đội lên gấp nhiều lần so với muối nhập khẩu. Vì vậy, các DN họ chọn cách nhập khẩu muối cho nhẹ người chứ chẳng ai dại gì mua muối của dân mình để mua việc vào người”-ThS Long thẳng thắn chia sẻ. Đó cũng là lý do tại sao trong lúc trong nước vẫn thừa muối thì DN lại bỏ ngoại tệ ra đi vác muối nước ngoài về, tốn công mất sức lại bị mang tiếng là...không yêu hàng nội.

Máy rửa muối 4 trong 1

Theo ThS Bùi Sơn Long: “Nếu bây giờ bảo đem dây chuyền công nghệ máy móc của nước ngoài để áp dụng cho SX muối ở Việt Nam sẽ không phù hợp. Bởi những dây chuyền SX muối của nước ngoài có giá cả chục tỷ đồng thì diêm dân mình lấy đâu ra tiền để mà mua. Giả sử có mua được máy nhưng chỉ chạy trong vài giờ là diêm dân hết nhẵn nguyên liệu vì công suất máy của họ quá lớn, như vậy sẽ rất lãng phí. Chính từ lí do đó mà tôi quyết tâm phải chế tạo một chiếc máy rửa muối nhưng phải dựa trên thói quen SX của diêm dân nước mình, phù hợp với khả năng tài chính của người Việt mình. Nói tóm lại máy làm ra phải được diêm dân chấp nhận thì mới tiêu thụ được”.

Để chuẩn bị cho đề tài khoa học của mình, ThS Bùi Sơn Long đã dành thời gian công sức đi một số nước tìm hiểu xem nước ngoài họ SX muối như thế nào. Đúng là “đi một ngày đàng, học một sang khôn”. Mặc dù muối thô thu hoạch từ cánh đồng về khá sạch rồi nhưng hầu như tất cả những nước SX muối công nghiệp họ đều chú trọng công đoạn cuối cùng là rửa muối. Đây là khâu loại bỏ tất cả các tạp chất hữu cơ cũng như hóa học còn lẫn trong muối để cho ra sản phẩm sạch, đạt chất lượng như mong muốn. Riêng khâu này thì diêm dân ở nước ta không bao giờ để ý khiến chất lượng muối nội thua kém muối ngoại.

Nói về ý tưởng chế tạo chiếc máy rửa muối, ông Long vui vẻ kể lại: “Trong chuyến công tác thăm cánh đồng muối của bà con ĐBSCL, tôi thử xúc một rổ muối rồi chao chao xuống nước. Thật bất ngờ tất cả bùn đất bám trên muối đều tan hết, muối từ màu vàng bã chè chuyển sang màu trắng muốt. Bất ngờ trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng chế tạo một chiếc máy kết hợp sức nước và ma sát để rửa muối. Vậy là ngay hôm sau tôi bắt tay vào thực hiện luôn”.

Ý tưởng nghĩ đơn giản là vậy nhưng để thực hiện được là cả một quá trình gian nan vất vả. Lúc đầu ông Long dùng ống nhựa PV để hút, nhưng đi được nửa đường ống thì muối tắc lại như người nghẹn oản. Vậy lại phải tháo ra tìm ống khác thay thế. Lần khác hút thử nghiệm ở đồng muối Khánh Hòa, máy chạy ngon lành nhưng được muối thì ít mà được nước thì nhiều, lại tiếp tục phải tháo ra tính toán tỉ lệ muối và nước sao cho phù hợp, cuối cùng chiếc máy cũng đã “nghe theo” ý của chủ. Một chiếc máy nội 100% ra đời không phải nhờ nhiều tiền mà nhờ mầy mò, đúc kết kinh nghiệm và học hỏi từ chính những diêm dân. Đối với ThS Bùi Sơn Long không còn niềm vui nào lớn hơn thế.

Máy đang được rất nhiều đơn vị đặt hàng. Bản thân ThS Long cũng chỉ chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế sẽ tiến hành sản xuất với số lượng lớn. Về giá máy, Ths Long xin phép chưa được tiết lộ nhưng ông khẳng định chắc chắn rẻ hơn nhiều hàng ngoại.
ThS Bùi Sơn Long cho biết, chiếc máy rửa muối của ông hoạt động dựa trên nguyên tắc của một chiếc bơm ly tâm. Nếu trước đây việc SX muối thủ công phải mất tới 4 công đoạn là: gom, thu hoạch, đắp đống và vận chuyển thì nay chiếc máy này có thể kết hợp 4 công đoạn đó trong 1. Muối sau khi được gom lại thành một đống lớn sẽ có một chiếc vòi tựa chiếc ống của xe hút bể phốt cắm vào giữa, đầu vòi là chiếc “miệng hút” hình phễu có cánh quạt quay với vận tốc hơn 1.000 vòng/phút liên vào máy rửa. Ở giữa chiếc phễu là một đường dẫn nước liên tục cung cấp nước để tiến hành rửa muối. Trong quá trình di chuyển muối và nước va vào nhau vào thành ống hút tạo nên lực ma sát rửa sạch những tạp chất bám trên muối thô. Tại đầu ra của chiếc máy có một hệ thống mắt lưới như sàng chiếc máy xát gạo, tất cả nước sẽ thoát qua các lỗ thoáng và chảy quay trở lại hệ thống còn hạt muối không lọt theo dây chuyền chạy thẳng lên xe ôtô.

ThS Bùi Sơn Long phấn khởi cho biết, sản phẩm muối sau khi qua máy rửa khi đem đi kiểm định xét nghiệm vượt tiêu chuẩn của muối công nghiệp loại 1, hoàn toàn có khả năng xuất khẩu ngược trở lại thị trường thế giới, kể cả những nước có nghề làm muối tiên tiến nhất. Hiện nay công suất của chiếc máy đạt 60 tấn/giờ giúp giảm thời gian thu hoạch bằng phương pháp thủ công từ 10 ngày xuống còn 2 ngày. Điều đáng nói nhất là từ chỗ diêm dân làm ra hạt muối đen, bị chê, bị ép giá thì qua chiếc máy đơn giản này muối đã trắng phau, nhìn rất thiện cảm. Ưu điểm là muối thô sau khi rửa chi phí SX chỉ tăng lên có 100 đồng/tấn nhưng giá bán cao hơn tới 100.000 đồng/tấn.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất