| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng sinh học khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa

Thứ Tư 25/12/2013 , 09:56 (GMT+7)

Bắc Hướng Hóa là khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) của tỉnh Quảng Trị có độ che phủ rừng đến 93,2%, trong đó rừng nguyên sinh chiếm gần 70%...

* Độ che phủ rừng hơn 93%

Bắc Hướng Hóa là khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) của tỉnh Quảng Trị có độ che phủ rừng đến 93,2%, trong đó rừng nguyên sinh chiếm gần 70%, thuộc nhóm có độ che phủ rừng cao nhất nước với nhiều giá trị phong phú.

Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị phối hợp với Hội KHKT Bảo vệ rừng & bảo tồn đa dạng sinh học tổ chức hội thảo khoa học về quản lý bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều kết quả nghiên cứu được công bố có ý nghĩa góp phần thúc đẩy cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Hội thảo đặc biệt chú ý những kết quả nghiên cứu của ông Khổng Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị với đề tài xác định giá trị môi trường rừng tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa.


Cán bộ kiểm lâm Quảng Trị bên Khu BTTN Bắc Hướng Hóa

Khu BTTN Bắc hướng Hóa chính thức thành lập từ tháng 7/2012, với diện tích hơn 25.000 ha, thuộc 5 xã của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hệ sinh thái chủ yếu của khu BTTN là rừng kín, mưa ẩm nhiệt đới, có độ cao dưới 600 - 800 m. Đặc biệt độ che phủ của rừng lên đến 93,2%; trong đó rừng nguyên sinh chiếm gần 70%, thuộc nhóm có độ che phủ rừng cao nhất nước.

Báo cáo của ông Khổng Trung cho biết kết quả điều tra khoa học năm 2012 xác định tại khu BTTN này có 1.009 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 548 chi và 138 họ, trong đó có 39 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, khu BTTN còn có tính đa dạng sinh học cao về cấp độ loài, thể hiện ở giới hạn phân bổ và số lượng loài lớn trong một họ. Các nghiên cứu cho thấy có nhiều loài thực vật thuộc cả ba luồng di cư, gồm luồng thực vật Bắc Việt Nam - Trung Hoa, luồng thực vật Vân Nam - Quý Châu, luồng thực vật Malaysia - Indonesia có biên độ sinh thái ở khu vực này.

Về loài thú thì trong 72 loài có 11 loài được ghi nhận trong sách đỏ thế giới. Có 7 loài đặc hữu như sao la, mang lớn mang Trường Sơn, Vọc Hà Tĩnh, Chà vá chân nâu... Khu hệ chim có 206 loài, trong đó có 3 loài đặc hữu với sự góp mặt của gà lôi lam mào trắng, gà so Trung Bộ, Chích chạch má xám... Điều đáng quan tâm là 12 loài thú bị đe dọa ở cấp quốc gia và quốc tế như tê tê Java, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, mang lớn, bò tót, sao la... đều có mặt tại khu BTTN này.

Ông Khổng Trung khẳng định qua các phương pháp nghiên cứu cho thấy giá trị môi trường rừng của KBTTN Bắc Hướng Hóa được xác định gồm 4 giá trị chủ yếu, gồm giá trị cảnh quan, giá trị bảo vệ đầu nguồn, giá trị đa dạng sinh học và giá trị lưu giữ cacbon. Tổng giá trị môi trường của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa khoảng 1.878 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị lưu giữ cacbon là 1.842 tỷ đồng.

Những thông tin được công bố tại hội thảo đã khẳng định giá trị, vai trò của KBTTN Bắc Hướng Hóa, góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của hệ sinh thái rừng, từ đó giảm các tác động có hại làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng. Kết quả của những nghiên cứu rất cần thiết cho các nhà quản lý trong việc xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên và phát triển kinh tế, xã hội hợp lý cho địa phương trong tương lai.

Theo ông Khổng Trung, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là KBT duy nhất của Việt Nam nằm về phía Tây của dãy Trường Sơn, có đường ranh giới với nước Lào, và KBT Khe Nước Trong của tỉnh Quảng Bình, là vị trí quan trọng để kết nối các Khu BTTN, Vườn quốc gia ở miền Trung Việt Nam và các khu bảo tồn của Lào thành một hành lang đa dạng sinh học rộng lớn. Ngoài ra, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa cũng nằm trong vùng sinh thái ưu tiên của Trường Sơn, vùng chim quan trọng trên đất thấp.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất