| Hotline: 0983.970.780

Đạ Sar - dòng nước chảy mạnh

Thứ Sáu 28/10/2016 , 09:02 (GMT+7)

Đạ Sar, xã nghèo của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là câu chuyện thành công trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xứng danh với tên gọi “nơi dòng nước chảy mạnh".

Đạ Sar, một xã nghèo của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có đến 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đạ Sar là câu chuyện thành công trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xứng danh với tên gọi “nơi dòng nước chảy mạnh".
 

Vươn lên từ nội lực

Về xã Đạ Sar những ngày này, không khí phấn khởi trào dâng khi xã đang dốc sức hoàn thành các tiêu chí NTM. Khắp các nẻo đường dẫn vào các thôn trong xã được kiên cố bằng bê tông bằng phẳng, đi lại thuận tiện.

09-11-17_nh-1-d-sr
Làm đường giao thông nông thôn ở Đạ Sar
 

Ông Bùi Quốc Huân,Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar chia sẻ: “Trước đây, khi thực hiện bất kỳ công trình hạ tầng nào, nhà nước cũng phải rót vốn 100% hoặc đầu tư phần lớn. Tuy nhiên hiện nay, tư duy của bà con đã thay đổi. Họ chủ động cùng chính quyền xây dựng đời sống mới”.

Chúng tôi có dịp gặp ông Kra Jăn Ha Đời (71 tuổi), người đã có 30 tuổi Đảng, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar và biết rằng cái tên Đạ Sar của vùng đất này nghĩa là "dòng nước chảy mạnh”.

Vị nguyên Bí thư cũng là người đưa ra quyết định được xem là “táo bạo” đối với những vùng có đông đồng bào DTTS rằng không nhận hỗ trợ từ các đoàn từ thiện, ngoại trừ các suất học bổng và nhà tình thương từ những năm 1990.

Theo lý giải của ông Đời: “Từ thiện là việc tốt, nhưng đôi khi nó tạo ra tâm lý lười lao động. Bà con mình cũng có sức khỏe, khát vọng sống, có đất đai trù phú, màu mỡ; nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ. Bởi thế cần tự làm ra cái ăn, cái mặc, không được trông chờ ỷ lại”.

09-11-17_nh-12-d-sr
Tự lực vươn lên, nông dân Đạ Sar chăm lo phát triển kinh tế
 

Hiện Đạ Sar chỉ có 136 hộ nghèo, chiếm 14,1%. Thu nhập đầu người 2015 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

“Muốn gặp được người dân Đạ Sar phải tới vào cuối tuần bởi ngày thường bà con đi rẫy, ra vườn hết”, theo lời một cán bộ Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Lạc Dương.

Đạ Sar hiện có hơn 25 ngàn ha đất tự nhiên, trong đó có gần 1,4 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, huyện đặt ra chỉ tiêu cho Đạ Sar có 20 hộ đồng bào DTTS thực hiện thí điểm chuyển đổi cây trồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có 81 hộ chuyển đổi 21,5ha trồng rau và atiso. Trong số đó có 18 hộ liên kết với HTX Anh Đào để được cung ứng giống, đầu ra và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
 

Sôi nổi hiến công, hiến đất

Chúng tôi đi trên con đường NTM trên địa phận thôn 6, xã Đạ Sar, một con đường lớn kéo dài lên tận đỉnh đồi cà phê nằm sát bên đường. Đây là con đường bê tông lớn, do bà con trong thôn tự hiến đất, góp công xây dựng.

09-11-17_nh-3-d-sr
Một góc xã Đạ Sar hôm nay
 

Gia đình anh Liêng Jrang Ha Than ở thôn 4 nhưng dựng nhà tạm sống trên đất thôn 6 vì anh có gần 7 sào đất sản xuất ở đây. Chung sức làm đường giao thông nông thôn, anh Ha Than đã tự nguyện hiến 2 sào đất trồng cà phê đã đến kỳ cho quả, dù hiện giá đất ở xã Đạ Sar cao hơn nhiều so với 4 xã thuộc Đà Lạt, trị giá gần 400 triệu. Học theo anh Ha Than, bà con các thôn khác tự nguyện đóng góp được 70 triệu đồng.

Con đường nằm trên thôn 3 dài 235m cũng từ việc bà con tự nguyện hiến đất, góp công. Trong một buổi sáng, gần 200 người dân thôn 3 và các thôn khác cùng chung tay hoàn thành con đường. Có mặt tại xã Đạ Sar thời điểm đó, nhiều cán bộ huyện Lạc Dương khẳng định: “Đây mới đúng là tinh thần NTM”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất