| Hotline: 0983.970.780

Đã thu hồi gần 20.000 ha "đất vàng” sử dụng sai mục đích

Thứ Hai 07/07/2014 , 11:01 (GMT+7)

Tính đến nay, cả nước đã xử lý thu hồi gần 20.000 ha "đất vàng" sử dụng không đúng mục đích.

Để hạn chế tình trạng lãng phí trong các hoạt động đầu tư về đất đai, thời gian qua, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tích cực vào cuộc kiểm tra, rà soát và xử lý thu hồi đối với các dự án chậm đưa quỹ đất vào sử dụng vì lợi ích kinh tế-xã hội.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, tính đến nay, cả nước đã xử lý thu hồi gần 20.000 ha "đất vàng" sử dụng không đúng mục đích, hoặc để hoang hóa gây lãng phí, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Đơn cử như tại thành phố Hà Nội, qua kiểm tra, thành phố Hà Nội đã thu hồi 820ha đất, trong đó có nhiều khu “đất vàng” ở 53 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; khu nhà ở để bán của Công ty Đầu tư xây dựng Gia Lâm ở quận Tây Hồ; khu đất ở số 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thu hồi 209 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 2.350ha; tại tỉnh Vĩnh Phúc, Sở cũng đã thu hồi 240ha; Thanh Hoá 345ha…

Nhìn vào diện tích "đất vàng” bị xử lý thu hồi nêu trên, có thể thấy tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc để hoang hóa gây lãng phí đang ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bởi hiện nay quỹ đất cho xây dựng bệnh viện, trường học ở các địa phương còn rất khó khăn.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thì kết quả trên còn khiêm tốn so với thực tế, bởi một số địa phương còn thiếu kiên quyết trong việc thu hồi đất vì lo ngại ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của địa phương và do khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, xử lý giá trị đã đầu tư trên đất.

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Luật Đất đai 2013 đã có chế tài mạnh buộc nhà đầu tư phải tính toán kỹ khi xin giao đất, cho thuê đất.

Cụ thể, Luật Đất đai lần này cho phép nhà đầu tư chậm tiến độ hơn so với quy định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó.

“Tuy nhiên, nếu hết 24 tháng cho phép chậm tiến độ này mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất,” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng cho biết, để ngăn ngừa phát sinh mới các trường hợp dự án chậm triển khai, gây lãng phí, Luật Đất đai 2013 quy định việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của địa phương.

Theo đó, để được giao đất, cho thuê đất, Luật yêu cầu chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư và không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, để đảm bảo quỹ "đất vàng” được sử dụng hiệu quả, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra đồng thời chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực và quyết liệt hơn trong việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Vietnam+

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.