| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 31/07/2014 , 09:39 (GMT+7)

09:39 - 31/07/2014

“Da Trương Ba - hồn… hàng thịt”

Trong gói thầu mua sắm thiết bị hồi sức và xét nghiệm Greiner GA 240, rõ ràng có ai đó đã làm ngược lại, đem cái hồn xấu xí của gã hàng thịt bọc bằng lớp da tốt đẹp của anh Trương Ba.

Gói thầu số 4 (mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm) là một trong những gói thầu của dự án “Nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn TP Hà Nội”, đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, giao cho Sở Y tế TP làm chủ đầu tư. Giá trị của gói thầu này là 30 tỷ đồng (gần 1,5 triệu USD).

Theo đó, một số bệnh viện đa khoa cấp huyện của Hà Nội như Bệnh viện Thường Tín, Bệnh viện Hoài Đức… đã được trang bị mỗi bệnh viện một máy sinh hóa tự động nhãn hiệu Greiner GA 240.

Theo nhà thầu thì dòng máy này do Cộng hòa Liên bang Đức sản xuất, giá mỗi máy là 700 triệu đồng. Nhưng kết quả hoạt động của máy ra sao?

Tại cả hai bệnh viện, máy đều “bò” với tốc độ của loài rùa. Suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ, máy chỉ cho ra được 38 kết quả, trong khi theo yêu cầu được phê duyệt trong dự án thì máy phải cho ra được 380 kết quả (gấp 10 lần) trong cùng thời gian. Chưa kể nhiều kết quả do máy trả ra không chính xác.

Và chỉ sau một thời gian ngắn là máy bị cháy bóng đèn. Liên hệ với nhà thầu để yêu cầu khắc phục, thì được trả lời: “Không thể khắc phục được vì không có bóng đèn thay thế”. Vậy là cả hai chiếc máy đành đắp chiếu để chờ dân buôn đồng nát.

Sở Y tế Hà Nội phải cho mỗi bệnh viện mượn một máy xét nghiệm khác có nhãn hiệu TYB-20, được mua sắm bởi gói thầu phòng chống bệnh cúm gia cầm, để dùng tạm. Nhưng hai chiếc máy này cũng liên tục bị lỗi, bị treo.

Tra cứu trên trang web của hãng Greiner cũng như trên mạng, nhiều chuyên gia hàng đầu về thiết bị y tế không làm sao tìm ra loại máy sinh hóa tự động có nhãn hiệu Greiner GA 240 do Đức sản xuất cả.

Và cuối cùng thì tất cả đều ngã ngửa ra trước phát hiện của các nhà báo: Trong ruột hai cái máy trên đều có ký hiệu “Made in China (sản xuất tại Trung Quốc)”. Thảo nào…

Việt Nam ta có câu chuyện cổ tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, với ý nghĩa là để tồn tại, nhiều khi những cái tốt đẹp nhất (hồn Trương Ba) phải chấp nhận ẩn mình trong cái vỏ xấu xí nhất (da hàng thịt).

Trong gói thầu mua sắm thiết bị hồi sức và xét nghiệm này, rõ ràng có ai đó đã làm ngược lại, đem cái hồn xấu xí của gã hàng thịt bọc bằng lớp da tốt đẹp của anh Trương Ba.

Trong chương trình thời sự lúc 19 giờ ngày 29/7/2014 của mình, VTV1 đài Truyền hình Việt Nam đã tường thuật buổi họp báo do Sở Y tế Hà Nội tổ chức xung quanh chuyện “Hồn hàng thịt, da Trương Ba” này, có đại diện Sở Y tế, đại diện nhà thầu…

Tại buổi họp báo đó, khán giả lại được nghe “bài ca đổ lỗi” và “bài ca đúng quy trình” cất lên một cách rất du dương. Nhìn gương mặt của những vị đại diện đó và nghe những câu trả lời rất êm tai của họ, khán giả đã có thể biết chắc chắn kết quả cuối cùng là “Làm sao cũng chẳng làm sao/Dẫu có thế nào, cũng chẳng làm chi/Làm chi cũng chẳng làm chi/Dẫu có việc gì, cũng chẳng làm sao”.

Chỉ có tiền nhà nước, tức mồ hôi nước mắt của dân, là mất thật.

Bình luận mới nhất