| Hotline: 0983.970.780

Đặc khu kinh tế - động lực cho phát triển

Thứ Hai 24/03/2014 , 10:03 (GMT+7)

Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại hội thảo “Phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội” vừa được tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuối tuần qua.

Việt Nam chưa có “đặc khu kinh tế” đúng nghĩa

Theo bà Ngân, dù việc xây dựng các đặc khu kinh tế đã được Trung ương Đảng, Quốc hội đưa vào các văn kiện từ 20 năm trước, nhưng cho đến nay, chưa có đặc khu nào được thành lập. Việc thành lập các đặc khu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.

“Việt Nam đang chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nên Trung ương Đảng đã chỉ đạo xây dựng 3 đặc khu kinh tế ở 3 miền nhằm tạo động lực phát triển trong vùng và cả nước”, bà Ngân nói và bày tỏ quan điểm rằng, đặc khu kinh tế dù là mô hình đã phát triển được 30 năm trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn quá mới. Do đó, không tránh khỏi khó khăn, lúng túng và cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực.

“Các vấn đề như lựa chọn địa điểm, các ưu tiên phát triển, thể chế hành chính tinh gọn, hiệu quả, vai trò của người đứng đầu, cơ chế chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư… rất cần được làm rõ để có thể phát triển các đặc khu kinh tế”, bà Ngân khẳng định.

Còn ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. “Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị TW lần thứ 8 Khóa XI đã ghi rõ: Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) đã được lựa chọn”, ông Huệ cho hay.

Theo người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương, đặc khu kinh tế là nơi thử nghiệm các thể chế, chính sách mới trước khi áp dụng cả nước, nhưng cho đến nay, ở Việt Nam chưa có đặc khu nào được xây dựng theo đúng nghĩa của nó, dù Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.

Nhắc tới câu chuyện phát triển các khu kinh tế, với ý tưởng bắt đầu từ tháng 12/1997 và cho đến nay, cả nước đã có 15 khu kinh tế ven biển, với diện tích 54.000 ha. Mặc dù các khu kinh tế này đã đạt được những kết quả nhất định về thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

“Thể chế ở các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất nên so với các khu thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới còn nhiều bất cập không đủ sức cạnh tranh”, ông Huệ nói.

Cũng theo ông Huệ, điểm đáng nói ở các khu kinh tế hiện tại là cho đến nay, hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số nhà đầu tư đã thực hiện các dự án đầu tư lớn nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại.

Hiện thực hóa mục tiêu

Hội thảo “Phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội” được tổ chức tại Quảng Ninh không nằm ngoài mục đích hiện thưc hóa giấc mơ đặc khu kinh tế đầu tiên tại địa phương này. Việc lựa chọn Vân Đồn làm nơi khởi phát gắn với việc khai thác tiềm năng du lịch độc đáo của Vịnh Hạ Long mang một ý nghĩa lớn lao. Bên cạnh sự thuận lợi của miền đất đã hai lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Quảng Ninh còn nằm trên tuyến Hai hành lang - Một vành đai kinh tế ven biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo đề án của tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Vân Đồn sẽ được xây dựng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và trở thành thành phố biển tiêu biểu với các ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, tài chính và là cửa ngõ
giao thương quốc tế.
Theo dự thảo đề án, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Vân Đồn sẽ đạt khoảng 21,9%/năm trong suốt giai đoạn từ nay đến năm 2020 với GDP bình quân đầu người đạt 3.600 USD vào năm 2015 và 9.000 USD vào năm 2020.

Lâu nay, Vân Đồn được xác định là 1 trong 14 khu kinh tế ven biển của cả nước và là động lực quan trọng về KT-XH của tỉnh Quảng Ninh. Với diện tích trên 2.000 km2, trong đó vùng biển rộng hơn 1.600 km2, Khu kinh tế Vân Đồn tập trung phát triển các loại hình du lịch cao cấp, trung tâm thương mại tài chính quốc tế, đầu mối giao thương và hậu cần…

Để được chấp thuận đầu tư Đặc khu kinh tế Vân Đồn, trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn và triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 các phân khu chức năng hết sức chi tiết và khoa học.

Quảng Ninh cũng đề xuất với Trung ương cho phép xây dựng Vân Đồn thành Đặc khu hành chính - kinh tế để tiến hành thí điểm đổi mới, cải cách đồng bộ và toàn diện cả về thể chế, cơ chế chính sách, bộ máy hành chính và quản lý điều hành.

Để xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn thuận lợi, theo kinh nghiệm của các đặc khu hành chính như Macau, các khu phức hợp casino ở Singapore, Philippines, Hàn Quốc… thì Vân Đồn cần có những yếu tố chính như cần ban hành ngay một khung pháp lý, chế độ thuế ưu đãi, thông báo một lộ trình rõ rệt cho phép một hay nhiều nhà đầu tư quốc tế tham gia xây dựng và điều hành khu phức hợp casino có quy mô lớn.

Chính phủ cần đầu tư và xây dựng đồng bộ các công trình cơ sở hạ tầng để nối kết các công trình và trục giao thông chính bên ngoài. Cần cấp phép sớm cho các nhà đầu tư và DN tham gia các công trình quan trọng như khu vui chơi giải trí, du lịch, khu hành chính, văn phòng, tài chính ngân hàng, trung tâm mua sắm, nhà ở dân cư, khu công nghiệp...

Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, việc xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn sẽ là khâu đột phá để huyện đảo Vân Đồn phát huy được những điều kiện thuận lợi vốn có. Vân Đồn cũng như tỉnh Quảng Ninh sẽ nồng nhiệt đón nhận những dòng vốn đầu tư, với vai trò là miền đất đầu tiên có đặc khu kinh tế được xây dựng.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất