| Hotline: 0983.970.780

Đặc sản vú sữa ngày xuân

Thứ Sáu 11/01/2013 , 11:18 (GMT+7)

Năm nay, do nhuận thêm 1 tháng ÂL, nên vú sữa lúc này có nhiều và có thể thu hoạch rộ vào những ngày trước Tết.

Hàng năm vú sữa đầu mùa có từ tháng 10 ÂL, nhưng cao điểm thu hoạch là thời gian sau Tết. Năm nay, do nhuận thêm 1 tháng ÂL, nên vú sữa lúc này có nhiều và có thể thu hoạch rộ vào những ngày trước Tết. Vậy là bên cạnh những trái cây truyền thống như quýt, cam, bưởi, dưa hấu… đón Tết; vú sữa cũng là một mặt hàng trái cây bà con ưa chuộng mua chưng bày và dùng trong dịp xuân về.

Mùa thuận của vú sữa vào khoảng tháng 11 ÂL tới tháng 2 năm sau. Còn vú sữa nghịch mùa không nhiều; vả lại, cũng không có giá trị vì trái bị sượng, không ngon nên ít nhà vườn nghĩ tới chuyện tạo trái mùa nghịch.

Theo ông Sáu Lộc, một nhà vườn lâu năm trồng vú sữa ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang): “Cây vú sữa theo đúng chu kỳ. Vườn nào sớm thì năm sau cũng sớm; vườn nào trễ thì năm sau cũng trễ. Không thể bón thúc được đâu. Có bón thúc thì trái cũng chả ra làm sao, hơn nữa cây sẽ giảm tuổi thọ nhanh chóng…”. Một nhà vườn bên cạnh quốc lộ 91B, thuộc khu vực quận Bình Thủy (Cần Thơ) cũng đồng ý nhận định này.

Cây vú sữa dễ trồng, nhưng “khó tính”. Mọi chuyện là do nguồn nước; nơi có thủy triều ngọt lên xuống thường nhật thì trồng được cây vú sữa. Thiếu nước vú sữa sẽ chết cành. Ngập nước đôi, ba ngày, cây thúi rễ. Còn việc chăm sóc thì không mấy khó khăn. Trong năm, nhà vườn chỉ bón khoảng 4, 5 đợt, trên 2 tháng/đợt. Đợt đầu nhiều, các đợt sau giảm dần. Trước khi bón cây, phải đấp bờ tưới nước cho vùng đất xung quanh cây luôn được ẩm. Sau bón phân vài ngày thì mới xả nước.


Cây vú sữa được trồng nhiều ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ

Tại Cần Thơ, hiện nay những điểm bán lẻ vú sữa cũng khá tấp nập. Một đoạn đường ngắn của QL 91B, không đầy 1km, mà có hàng trăm điểm bán vú sữa ven hai bên đường. Tất cả vũ sữa được bày bán ở đây, phần lớn là của nhà vườn thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).

Ông Lâm Văn Phon, ấp Thới Thạnh, phường Thới An Đông trồng 17 gốc vú sữa đang cho trái bán Tết cho biết: “Trồng vú sữa khỏe hơn các loại cây trồng khác, ít chăm sóc; một năm rải phân vài lần khi cây chuẩn bị ra bông hoặc đậu trái, hái hết trái… Còn mấy ngày thường không cần tưới nước thường nhật, cây vẫn xanh tốt”.

Cây vú sữa giống trồng khoảng 3 - 4 năm bắt đầu cho trái chiến; nhưng theo ông Phon, vú sữa cho trái sai nhất từ khoảng 6 - 15 năm tuổi. Cây cho trái một đợt hơn 150 kg. Hiện tại vườn vú sữa của ông vô vụ, hái trái bán gần 1 tháng nay ở QL 91B (đoạn tránh TP. Cần Thơ đi An Giang) cho thương lái và khách đi đường. Vườn của ông Phon cứ cách 3 - 4 ngày hái trái một lần khoảng 200 - 300 kg và kéo dài đến Tết Nguyên đán. Ước tính vụ vú sữa năm nay gia đình ông lãi được 20 triệu đồng. Do vậy, Tết năm nay gia đình ăn Tết có phần khan trang hơn so với mọi năm.

Tết Qúy Tỵ này vườn vú sữa của ông Võ Văn Năm cũng phường Thới An Đông đang cho trái năm thứ 2. Tuy nhiên, năm nay gia đình không bán cho thương lái hết vườn, mà chỉ bán 50%; số còn lại gia đình tự bẻ bán ở đoạn QL 91B. Bình quân mỗi ngày gia đình bán cả trăm kg vú sữa cho khách thập phương qua lại tuyến đường này.

Chị Phạm Ngọc Mai (con dâu ông Năm), hái vú sữa từ nhà vườn đem ra lộ 91B bán, nói: “Từ khi mở lộ đến nay, nhà vườn có cây trái đem ra bán ở lộ này rất thuận lợi. Đặc biệt gần Tết mà có mùa vú sữa. Lượng trái trong vườn hái ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bình quân một ngày tôi bán từ 100 - 120 kg. Thậm chí vú sữa trong vườn nhà chín chưa kịp, tôi phải mua thêm các chủ vườn khác”.

Theo chị Mai, bán cho khách như vậy giá cao hơn so với bán cho lái vào tận vườn mua từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Vú sữa tại cung đường này vào mùa rộ, giá 16.000 - 17.000 đồng/kg, (loại 3 trái/kg); còn loại nhỏ hơn thì giá rẻ hơn. Lúc đầu mùa, giá có thể cao hơn từ 22.000 - 24.000 đồng/kg.

Còn ông Trương Văn Thể, ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, trồng 1,8 ha vú sữa Lò Rèn cho biết: “Vườn vú sữa của tôi là năm thứ 3 cho trái bán vào dịp Tết. Năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh và đặc biệt năm nhuận 1 tháng nên vườn vú sữa bán Tết được giá khá cao so với các năm trước”.

Đến thời điểm này, vườn của ông đã thu hoạch được 40% trái trong vườn. Dự kiến năm nay với diện tích vườn vú sữa của ông lãi vài trăm triệu không khó. Theo phòng NN-PTNT huyện Phong Điền: “Huyện vốn có thế mạnh về cây ăn trái. Ngoài diện tích cây có múi cam, quýt, bưởi, toàn huyện còn có 300 ha vú sữa Lò Rèn, 250 ha dâu, trên 190 ha măng cụt”.

Hiện nay, nhà vườn cũng trồng nhiều loại vú sữa, nhưng vú sữa Vĩnh Kim, vú sữa Lò Rèn, vẫn nổi tiếng và có giá hơn. Có năm, vào lúc đầu mùa khách “chơi ngon” mới dám thưởng thức những trái vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim có giá đến 300.000 đồng/chục (10 trái) khoảng 5 - 6 kg, tương đương với hơn nửa kg/trái. Tính bình quân 1 trái có giá từ 20.000 - 30.000 đồng, tùy theo cân nặng của trái. Vú sữa nâu, do hiện còn ít, lại to và nặng cân hơn nên giá cũng không rẻ; có năm giá bán lên đến 360.000 đồng/chục.

Mùa cao điểm vú sữa có giảm giá, nhưng cũng còn được vài chục ngàn đồng/chục. Có điều khách hàng bình thường cũng khó để xác định được đâu là trái vú sữa Lò Rèn, nếu chỉ nhìn bề ngoài thấy màu vàng nhạt của vỏ trái. Tất nhiên, nếu ăn được trái vú sữa Lò Rèn thì ta sẽ cảm thấy vị ngọt của nó đậm đà và cơm của trái cũng mềm, béo và nhiều hơn; vì điểm đặc biệt là vú sữa Lò Rèn rất mỏng vỏ.

Tại Việt Nam, cây vú sữa được trồng nhiều ở miền Nam, nhất là ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ... Trong đó Tiền Giang là tỉnh trồng nhiều nhất. Tính riêng huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã có diện tích trồng vú sữa lên đến 2.300 ha. Dự kiến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 5.000 ha đất trồng cây vú sữa; trong đó nhiều địa phương thực hiện theo hướng GAP.

Có 3 loại vú sữa Lò Rèn gồm vú sữa xanh, vú sữa trắng, vú sữa hột gà. Loại có màu trắng và màu hột gà được khách hàng ưa chuộng hơn. Còn vì sao gọi “Lò Rèn” thì chúng tôi được ông Phạm Ngọc Lộc, một lão nông cha truyền con nối với vườn vú sữa, có cây khoảng 60 năm tuổi, giải thích: “Gọi vú sữa Lò Rèn là vì trước đây do một ông chủ lò rèn xin ở đâu được một nhánh vú sữa về trồng. Khi cây cho trái, trái lại ngon, nên dân Vĩnh Kim xin chiết nhánh về trồng cả làng. Từ đó, vú sữa ở vùng Vĩnh Kim có tên thương hiệu Lò Rèn”.

Vú sữa Vĩnh Kim rất dễ bán, không sợ dội chợ. Tới mùa là thương lái rủ nhau về xứ sở của cây vú sữa Lò Rèn để đặt trước, hoặc mùa hàng tại chợ đầu mối, chợ Giữa (Vĩnh Kim) để chở đi TP.HCM, hoặc các tỉnh miền ngoài cả ngày lẫn đêm, đặc biệt là phiên chợ chiều và đêm. Sở dĩ, việc tiêu thụ vú sữa ở Vĩnh Kim diễn ra sôi nổi về chiều và đêm là vì sáng ngày, nhà vườn từ các xã lân cận Vĩnh Kim cũng thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang), như Bàn Long, Dưỡng Điềm, Hữa Đạo, Long Hưng, Song Thuận… mới hái xong trái và vận chuyển ra chợ vựa thì cũng đã 8, 9 giờ hoặc đến trưa. Sau thu mua, chủ vựa cũng phải mất cả buổi, có khi đến 5 giờ chiều mới làm xong một số công đoạn như phân loại, lau trái, đóng thùng… Sau giờ ấy, xe tải vào Vĩnh Kim lên hàng đến khuya hoặc cả đêm, tùy vào lượng trái cây. Thói quen mua bán về đêm của bạn hàng trái cây cũng vì muốn có một không khí về đêm mát mẻ, dễ chịu hơn.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất