| Hotline: 0983.970.780

Đặc vụ Trung Quốc bí mật vào Mỹ săn lùng những kẻ trốn chạy

Thứ Tư 28/09/2016 , 08:01 (GMT+7)

Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác để truy bắt các đối tượng tham nhũng trốn ra nước ngoài. Nhưng nhiều nước, trong đó có Mỹ, tỏ ra không sẵn sàng ký hiệp định dẫn độ với Trung Quốc. Mỹ còn cảnh cáo Trung Quốc về chuyện cử đặc vụ sang hoạt động bí mật...

Mỹ còn cảnh cáo Trung Quốc về chuyện cử đặc vụ sang hoạt động bí mật trên đất Mỹ với mục tiêu bắt giữ can phạm, theo tường thuật của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và báo New York Times.

Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố trên website của mình rằng Trung Quốc “phải đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác và phối hợp với các quốc gia nơi những kẻ tham nhũng trốn chạy”. Tuy nhiên cho đến nay, Mỹ, điểm đến số một của giới quan tham Trung Quốc, chưa thực sự hỗ trợ nước này trong việc tìm kiếm và bắt giữ các nghi can. Chính phủ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hệ thống kỷ luật được gọi là “song quy”, áp dụng với các can phạm tham nhũng.

 

Đặc vụ chìm

Theo New York Times, các quan chức Mỹ nói nhân viên tư pháp Trung Quốc đã bí mật vào Mỹ dưới nhiều vỏ bọc để săn lùng những kẻ trốn chạy từ Trung Quốc qua.

Chính phủ của ông Barack Obama đã gửi đi cảnh báo đối với Bắc Kinh về sự có mặt của nhân viên pháp luật của Chính phủ Trung Quốc, hoạt động bí mật tại Mỹ để gây áp lực đối với nhiều Hoa kiều, trong số này có những người bị truy nã về tội tham nhũng, đòi họ quay về nước ngay lập tức.

Các quan chức Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động của đặc vụ chìm ở Mỹ. Lời cảnh báo thể hiện sự tức giận ngày càng tăng của phía Mỹ về chiến thuật dọa dẫm của đặc vụ Trung Quốc.

Hoạt động của các đặc vụ này chỉ là một phần chương trình thu thập thông tin tình báo mà Mỹ và Trung Quốc vẫn thường xuyên thực hiện trên lãnh thổ của nhau trong hàng chục năm qua.

Về các hoạt động của tình báo Trung Quốc liên quan đến các tội phạm trốn chạy, theo các quan chức Mỹ, đặc vụ Trung Quốc là người của Bộ Công an, cơ quan chịu trách nhiệm truy bắt tội phạm trong các chiến dịch “Săn cáo” hay “Lưới trời”.

Theo truyền thông Trung Quốc, nhiều toán đặc vụ đã được phái đi khắp thế giới để truy đuổi nghi can. Giới chức Mỹ nói họ có bằng chứng chắc chắn rằng các đặc vụ Trung Quốc không vào Mỹ chính thống theo đường công vụ và hầu hết đều nhập cảnh với thị thực du lịch hoặc thương mại. Họ sử dụng nhiều phương pháp bạo lực để bắt kẻ chạy trốn phải về nước, thậm chí là đe dọa, quấy nhiễu họ hàng đang ở trong nước.

Chính Mỹ cũng có truyền thống cử đặc vụ chìm tới các nước khác, đôi khi với lệnh bắt cóc hoặc giết ai đó. Những năm sau vụ 11/9/2001, tình báo Mỹ (CIA) đã cử nhiều đội điệp viên ra nước ngoài để truy bắt các nghi can al-Qaida, đưa họ về các nhà tù bí mật của CIA hoặc giao cho chính quyền nước nào đó để thẩm vấn.

Cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Công an Trung Quốc đều không trả lời các đề nghị bình luận về sự việc. Nhưng giới chức Trung Quốc lâu nay vẫn thường nói về nỗ lực truy bắt các nghi can chạy trốn ra nước ngoài, báo chí Trung Quốc cũng tường thuật chi tiết về “những thành công” của chiến dịch “Săn cáo”.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc chỉ nói các điệp viên được cử đi để “thuyết phục” các đối tượng quay về quê mà thôi. Người ta đặt ra câu hỏi vì sao một số nghi can, đang sống xa hoa, ngồi trên đống cuả ở Mỹ, ở Canada lại sẵn lòng quay về Trung Quốc.

 

Sự miễn cưỡng của chính quyền Obama

Liu Dong, phụ trách chương trình “Săn cáo” của Bộ Công an Trung Quốc, nói các đặc vụ Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp địa phương, dựa vào lực lượng cảnh sát sở tại, theo tường thuật của báo Trung Quốc. Nhưng ông này cũng nói thêm: “Nguyên tắc của chúng tôi là: dù có thỏa thuận với khu vực đó hay không, miễn là có thông tin về kẻ tình nghi ở một nơi nào đó, chúng tôi sẽ truy đuổi chúng, sẽ thực thi nhiệm vụ bất kể đó là đâu”.

20-51-13_nh-ling-wnchen
Ngôi nhà xa hoa của Ling Wanchen ở ngoại ô Sacramento. Ling chạy trốn qua Mỹ vào năm 2014. (Ảnh: New York Times)

 

Một quan chức Mỹ thừa nhận rằng các đặc vụ Trung Quốc đã tìm cách bám theo dấu vết của Ling Wancheng, một doanh nhân giàu có và có những mối quan hệ chính trị, người chạy tới Mỹ vào năm 2014. Ling sống trong một căn hộ xa hoa ở ngoại ô Sacramento, California.

Các quan chức Mỹ không tiết lộ danh tính hoặc số lượng nghi can đang bị đặc vụ Trung Quốc săn lùng trên đất Mỹ. Tuy nhiên, người ta tin rằng trong số này, ngoài những nhân vật nổi danh ở một số lĩnh vực, còn có các tội phạm tham nhũng và một số người mà Chính phủ Trung Quốc xếp vào dạng tội phạm chính trị.

Các quan chức Mỹ từ chối cho biết về hoạt động cụ thể của các đặc vụ Trung Quốc và nói về các chi tiết một cách dè dặt và luôn đề nghị không nêu tên. Thái độ miễn cưỡng này thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Obama về mức độ gây hấn hay đối đầu công khai với Trung Quốc về một loạt các vấn đề liên quan đến an ninh.

Ví dụ, Nhà Trắng đã tìm mọi cách tránh tố cáo công khai rằng Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các chuyên gia máy tính tấn công mạng máy tính của Chính phủ Mỹ, dẫn tới hậu quả hàng triệu tài liệu về nhân sự của nhân viên chính phủ đương nhiệm và chính phủ tiền nhiệm, các nhà thầu... đã bị đánh cắp.

Mỹ và Trung Quốc không có hiệp định dẫn độ và các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không nói lời cảnh báo của Chính phủ Mỹ có kèm lệnh trừng phạt nào không.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.