| Hotline: 0983.970.780

Đại ca đá đỏ quay đầu lại là... rừng

Thứ Tư 16/11/2011 , 10:07 (GMT+7)

Từ lâm tặc đến trùm đá đỏ, Phan Bá Giang (biệt danh Giang "râu") ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã quay đầu hướng thiện, trồng hàng trăm ha rừng...

Từ lâm tặc đến trùm đá đỏ, Phan Bá Giang (biệt danh Giang "râu") ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã quay đầu hướng thiện, trồng hàng trăm ha rừng, mang lại thu nhập cả tỷ đồng/năm.

Trùm đá đỏ

Về xã Châu Bình hỏi Giang "râu" ai cũng biết. Người dân ở đây biết anh không chỉ bởi anh nổi danh là lâm tặc, tướng cướp một thời, mà người ta còn biết tới anh là một Giang "râu" trồng rừng giỏi.

Giang kể, vào những năm 90 (thế kỷ XX), khi gia đình anh đang ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Ở đây cuộc sống khó khăn, anh đã theo gia đình lên Quỳ Châu lập nghiệp. Ngày đó, ở cái vùng đất Quỳ Châu này cũng chỉ toàn cây cối rậm rạp và đá núi hiểm trở. Thủa ấy, Giang cũng đã bước sang tuổi 20, công việc chính của anh là lên rừng kiếm củi về bán lấy tiền đong gạo và khai hoang lấy đất phát triển kinh tế. Những ngày tháng lăn lộn như vậy cũng không kiếm đủ ăn cho cuộc sống hàng ngày.

Tình cờ một ngày Giang thấy người dân ở đây nườm nượp vào rừng chặt gỗ mang xuống xuôi bán và được rất nhiều tiền. Thấy vậy, anh cũng vào rừng theo người ta chặt cây đem về xuôi. Mới ngày đầu làm “lâm tặc”, Giang đã có ít tiền về mua gạo, thức ăn cho gia đình. Hôm sau, Giang lại vào rừng, rồi ngày nối ngày như thế, số gỗ cũng được anh chặt theo cấp số nhân. Chẳng bao lâu anh đã có một số vốn lớn. Không dừng lại ở đó, Giang thuê người làm tay chân cho mình, tiếp tục với “nghiệp” lâm tặc. Mỗi chuyến chuyển gỗ về xuôi, Giang thu rất nhiều tiền, được người dân gọi là tỷ phú.

Anh Giang bên khu rừng trồng của mình

Cũng trong thời gian ấy, ở đất Quỳ Châu bỗng rộ lên phong trào đào đá đỏ. Vốn sẵn tiền trong tay từ buôn bán gỗ lậu, Giang lại tiếp tục quay sang “tận diệt” rừng bằng việc đào đá đỏ. Khi mọi người trong làng vẫn phải đào đá đỏ bằng những dụng cụ thô sơ thì anh đã có cả một đội quân với các loại máy móc hiện đại.

 “Ngày đó tôi chỉ chú tâm vào việc chặt gỗ, giá gỗ lim ngày đó rất đắt. Từ khi hai đứa em trai của tôi đi đâu đưa về hai viên đá đỏ và 500.000 đồng, nói là tiền chúng bán được từ đá đỏ nhặt được trong rừng thì lúc đó tôi mới quay sang tận diệt rừng bằng việc đào khoét núi”, Giang nhớ lại.

Nhờ có nhiều tiền nên Giang trở thành ông trùm, anh thuê người bảo kê, lộng hành tranh hết bãi đá này đến bãi đá khác. Giầu lên nhờ tiền thu được từ gỗ lậu đến việc bán đá đỏ, Giang đã được mọi người nể sợ. Uy danh Giang "râu" lẫy lừng.

Rồi chính những đồng tiền đó đã đưa Giang đến con đường ăn chơi trác táng. Anh chìm trong sới bạc đỏ đen. Rồi cả một gia tài của tên trùm khét tiếng cũng dần không cánh mà bay theo những canh bạc. Đường cùng Giang đã phải bán hết những gì mình có, kể cả chiếc xe máy là phương tiện làm ăn bấy giờ. Từ một đại ca đá đỏ, chẳng mấy chốc Giang đã trở thành một kẻ trắng tay, tiều tụy đến nỗi phải lo từng bữa ăn cho gia đình trong ngày.

Làm lại cuộc đời từ 100 ngàn đồng

Những ngày tháng chán chường, Giang đã bỏ mặc tất cả gia đình đi lang thang bất định. “Khi tay trắng, tôi mới nhận thấy mình cần phải sống, tôi cảm thấy như cuộc đời mình còn nợ một điều gì đó mà tôi không sao nghĩ ra được. Và tôi cứ đi, đi mãi để tìm cái món nợ mình phải trả cho đời”, Giang nói.

Và những ngày phiêu bạt đó, Giang lại tình cờ về quê cũ. Vật vờ hết đầu đường rồi xó chợ, “tối đâu là nhà ngã đâu là giường”, đi xin ăn từng bữa để sống qua ngày. Một hôm anh ngồi lân la ở quán nước ven đường, nghe phong phanh được câu chuyện trồng rừng, ươm cây của người dân nơi đây. Rồi Giang ngồi bên gốc cây ven đường nhìn thấy những cánh rừng cây xanh bạt ngàn và quyết định ở lại đây học hỏi cách ươm cây, trồng rừng.

 “Lúc đó tôi đã nghĩ ra được điều mà mình còn nợ lương tâm, đó chính là trồng rừng để trả nợ rừng”. Anh đi khắp các nhà có rừng, ươm cây để học hỏi và được người dân tốt bụng cho mượn những quyển sách học về cách ươm giống. 

Anh Giang đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương

Những ngày tháng bôn ba cũng là những ngày tháng anh học được nhiều kiến thức về trồng rừng. Lấy lại được lòng tin từ bản thân, Giang quay về thực hiện ước mơ của mình là trả nợ rừng xanh trước sự ngỡ ngàng của người dân và gia đình. Sau khi nói cho gia đình biết việc mình cần làm, anh đã đưa vợ con vào rừng làm lán để bắt đầu ươm cây trồng rừng như kế hoạch. Đã từng vác cả bao tải tiền, đến nay anh phải đưa vợ con vào rừng lập nghiệp chỉ với một bao gạo và hơn 100 ngàn tiền mặt cùng hành trình làm lại cuộc đời.

Anh nghĩ, trời đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại. Qua bao nhiêu sóng gió vợ chồng, con cái sống đói khổ giữa rừng, có những bữa hết gạo anh chỉ biết vào rừng lấy củ măng về luộc cho cả nhà ăn. "Lúc đó vợ tôi đang mang bầu đứa thứ hai, đứa con đầu đói, thèm được bát cơm trắng nên khóc suốt. Vợ tôi thương con nhỏ ôm mặt khóc nức nở, nhưng vẫn quyết tâm ở lại thực hiện ước mơ cùng tôi”, Giang nói.

"Bây giờ tôi như kẻ nghiện rừng, hễ nghe chỗ nào có đất trống đồi trọc là tôi lập tức xin thầu lại. Tôi sẽ trồng cho đến khi nào không còn đất trống nữa thì mới thôi”, Phan Bá Giang bộc bạch.

Rồi một thời gian sau, niềm vui cũng mỉm cười với gia đình Giang khi những bầu cây anh ươm đã bắt đầu đâm chồi non. Một vài gia đình đã biết được và tìm đến anh mua giống. Từ số tiền bán cây giống ngày đó Giang lại tiếp tục ươm nhiều hơn nữa và bắt đầu thuê đất trồng rừng.

Có ít vốn từ chính những đồng tiền lương thiện làm ra, Giang đã đi khắp nơi trong xã, huyện đến những khu đồi trọc cằn cỗi xin thuê để tiếp tục trồng rừng. Đến nay anh đã có trong tay hơn 400 ha rừng, với những đồi cây hơn 10 năm tuổi, hàng năm tiền thu hoạch gỗ mang về cho gia đình anh hàng tỷ đồng, chưa kể đến việc bán cây giống quanh năm.

Từ một tay phá rừng, đến nay Giang đã được người dân gọi với cái tên trìu mến “người phủ xanh đồi trọc”. Không những thế, Giang còn tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động địa phương mỗi tháng thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.