| Hotline: 0983.970.780

Đại gia đình “ý tưởng xanh”

Thứ Năm 10/11/2011 , 10:18 (GMT+7)

Ý tưởng từng bị coi là “điên rồ” của gia đình bác Nguyễn Phi Sinh đã dần “cứu cánh” phần nào sự ô nhiễm của làng nghề Dương Liễu.

Bác Sinh đang ủ bã dong riềng
Làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu (Hoài Đức – Hà Nội) có trên 2.600 hộ tham gia sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN).

Các sản phẩm truyền thống của Dương Liễu như bánh kẹo, mì miến, dong riềng… cung cấp khắp các huyện lân cận cũng như nội thành Hà Nội với khối lượng khoảng 250 tấn/ngày. Qua nhiều năm sản xuất, làng nghề đang bị ô nhiễm trầm trọng. Rất may, ý tưởng từng bị coi là “điên rồ” của gia đình bác Nguyễn Phi Sinh đã dần “cứu cánh” phần nào sự ô nhiễm nơi đây.

Ngộp thở vì chất thải

Trời gần trưa chuyển nắng gay gắt, ngay từ đầu thôn Dương Liễu tôi đã ngửi thấy cái mùi thum thủm tựa phân lợn xộc lên sống mũi. Khắp ngõ xóm đâu đâu cũng là phên bạt phơi miến dong. Từng đống bã dong, sắn xếp hàng khắp mọi con đường.

Chỉ tay vào hệ thống nước thải trước cửa nhà, bác Nguyễn Phi Sinh lắc đầu, nó bị ứ đọng từ lâu rồi, cách đây vài tuần mưa rào to suốt mấy ngày liền mà có ăn thua gì đâu. Quả thật, lượng chất thải tồn đọng tại hệ thống nước thải ở đây quá lớn. Qua nhiều năm tích tụ, nó đã dày lên cả gang tay. Trời nắng, nước sủi bọt đen ngòm bốc mùi hết sức khó chịu. Chỉ đứng có một lúc mà tôi như bị “say”.

Theo Báo cáo thực trạng làng nghề UBND xã Dương Liễu, toàn xã có 3.035 hộ thì có đến 2.600 hộ tham gia sản xuất các nghề nói trên. Thật đáng kinh ngạc, một ngày xã Dương Liễu xả thẳng ra môi trường 530 tấn rác thải. Trong đó, chất thải từ các hộ sản xuất CN, TTCN chiếm 500 tấn. Lượng rác thải này đi đâu?

Câu trả lời chính là rãnh thoát nước, ao hồ, bờ mương. Điều đáng nói, lượng rác thải này hoàn toàn không qua xử lí. Sau khi ép tinh bột, bã của dong riềng, sắn được các hộ dân xả thẳng. Chất thải qua nhiều năm tích tụ, biến ao hồ chạy dọc theo cánh đồng đội 4 trở nên sền sệt, đen ngòm. Rác thải thì ngày một kẹt cứng. Rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu môi trường đã về làm việc nhưng đều lắc đầu nguầy nguậy.

Lí do đưa ra đó là: Ô nhiễm quá trầm trọng, họ không biết phải bắt đầu nghiên cứu từ đâu?

Ý tưởng xanh

Người dân Dương Liễu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi bác Sinh và cậu con trai Nguyễn Phi Trường có thể biến rác thải thành phân hữu cơ hay than tổ ong thân thiện với môi trường.

Đầu năm 1996, làng nghề bắt đầu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bã và nước thải chảy tràn ngập thôn xóm. Thậm chí tràn cả ra ruộng lúa ngoài cánh đồng. Nước đặc quánh, đen ngòm, không loài thủy sinh nào có thể sống sót. Nhưng bác Sinh đã nhạy bén nhận thấy: “Tại sao trong khi các loài thủy sinh bị chết thì lúa lại phát triển tốt bất thường, có những mảnh còn bị lốp?”. Sau đợt đó, bác lặn lội lên tận thành phố mời các nhà khoa học về kiểm nghiệm. Có một sự thật, trong lượng chất thải đen ngòm kia chứa rất nhiều đạm, lân và kali.

Từ đây, một ý tưởng mà nhiều người cho là “điên rồ” bắt đầu được bác Sinh tiến hành. Cả nhà có 5 người, bác Sinh đều huy động cầm xô, chậu, bao tải… đi khắp xóm vớt chất thải. Thu vớt được bao nhiêu, bác cho hết vào bao tải rồi dùng chân ép cho nước ra hết. “Ép càng khô thì càng tốt, giảm thiểu được độ ẩm thì công đoạn chế biến càng nhanh mà lại không bốc mùi”, bác Sinh nói. 

 Sau khi ép lấy bã, chất thải được trùm kín bạt và ủ cho hoai mục thì đem ra sản xuất phân bón hữu cơ. Thời gian ủ càng lâu chất lượng phân càng tốt. Đồng thời cũng giảm đi chi phí của các chất trộn cùng. Ưu điểm vượt trội của loại phân bón này là giá thành khá rẻ. Mỗi kilogam chỉ hai nghìn đồng.

Năm 2008, bác Sinh vinh dự được trao tặng bằng khen “Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam”. Mới đây, ý tưởng “sáng tạo than tổ ong từ bã giong riềng” của cậu con trai Nguyễn Phi Trường cũng đã đoạt giải ba trong cuộc thi “Ý tưởng xanh” do Tổng cục Môi trường tổ chức. Ngay sau cuộc thi, Công ty Toyota Việt Nam đã hỗ trợ 250 triệu đồng giúp Trường có thể mở rộng sản xuất, áp dụng vào thực tiễn.

Ý tưởng làm than tổ ong từ bã dong riềng của Trường thật… trẻ con. Hồi còn học cấp 2, mùa đông giá rét, cậu cùng lũ bạn đem bã dong riềng đến lớp đốt để sưởi ấm. Trường nhận thấy, bã dong riềng cháy rất đượm lại rất ít khói. Nhưng mãi đến đầu năm 2010, chàng trai trẻ mới bắt tay thực hiện ý tưởng. Công thức 50 + 50 (50% bã dong riềng + 50% than) tỏ ra khá hiệu quả. Viên than mới cháy lâu hơn, nhiệt lượng tỏa ra lớn hơn.

Nhưng có một điều khá đặc biệt đó là, bã của loại than này có thể nghiền ra bón cho cây trồng rất tốt. Giá của một viên than này cũng rẻ hơn loại than tổ ong bình thường vài trăm đồng. “Trong thời gian tới, mình đang có ý định áp dụng công thức 70 + 30, mong rằng sẽ thành công như lần trước”, Trường nói.

Cả phân hữu cơ của bác Sinh lẫn than tổ ong mới của Trường đều được mọi người hào hứng dùng thử. Bước đầu, cả 2 sản phẩm đều cho kết quả khả quan.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.