| Hotline: 0983.970.780

Đại gia Trung Quốc chơi máy bay như thế nào?

Thứ Sáu 02/12/2011 , 12:25 (GMT+7)

Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, sẽ nới rộng hoạt động với máy bay trực thăng...

Nhiều người chấp nhận bị phạt để được bay cho đỡ... nhớ

Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, sẽ nới rộng hoạt động với máy bay trực thăng. Tuy nhiên, ít nhất đến hết năm 2013, nước này vẫn sẽ khống chế máy bay phản lực tư nhân trong tầm kiểm soát của quân đội.

>> Đại gia Trung Quốc chơi máy bay như thế nào?

Tháng 11 năm 2010, Quốc vụ viện Trung Quốc và Hội đồng Quân ủy Trung ương Trung Quốc ra văn bản về “Nới rộng quản lý với máy bay hoạt động tầm thấp” - điều được cho là mở ra cánh cửa sổ với máy bay trực thăng dân dụng. Những chủ sở hữu máy bay trực thăng sẽ không còn phải xin phép cơ quan quân đội có thẩm quyền trước mỗi lần cất cánh. Những khu vực tạm thời được hoạt động theo chính sách trên gồm: Thượng Hải, Nam Kinh, Hắc Long Giang, Quảng Đông, Quảng Tây và Nội Mông.

Tuy nhiên, trước mỗi chuyến bay, người lái máy bay phải thông báo trước với cơ quan điều hành hàng không dân dụng tại khu vực đến và đi trước 5 - 7 ngày.

“Hắc phi tộc” - Họ là ai?

Báo chí Trung Quốc cho đến nay chưa thể quên lần bị… hố vì tưởng đĩa bay ghé thăm nước này. Vụ đầu tiên xảy ra ngày 1/3/2010, chiếc trực thăng của Chu Tùng Bân - Hội trưởng hiệp hội sản xuất mô tô Ôn Châu bị lầm tưởng là đĩa bay. Sau đó, Chu bị phạt 20.000 NDT vì cất cánh mà chưa được quân đội địa phương cho phép.

Hơn một tháng sau, đến lượt đại gia trực thăng Hứa Vĩ Kiệt bị cơ quan điều hành hàng không dân dụng Ôn Châu bắt quả tang khi đang định “dạo vài vòng cho đỡ nhớ” trên chiếc trực thăng mới tậu. Hứa bị phạt 29.000 NDT.

Trước thềm Hội chợ Thượng Hải Expo năm 2010, một giám đốc khu nghỉ mát tại Chiết Giang cũng bị trực thăng quân đội buộc hạ cánh khi đang ngao du giữa tầng không trên chiếc trực thăng mua qua môi giới của Hứa Vĩ Kiệt. Ông giám đốc thiếu chút nữa bị ra tòa do quân đội, cảnh sát Thượng Hải bị đặt trong tình trạng báo động trước việc một chiếc trực thăng không rõ nguồn gốc bay lượn gần khu vực sắp tổ chức những sự kiện quan trọng.

Sau ba vụ lùm xùm trên, Hứa Vĩ Kiệt và Chu Tùng Bân trở nên nổi tiếng bởi được hàng loạt tờ báo xin phỏng vấn. Người ta cho rằng thuật ngữ “hắc phi” (tạm dịch: “bay chui”) được xuất phát từ đó. Những người như Hứa và Chu được gọi là “Hắc phi tộc”.

Trước khi cầm lái trực thăng, đa số dân Hắc phi đều trải qua lớp huấn luyện kỹ thuật lái máy bay của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc. Học phí mỗi người phải đóng khoảng 12.500 NDT, chưa kể tiền mời giáo viên ăn uống, bồi dưỡng thợ máy ...

Xét về độ mê trực thăng, ở Trung Quốc chắc khó ai qua được Chu Kiến Bân khi ông này từng để cho con gái cầm lái trực thăng chỉ sau… 1 tuần bay cùng bố. Chu cũng nổi tiếng nhờ việc “phát minh” ra chiêu: bay trong tầm cao từ 100m – 200m để radar của cơ quan chức năng không phát hiện ra.

Chính quyền thành phố Ôn Châu từng phải cảnh báo Chu: Sẽ hầu tòa nếu tiếp tục bay chui. Sợ, nhưng cơn nghiện bay khiến Chu mỗi tuần bỏ ra ít nhất 7.000 NDT để được bay trong trường huấn luyện trong khoảng 1 giờ đồng hồ.

Ngoài ra, Chu còn là Chủ tịch CLB trực thăng Ôn Châu, quy mô CLB hơn 100 thành viên – đều là những đại gia trong giới kinh doanh. Nhóm này thậm chí còn tuyên bố sẽ tìm mọi cách liên hệ để được cấp phép bay mỗi ngày.

Nới trực thăng, siết phản lực

Theo tờ Đông phương báo của Trung Quốc, các chuyên gia luật và hàng không nước này cho rằng, không thể tiếp tục hành chính hóa sở thích bay lượn trên trực thăng của không ít nhà giàu tại nước này. Theo luật hàng không hiện hành của Trung Quốc, mỗi vụ “hắc phi” nếu bị phát hiện chỉ bị phạt tối đa 100.000 NDT. Mức phạt này bị cho là chưa đủ răn đe.

Như chính một thành viên “hắc phi tộc” như Chu Kiến Bân từng nói: “100.000 NDT ư? Phạt thế thì thấm vào đâu so với tiền của tôi. Nếu không phải vì ngại dính dáng pháp luật trong kinh doanh, tôi sẵn sàng nộp phạt để được bay”.

Năm 2010, một hội nghị về quản lý hàng không diễn ra tại Trung Quốc. Sau đó, đại diện của chính quyền và những thành viên “hắc phi tộc” thống nhất sẽ thí điểm một số vùng nới rộng cho trực thăng. Theo ước tính, đến năm 2015 Trung Quốc sẽ gần như mở cửa hoàn toàn với máy bay trực thăng cá nhân. Các điều khoản luật pháp liên quan mua bán, cấp phép, lịch bay sẽ được hoàn thiện vào năm 2020.

Theo thống kê, toàn thế giới hiện có 300.000 chiếc máy bay cỡ nhỏ, trong đó Mỹ có 220.000 chiếc/19.000 sân bay. Ước tính ngành công nghiệp hàng không Mỹ có tổng tài sản trị giá 150 tỷ USD, mang lại công ăn việc làm cho hơn 1,2 triệu người.

Những con số nêu trên càng khiến giới “hắc phi tộc” và giới kinh doanh tin rằng đó là bài học rất có giá trị trong việc kích cầu kinh tế cũng như đưa Trung Quốc thành một trong những quốc gia sở hữu nhiều máy bay nhất thế giới.

Tuy nhiên, một số nguồn tin không chính thức khẳng định: Ít nhất đến năm 2020, sẽ không có cá nhân nào tại Trung Quốc được phép sở hữu máy bay phản lực, vì lý do an ninh quốc phòng. Bất cứ máy bay phản lực nào được nhập vào Trung Quốc đều phải do một đơn vị kinh doanh tập thể hoặc tổ chức, hiệp hội ... đứng tên và quản lý, đồng thời chịu sự giám sát của không quân Trung Quốc.

Đáp lại sự hạn chế này, giới “hắc phi tộc” Trung Quốc tỏ ra rất vui mừng vì với họ, được bay trên trực thăng đã là thỏa mãn. “Chúng tôi đã chờ, và biết sẽ có ngày trực thăng cá nhân được hoạt động”, Chu Kiến Bân và Hứa Vĩ Kiệt nói.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất