| Hotline: 0983.970.780

Đại gia vịt miền Tây

Thứ Ba 04/06/2013 , 10:18 (GMT+7)

Tại ĐBSCL nhiều gia trại và trang trại nhờ nuôi giống vịt siêu thịt (Supper M - Vigova) đã trở nên giàu có.

Tại ĐBSCL nhiều gia trại và trang trại nhờ nuôi giống vịt siêu thịt (Supper M - Vigova) đã trở nên giàu có. Sự thành công này cũng giúp vùng đất màu mỡ miền Tây dần hình thành nhiều nhóm, hội nuôi vịt siêu thịt bán thâm canh và thâm canh theo hướng an toàn sinh học (ATSH)…

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI

Hơn 10 năm trước, về huyện Tân Trụ (Long An), nhìn đâu cũng thấy bạt ngàn vịt dập dìu khắp các cánh đồng, mặt nước. Ấy là cái thời nuôi vịt theo kiểu “cha truyền con nối”, chăn nuôi theo lối tận dụng, vì các giống vịt Tàu, vịt cỏ, cổ lùn (khá hơn thì giống Anh đào hay Nông nghiệp) nuôi 3 tháng trời mà trọng lượng chỉ trên dưới 2 kg, giá bán thấp, lời lãi chẳng là bao. Đến khi dịch cúm gia cầm xảy ra, quét bay nhiều đàn vịt thả rông sống dựa “hơi trời”, người nuôi vịt rơi cảnh hết sức bi đát.

Đây cũng là thời điểm giống vịt siêu thịt Supper M-Vigova và kỹ thuật chăn nuôi ATSH của Phân viện Chăn nuôi Nam bộ (trước đây là Trung tâm Nghiên cứu & chuyển giao TBKT chăn nuôi - Viện Chăn nuôi) đang len lỏi đến với nông dân ĐBSCL. Rất nhiều hộ mạnh dạn tiếp cận với giống vịt mới và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến này đã cảm nhận như “vừa vớ được chiếc phao cứu sinh”. Cũng từ đó đến nay, giống vịt siêu thịt này đã tạo được niềm tin và dần “phủ sóng” ở ĐBSCL…

Dù giữa trưa nắng gắt, ngồi giữa trang trại vịt Vigova rộng thênh thang, ngay mặt tiền đường lộ lớn trải bê tông phẳng lì của ông Võ Văn Lạc (ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, Long An), chúng tôi vẫn cảm thấy hết sức dễ chịu và thư thái.

Ông Lạc năm nay đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông bồi hồi nhớ lại: “Hơn mười năm trước, lúc đã trên 50 tuổi, tôi vẫn còn phải chịu cảnh đi coi vịt mướn cho người ta để lo cho 4 đứa con ăn học, bữa đói bữa no. Thương tình, đầu năm 2000, ông chủ vịt tên Tư Nửa đã giúp đỡ vốn, hướng dẫn tôi nuôi giống vịt cao sản Vigova và đây chính là bước ngoặt cho gia đình tôi…”.


Ông Võ Văn Lạc: Vịt Vigova đã giúp tôi có cơ ngơi như ngày hôm nay!

Ngay từ lứa vịt đầu tiên, ông Lạc đã nhận thấy sự khác biệt rõ rệt của giống vịt “xa lạ” này. So với giống vịt cũ, vịt mái đẻ có tỷ lệ rớt hột cao tới 85%, chu kỳ đẻ kéo dài 10,5 tháng (cao hơn giống cũ 2 - 2,5 tháng) nên vượt ngưỡng 200 quả (giống cũ chỉ 120 - 150 quả). Riêng vịt thịt Vigova chỉ mất 2 tháng (giảm 1/3 thời gian nuôi) đã cho xuất chuồng với trọng lượng trung bình tới 3,5 kg/con (tăng trên 30% trọng lượng). Nhờ thành công này, gia đình nghèo khó của ông Lạc lần đầu tiên có được chút vốn lận lưng.

Cũng từ đây, ông và vợ cùng các con xoay trần ra, chăm sóc các lứa vịt Vigova như cứu cánh để thoát nghèo. Ông cũng mạnh dạn tăng đàn từ vài trăm con lên 4.000 - 5.000 con vịt mái đẻ mỗi lứa. Đến năm 2004, ông đã mua đất và xây dựng hẳn một trang trại nuôi vịt khép kín rộng tới 1 ha theo hướng ATSH: Tập trung, xa khu dân cư, có sân chơi cho vịt, nuôi cá để làm sạch nước, tiêm ngừa vacxin đầy đủ và vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại khoa học.

Đặc biệt, từ chiếc máy ấp trứng do Phân viện Chăn nuôi Nam bộ hỗ trợ ban đầu, đến nay ông đã xây dựng một khu nhà xưởng với 5 máy ấp trứng, công suất 17.500 vịt thương phẩm/tháng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Từ nguồn thu 500 - 700 triệu/năm từ trang trại vịt - cá bề thế này, cứ khoảng 2 năm gia đình ông Tư Lạc lại làm được một việc lớn: Mua thêm đất để mở rộng trang trại hoặc cất nhà, sửa trại cho thật khang trang!

Giờ đây, khi được nhiều người gọi là “đại gia vịt”, ông Lạc đã lặp lại cái việc mà ông Tư Nửa đã từng làm cho gia đình ông: Giúp vốn và kỹ thuật nuôi vịt Vigova cho hàng chục hộ gia đình nghèo trong tỉnh. Đơn cử như hộ ông Năm Thơi (cùng ấp Bình Điện) sau nhiều năm chỉ biết lầm lũi đi coi vịt thuê, được ông Lạc cấp “cần câu” là 600 con vịt giống Vigova, đến nay đã hoàn toàn thoát nghèo và trở thành một trong các hộ nuôi vịt siêu thịt cho năng suất cao có thứ hạng trọng ấp (có lứa nuôi 2 tháng trọng lượng lên tới 3,7 kg/con).

LIÊN KẾT NUÔI VỊT VIGOVA

Tiếp tục hành trình về Tiền Giang, một trong các tỉnh nuôi vịt Vigova lớn nhất nước, chúng tôi tìm đến “Nhóm nuôi vịt giống Vigova Mười Tuấn” (ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành). Đúng lúc đó, gần chục thành viên trong nhóm đang tụ tập tại “đại bản doanh” của thủ lĩnh Mười Tuấn là ngôi nhà bề thế cao 4 tầng để trao đổi kỹ thuật và thu mua vịt, trứng.

Nhìn vẻ bề ngoài gầy, nhỏ thó, ăn mặc tuềnh toàng đúng chất nông dân Nam bộ, không ai biết Mười Tuấn là một “đại gia vịt” của huyện Châu Thành. “Toàn bộ cơ ngơi trang trại và căn nhà 4 tầng này đều do vịt Vigova sinh ra cả đấy!”, ông Mười xuề xòa nói.

Từ tấm bé, Mười Tuấn đã sống chung và quen với tiếng kêu quạc quạc suốt ngày đêm của đàn vịt nhà. Lớn hơn chút nữa, mỗi khi hết buổi học ông lại ra đồng phụ cha mẹ chăm đàn vịt nên dần “nghiện” cái nghề vất vả này từ lúc nào chẳng hay. Vì thế, khi học xong phổ thông, ông mạnh dạn mở hẳn một cơ sở ấp các giống vịt cỏ, Anh đào, Nông nghiệp với ước mơ xây dựng cơ nghiệp.

Tuy nhiên, do các giống vịt này cho năng suất, chất lượng thấp, dễ dính dịch bệnh, thị trường trồi sụt, bấp bênh nên nhiều năm loay hoay ông chưa “ngóc đầu” lên được. Đến những năm 1990, nghe thông tin về Hội vịt giống Vigova (tại Gò Vấp, TP.HCM) đang thu nạp hội viên để chuyển giao giống và kỹ thuật mới, Mười Tuấn quyết thử một phen. “Tôi chính là một trong các sáng lập viên đầu tiên của hội này đấy”, Mười khoe.

“Có những thời điểm giá vịt thịt Vigova lên tới 50.000 đ/kg, tôi thu lời lớn lên gom được tiền cất nhà cho vợ con ở. Còn hiện nay, khi người chăn nuôi heo, gà đều lỗ nặng thì vừa rồi tôi xuất chuồng 600 con vịt thịt với giá 38.000 đ/kg, vẫn lời 5.000 đ/kg”, anh Rồi khoe.

Ngay khi bước vào ấp vịt giống Vigova, Mười Tuấn đã hết sức bất ngờ khi thấy đơn đặt hàng ngày càng gia tăng. “Có thời điểm xe từ Bạc Liêu, Cà Mau chạy thẳng lên đây để giành vịt giống, 20 bồ ấp vịt (lúc đó làm thủ công, chưa có máy ấp trứng) của tôi làm việc hết công suất cũng chỉ đáp ứng vài chục nghìn vịt giống mỗi tháng, không đủ bán”.

Mười Tuấn cũng khẳng định rằng, giờ ông làm ăn bài bản, đầu tư máy ấp trứng hiện đại và liên kết xây dựng hơn 20 “vệ tinh” nuôi vịt mái đẻ, cung ứng cho thị trường hàng trăm nghìn con vịt giống thương phẩm mỗi năm.

Là thành viên trong nhóm của Mười Tuấn, anh Lê Văn Rồi (ấp Kênh 2A, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, Tiền Giang) chân chất nói: “Thấy giống vịt Vigova của anh Mười ngon lành quá nên tôi tham gia nuôi cả vịt mái đẻ lẫn vịt thịt. Vịt đẻ thì có tỷ lệ rớt hột đạt tới 85%, còn vịt thịt nuôi có 60 ngày mà được trên 3,5 kg một con, ăn đứt các giống vịt cũ trước đây hà!”.

Anh Rồi cũng khẳng định, nhờ liên kết nuôi vịt Vigova, tất cả các thành viên đều được cập nhật các thông tin từ kỹ thuật mới, thị trường giá cả, cũng như chia sẻ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Xem thêm
Kiểm kê khí nhà kính chi phí còn cao, quy định chưa được chi tiết

Doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới, chi phí còn cao, quy định chưa chi tiết nên rất cần sự đồng hành của quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đặc biệt tập trung phòng chống bệnh cúm gia cầm và dại

Chiều 12/4, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai công tác quý II lĩnh vực thú y. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự và chủ trì hội nghị.

Lượng sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học theo IPM tăng mạnh

Hà Nội Thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội cho thấy so với trước, lượng sử dụng thuốc sinh học theo IPM tăng mạnh nhưng theo tập quán không mấy thay đổi.

Tưới tiết kiệm: Cái khó bó cái khôn

Tưới tiết kiệm mang lại rất nhiều lợi ích mà bản thân nông dân hiểu rất rõ, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.