| Hotline: 0983.970.780

Đại hội lần thứ XVIII, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Coi phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là nền tảng

Chủ Nhật 20/09/2015 , 20:24 (GMT+7)

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã hoạch định 5 chương trình trọng tâm...

Coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế. Tăng cường ứng dụng tiến bộ KH-CN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo phát triển VH- XH. Phấn đấu đến năm 2020 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đó là những mục tiêu lớn mà Đại hội Đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt ra. Đến thời điểm này các công việc chuẩn bị cho Đại hội đã hoàn tất. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh đang hướng về Đại hội với khí thế mới, quyết tâm cao.

Ông Đỗ Trọng Hưng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, Đại hội sẽ dành phần lớn thời gian để các đại biểu tham luận cho ý kiến về các văn kiện, báo cáo chính trị của BCH khóa XVII nhằm hoàn thiện tốt nhất chương trình hành động toàn khóa cũng như các hoạch định lớn lâu dài của Đảng bộ.

Có thể nói, việc xây dựng các văn kiện lần này được triển khai khá sớm, chu đáo và kỹ lưỡng với từng mục, nội dung chi tiết, mạch lạc.

Nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, cởi mở đóng góp xây dựng vào báo cáo chính trị của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, trí thức… đã được tiểu ban văn kiện tổng hợp trình BCH nghiêm túc tiếp thu bổ sung hoàn chỉnh trước khi trình Bộ Chính trị phê duyệt.

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã hoạch định 5 chương trình trọng tâm bao gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Trong 5 chương trình trọng tâm đó thì chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM đặc biệt được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Đây cũng là nội dung được Bộ Chính trị lưu ý với BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong buổi làm việc gần đây chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Mục tiêu lớn của chương trình này là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao.

Quan tâm phát triển thủy sản cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; khuyến khích đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, tạo điều kiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ, đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2,5 lần năm 2014.

Bằng các giải pháp: Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, khu nông nghiệp công nghệ cao thị trấn Thống Nhất và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Phát triển chăn nuôi nông hộ có kiểm soát; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; nâng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp lên 45% vào năm 2020.

Quy hoạch phát triển các trang trại chăn nuôi ở vùng bán sơn địa, xa khu dân cư nhằm hạn chế tác động ô nhiễm môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi triển khai nhanh các dự án chăn nuôi bò sữa tập trung và bò thịt chất lượng cao.

Hình thành và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, trước hết là đất nông nghiệp. Xây dựng cơ chế thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua các hình thức: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... coi đây là động lực mới để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa.

Phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó các huyện miền xuôi có 70% số xã đạt chuẩn NTM.

Làm việc với PV NNVN, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã điểm lại những thành quả mà ngành nông nghiệp gặt hái được trong 5 năm qua.

Đó là sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 4%, vượt mục tiêu Đại hội XVII. Giá trị sản xuất năm 2015 gấp 1,24 lần năm 2010. Sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 1,69 triệu tấn, vượt mục tiêu đại hội.

Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM đạt kết quả tích cực. Dự kiến cuối năm 2015 có 86 xã và 36 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Thanh Hóa là tỉnh có số xã xây dựng NTM lớn nhất cả nước (573/637 xã). Thành công trong xây dựng NTM ở Thanh Hóa bước đầu đạt được chính là tạo nên sức mạnh niềm tin của nhân dân.

Cách làm của Thanh Hóa là lựa chọn thôn, bản để thực hiện từ đó nhân rộng ra cả xã. Việc không chạy theo thành tích đã góp phần tạo lập nên những nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng NTM có những điểm nhấn rõ nét mà cái được chính là người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Từ những thành công đó, nhiệm kỳ tới, lĩnh vực Nông nghiệp – PTNT của Thanh Hóa theo ông Nguyễn Đức Quyền phải tạo ra được những đột phá lớn từ nền tảng chương trình hành động sẽ được Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII quyết định.

Ông Quyền cho rằng, có 4 đột phá để tạo chuyển biến tích cực đó là: Đột phá về tổ chức sản xuất; đột phá về KH-CN; đột phá về đầu tư cho nông nghiệp.

Riêng đột phá về chất lượng sản phẩm nông nghiệp, ông Quyền khái quát hình tượng bởi 3 cái hóa: Xanh hóa (xanh của rừng, xanh của mía, xanh của cỏ); trắng hóa (trắng của gạo; trắng của đường; trắng của cao su); đỏ hóa (thịt bò chất lượng cao; thịt lợn nạc; thịt gia cầm VietGAP).

Có thể thấy rằng, sau gần 30 năm đổi mới, thế và lực của tỉnh Thanh Hóa mạnh hơn; kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành được tích lũy; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; kết cấu hạ tầng KT-XH được tăng cường.

Nhiều dự án lớn hoàn thành góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh và con em Thanh Hóa xa quê rất tâm huyết xây dựng quê hương phát triển.

5 năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa luôn được cải thiện mạnh mẽ. Các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Giai đoạn 2011 - 2015, đã thu hút 560 dự án đầu tư (có 25 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 120.000 tỷ đồng và 2,56 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 32 dự án FDI với số vốn tăng thêm 3 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 59 dự án với tổng vốn đăng ký 12,8 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.

Tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm ước đạt 322.936 tỷ đồng, vượt 4,2% mục tiêu đại hội, gấp 3,8 lần giai đoạn 2005-2010.

Tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp ước đạt 67.000 tỷ đồng; nộp ngân sách 13.500 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch; giải quyết việc làm cho 63.700 lao động (chưa tính khoảng 35.000 lao động xây dựng dự án Lọc hóa dầu Nghi sơn).

 

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Hợp tác quảng bá nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc

Sáng 15/4, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cùng với thành phố Goyang (Hàn Quốc) tổ chức Tọa đàm hợp tác đầu tư và xúc tiến thương mại trong nông nghiệp.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Yên Bái xóa 1.900 nhà tạm, nhà dột nát

Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, quyên góp ủng hộ của tổ chức, cá nhân, năm 2024, tỉnh Yên Bái phấn đấu xóa gần 1.900 nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo.

Bình luận mới nhất