| Hotline: 0983.970.780

Đại tướng Văn Tiến Dũng - Đời riêng một nét

Chủ Nhật 30/04/2017 , 08:30 (GMT+7)

“Từ một người tử tù trở thành một danh tướng, suốt cuộc đời cho đến lúc nhắm mắt, ba tôi đã sống như một sư ông đức hạnh, khổ tứ, hết lòng vì Đảng, vì Dân, vì Quân đội, vì Tổ quốc Việt Nam” - Đó là những chia sẻ của TS Văn Việt Hoa...

Đó là những chia sẻ của TS Văn Việt Hoa, con gái út Đại tướng Văn Tiến Dũng với Báo NNVN nhân dịp kỷ niệm 42 năm thông nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017) và 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 – 2/5/2017).
 

Anh Hai Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 - 2002), bí danh là Lê Hoài, sinh tại xã Cổ Nhuế, nay là phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong một gia đình nông dân nghèo.

Ông sớm giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi vừa tròn 20 tuổi. Thực tiễn cách mạng đã đưa ông trở thành nhà chỉ huy quân sự: Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (Bộ Tư lệnh miền Bắc Đông Dương), phụ trách tổ chức Chiến khu Quang Trung (tháng 4/1945); Chính ủy Chiến khu 2 (gồm 8 tỉnh phía Tây Bắc và Tây Nam Bắc bộ); Cục trưởng đầu tiên Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam (nay là Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam).

Năm 1948, Văn Tiến Dũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng trong đợt phong đầu tiên. Ông là một trong 9 Thiếu tướng đầu tiên của cả nước. Ông cũng là Tổng Tham mưu trưởng lâu năm nhất của Quân đội suốt 25 năm từ 1953 đến 1978.

18052296-705195726333424-1448700675-o182759436
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tư liệu gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng)

Khi các đại đoàn chủ lực được thành lập, Văn Tiến Dũng là Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên Đại đoàn 320 - Đại đoàn Đồng Bằng. Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, nguyên tư lệnh Binh chủng Pháo binh kể lại trong hồi ký về Đại tướng Văn Tiến Dũng rằng Thượng tướng Phùng Thế Tài và Thượng tướng Lê Ngọc Hiền trong những lần họp mặt truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng (F320) luôn giới thiệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Anh Cả, Đại tướng Văn Tiến Dũng là Anh Hai.

“Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những tướng lĩnh tài năng xuất sắc của quân đội ta, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với tôi, đồng chí là một trong những người bạn chiến đấu thân thiết và gần gũi trong suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

“Xin báo cáo cùng toàn thể anh em, có cả Anh Cả và Anh Hai Quân đội nhân dân Việt Nam cùng họp mặt với chúng ta”.
 

Đoàn A75 xuất phát

Đại tướng Văn Tiến Dũng là người chỉ huy trực tiếp Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Song ít ai biết, ông đã từ Tổng hành dinh ngoài Hà Nội bí mật vào Trung ương Cục miền Nam để chỉ huy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 như thế nào.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10/1974, Bộ Chính trị họp bàn và ra Nghị quyết giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Hơn hai tháng sau, đầu tháng 1/1975, nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo về tình hình chiến trường, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Một phương án được dự kiến là: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Sau khi Trung ương Đảng đã xác định quyết tâm chiến lược và chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội được cử vào Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo.

Khẩn trương sắp xếp công việc, đến chào Đại tướng Võ Nguyên giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - ngày 25 tháng Chạp giáp Tết Ất Mão (5/2/1975), Đại tướng Văn Tiến Dũng lên đường ngay.

Hà Nội rộn rã đón chào xuân mới. Hai bên đường Phan Đình Phùng, phố Hàng Đậu người dân các xã Nhật Tân, Xuân Đỉnh, Nghi Tàm đã đưa những cành đào, cây quất bày bán. Ngồi trong ô tô từ Tổng hành dinh sang sân bay Gia Lâm để bay vào Quảng Bình, trong lòng ông cũng rộn rã, xốn xang. Để đánh lạc hướng đối phương cũng đang theo dõi sát sao từng động thái của các tướng lĩnh cấp cao ở cơ quan đầu não Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn giữ nếp sinh hoạt thường nhật.

Giáp Tết, ông lại chuẩn bị quà và thư chúc Tết gửi đến các gia đình cơ sở cách mạng đã giúp đỡ và che chở ông trong những năm tháng hoạt động bí mật. Đồng thời, ông ký sẵn thư chúc Tết gửi các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ Quốc phòng và quân đội các nước anh em Liên Xô, CHDC Đức, CHND Mông Cổ...

Mọi hoạt động, sinh hoạt ở nhà riêng lẫn cơ quan duy trì bình thường. Xe con như thường nhật đón ông ngày ngày vào làm việc trong khu A - Bộ Quốc phòng. Đêm đêm, trên gác hai phòng làm việc của Tổng tham mưu trưởng, đèn vẫn sáng đến tận khuya.

Cuộc hành quân vào chiến trường của Đại tướng Văn Tiến Dũng hết sức lặng lẽ. Sân bay Gia Lâm được phong tỏa để giữ bí mật. Cùng lên đường với Tổng tham mưu trưởng có Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện. Ra tiễn có Thiếu tướng Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng, Thiếu tướng Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân được giao tổ chức chuyến đi này và phu nhân của Đại tướng - bà Nguyễn Thị Kỳ.

Đoàn mang mật danh A75. Tất cả đều mặc thường phục. Đại tướng Văn Tiến Dũng mang bí danh là Tuấn. Hơn 10 giờ sáng, chiếc máy bay AN cất cánh đưa đoàn rời Hà Nội vào sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Từ Quảng Bình, theo đường 559, Đoàn vào Tây Nguyên, có thêm Phó Tư lệnh 559 - Đại tá Phan Khắc Hy đi cùng.

Đêm giao thừa Tết Ất Mão (10/2/1975), Tổng tham mưu trưởng đón Tết cùng Sư đoàn 470. Hàng Tết từ hậu phương chuyển vào đủ cả thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh. Tây Nguyên vào mùa khô, trời se lạnh song chan hòa nắng ấm. Sáng mồng 1 Tết, mọi người nâng cốc mừng tuổi nhau, chúc một năm mới lập nhiều chiến công như mùa xuân Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung hành quân thần tốc chiến thắng quân Thanh. Chỉ hơn hai tháng sau sau, lời chúc ấy đã thành sự thật. Sài Gòn được giải phóng ngày 30/4/1975.

Chai rượu từ Hà Nội gửi vào được Đại tướng Văn Tiến Dũng để dành, nghe tin kéo cờ chiến thắng trên ở dinh Độc Lập, ông mở ra chúc mừng tại cơ quan Bộ Tư lệnh Chiến dịch, cùng chung vui với các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Đinh Đức Thiện, Trần Văn Trà, Lê Quang Hòa…
 

Nghĩ về ba để vượt qua khó khăn

Chúng tôi trở lại nhà riêng của Đại tướng Văn Tiến Dũng bên phố nhỏ Tôn Thất Thiệp (Ba Đình, Hà Nội) để biết thêm đời riêng của ông. Đại tá Trần Đức Báu, thư ký riêng của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết: “Đại tướng là người rất nghiêm khắc với các con cháu trong gia đình. Hầu hết con trai, con gái, con dâu, con rể của gia đình đều được đưa vào rèn luyện trong quân ngũ và đều trở thành những cán bộ trung cao cấp của quân đội”.

18043100-705195729666757-1080461000-o18275962
Gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tư liệu gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng)

Nhà lưu niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng những ngày này huyên náo hơn những tĩnh lặng trước đây. Bà Văn Tuyết Mai, con gái ông, đang bận rộn với những kỷ vật của cha để chuẩn bị cho triển lãm và hội thảo 100 năm sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng. Biết chúng tôi đến, cụ bà Nguyễn Thị Kỳ nay đã 96 tuổi đời, gánh nặng thời gian làm bà quên đi nhiều điều nhưng vẫn giữ nếp xưa quý khách, biết có khách đến chơi, bà lại ra cửa đứng chờ.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Văn Tuyết Mai lần hồi từng hoài niệm được làm con gái của vị tướng họ Văn. Qua câu chuyện, ánh hồi quang về một gia đình cách mạng lẫy lừng càng khiến chúng tôi cảm phục.

“Ngay từ khi còn là học sinh, tôi cùng với các chị con gái bác Võ Nguyên Giáp đã được rèn luyện trong môi trường quân đội - chúng tôi là học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi khóa 4 - Có lẽ nhờ trong môi trường quân sự mà tôi đã sớm có một lối sống mang tác phong quân đội. Khi đất nước có chiến tranh, chúng tôi cũng như mọi người xung quanh, không có cách biệt.

Chúng tôi đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Chúng tôi ra đồng làm ruộng với bà con nông dân. Trong suy nghĩ của chúng tôi không có nghĩ rằng mình là con em cán bộ cao cấp thì phải được ưu đãi riêng. Cha mẹ chúng tôi cũng không bao giờ có vun vén cá nhân cho con cái vào những chỗ êm đềm”, bà Mai thủ thỉ.

Lớn lên ở Thủ đô, con em cán bộ cao cấp, nữ sinh Văn Tuyết Mai xuống đồng nhìn thấy đỉa là nỗi khiếp đảm. Nhưng rồi cô tự nhủ với chính mình, bạn bè vượt qua thì mình cũng phải vượt qua. Bạn bè con em các gia đình nông dân, công nhân và cán bộ bình thường cố gắng một thì mình phải cố gắng gấp hai, gấp ba. Lần giở từng hoài niệm của ký ức, trên những cánh đồng mùa đông là hình ảnh Văn Tuyết Mai lội nước cùng bạn bè thay trâu kéo bừa trong giá rét căm căm mùa đông miền Bắc.

“Ngày ấy, miền Bắc rõ rệt từng mùa chứ không bị biến đổi khí hậu như hiện nay. Cái buốt giá của mùa đông đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy rùng mình. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn nghĩ về ba để vượt qua tất cả”.

Theo Trung tá Võ Xuân Sáng, cán bộ bảo vệ của Đại tướng Văn Tiến Dũng gần 20 năm (1961 - 1979) chia sẻ: “Đối với gia đình, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn là người chồng, người cha mẫu mực.

Khi đã là một cán bộ cao cấp trong quân đội, Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con cháu phải biết sống có đạo đức, có nhân cách, không ngừng học tập và rèn luyện để trở thành những người có ích cho xã hội, giáo dục các con tính tự lực, tự cường, sống có ý chí, không dựa vào người khác, phải biết chấp nhận gian khổ, hy sinh trước khi hưởng thụ, với một chân lý sống đơn giản “mình vì mọi người”.
 

"Quận chúa" trồng khoai, nuôi lợn bên xứ người

Chúng tôi may mắn được gặp TS Văn Việt Hoa, con gái út của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong dịp bà về nước. Là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa cha mẹ khi ông đi học quân sự từ Liên Xô về Trung Quốc để dưỡng bệnh, cô con gái út cũng là kỷ niệm về tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Trung Hoa. Cô giống bố nhất nhà cả về ngoại hình lẫn tính cách. Văn Việt Hoa cũng chính là người có thời gian gắn bó nhất với cha từ lúc sinh ra cho đến năm 28 tuổi. Những anh chị trong gia đình đã sớm theo trường sơ tán rồi vào quân ngũ, đi công tác xa nhà.

Sống với cha mẹ, cô bé Hoa được cha dạy tập đọc và tập viết trước khi đến lớp. Cô còn được thừa hưởng ở cha thói quen ham đọc sách. Hai cuốn sách mà cha cô thích nhất là “Gót sắt” của Jack London và “Người mẹ” của Maksim Gorky.

TS Văn Việt Hoa hồi tưởng lại: “Trong sự nghiệp, ba tôi là một vị tướng dũng mãnh, kiên cường, không đầu hàng trước bất cứ một kẻ thù nào, song trong cuộc sống ông là người rất giàu tình cảm, nhân hậu và đầy tình nghĩa”.

Chúng tôi nói vui rằng, “con gái giống cha thì giàu ba họ”, hẳn bà Việt Hoa cũng phải khá giả nhất nhà. TS Văn Việt Hoa cười xòa chia sẻ: “Đó là giàu tình cảm và giàu về tri thức cũng như giàu có về đức tin vào con người. Tính ba tôi rất trầm tĩnh, ít nói và nghiêm khắc song cũng thích nghe chuyện vui, chuyện hài hước”.

Có một khoảnh trời riêng mà ít người biết tới trong cuộc đời người con gái út Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đó là khi sang Liên Xô làm việc, Văn Việt Hoa có tình cảm và kết hôn với chàng trai người Nam Tư. Vậy là cô bị cắt quốc tịch Việt Nam. Suốt 13 năm thầm lặng chịu đựng, không than phiền, không kêu ca kể lể với cha mẹ. Văn Việt Hoa chấp nhận. Có thời gian cô đã về vùng nông thôn cách Moscow hơn 300 cây số cuốc đất trồng khoai tây nuôi lợn.

Chỉ đến cuối năm 2001, khi người anh trai là Văn Tiến Huấn gửi thư sang nói về tình hình sức khỏe của cha không đươc tốt. “Trong thư anh tôi viết có nói, nếu em không về, chẳng may ba có mệnh hệ nào, ba không được thấy mặt em phút cuối, thì em phạm tội đại bất hiếu”. Ba chữ “đại bất hiếu” ấy đã khiến tôi đùng đùng nổi giận. Tôi phải về nước để thăm ba mẹ tôi”.

Mùa xuân năm 2002, sau nhiều năm xa nhà, Văn Việt Hoa về ăn Tết Nguyên đán. “Ba tôi rất mừng, hỏi tôi tỉ mỉ về cuộc sống gian nan, vất vả của tôi. Rồi cũng như nhiều năm trước, khi tôi còn ở nhà, hai bố con lại tranh thủ bàn luận về tình hình chính trị thế giới, điều mà cả hai rất thích thú quan tâm”.

"Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cương vị là Tư lệnh Chiến dịch, đồng chí đã có cống hiến xuất sắc cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng với Quân ủy Trung ương vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh không ngừng, góp phần to lớn vào sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong 35 năm tham gia BCH Trung ương Đảng (từ năm 1951 đến năm 1986), trong đó có 22 năm làm Ủy viên Bộ Chính trị (từ năm 1960 đến năm 1982), đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Trích Điếu văn truy điệu Đại tướng Văn Tiến Dũng do Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đọc tại Lễ truy điệu chiều ngày 21/3/2002).

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất