| Hotline: 0983.970.780

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhớ tiếc Người, viết về Người

Thứ Hai 07/10/2013 , 09:08 (GMT+7)

Với cả nước, Đại tướng là vị tướng huyền thoại, với những người Quảng Bình như chúng tôi, hơn thế, ông là thần tượng, là một người ĐÀN ÔNG Quảng Bình mà chúng tôi phải học tập và noi theo một cách tự nguyện với tấm lòng tôn kính.

1. Điệp trùng những cồn cát Quảng Bình nhìn xa trông như bầu vú mẹ, lớp lớp vú mẹ đã sinh ra lớp lớp những đứa con vùng cát. Và trong muôn vạn đứa con sinh thành, có một người con trai tên là Võ Nguyên Giáp. Ông đã lớn lên từ mảnh làng cát trắng, lũ lụt, chua phèn, để rồi trở thành người đứng đầu Quân đội.

Với cả nước, Đại tướng là vị tướng huyền thoại, với những người Quảng Bình như chúng tôi, hơn thế, ông là thần tượng, là một người ĐÀN ÔNG Quảng Bình mà chúng tôi phải học tập và noi theo một cách tự nguyện với tấm lòng tôn kính.

Tôi chỉ gặp được Đại tướng một lần. Và điều mà ông làm tôi không thể quên chính là nỗi nhớ quê của ông. Ông nhớ cả những quán bánh bèo, bánh cuốn ở thị xã Đồng Hới xưa ngày ông còn thơ bé. Hàng ngày, hàng giờ, ông đọc báo, xem ti vi, cứ có gì về Quảng Bình, đặc biệt là những việc làm chưa tốt, ông “neo” lại rồi viết thư, gọi điện, nhắn hỏi tỉnh nhà, cần phải làm tốt hơn, cần phải đoàn kết.

Tất cả những lần ông nói chuyện với Quảng Bình, ông không quên hai chữ đoàn kết. Ông nói đó là tinh thần của Bác Hồ. Và chúng tôi hiểu, suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng của ông, ông có lẽ thấm thía vô cùng hai chữ Đoàn kết. Hai chữ Đoàn Kết - Bác Hồ đi suốt theo ông ở những bài phát biểu, nói chuyện, tâm sự.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người dân Quảng Bình

Ngày ông không còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, người Quảng Bình buồn, có người lặn lội ra Hà Nội gặp ông để hỏi cho ra mọi nhẽ “Vì sao Bác lại bị thôi chức?”, “Vì sao Bác nghỉ”, “Vì sao Bác không có ý kiến?”. Đó là sự thật. Và ông mỉm cười hiền từ: "Mình vẫn đang làm việc cho cách mạng đấy chứ. Bác Hồ nói, Dĩ công vi thượng”.

Anh Tấn Lộc là cháu ruột của Đại tướng, ngày tốt nghiệp sĩ quan, khi đó ông là Bộ trưởng Quốc phòng, mẹ anh Tấn Lộc (em gái Đại tướng) tới gặp Đại tướng để xin cho con trai mình ở Hà Nội. Ông hỏi anh Tấn Lộc, tổ chức phân cho cháu đi đâu? Tấn Lộc nói, dạ, vào miền Nam ạ. Ông gật đầu, tốt, thanh niên trẻ phải đi xa, phải chấp hành sự điều động của Quân đội. Mẹ anh Tấn Lộc phụng phịu, tôi là em gái anh, anh làm Bộ trưởng thì tôi mới nhờ anh, anh còn nói thế. Đại tướng cầm tay em gái mình mỉm cười hiền hậu.

Người làng ông nói, sau Đại tướng, con cháu của làng không còn ai làm to nữa. Những người biết nghĩ thì tự hào, ông đã là một tấm gương, con cháu theo đúng sức của con cháu mà phấn đấu, mà cống hiến, không ai phải lớn lên, phải thành danh dưới cái bóng che chở của ông. Người Quảng Bình nghèo nhưng vững tâm, vững chí, thủy chung và đầy lòng tự trọng. Ông muốn con cháu mình trước khi làm điều gì đó lớn lao, trước hết phải là một người tử tế.

Tôi chơi thân với anh Võ Điện Biên, con trai Đại tướng, rồi biết thêm những thành viên trong nhà. Ai cũng là công chức bình dị. Đến như Võ Điện Biên làm công ty, cũng chỉ đủ sống để nuôi vợ con và sống bình dị. Vào phòng giám đốc Võ Điện Biên, chỉ thấy bốn quanh tường đều là sách, tác phẩm của Đại tướng, của các tác giả và các hãng thông tấn, các nhà xuất bản viết về Đại tướng. Trên bàn làm việc của anh Biên cũng thế. Vì anh Biên như vậy nên vẫn là giám đốc nghèo thôi. Anh không nhờ vào bóng ai để kiếm sống, anh sống bằng chính những gì anh học được ở sách: Nhân cách một con người tử tế.

Lớp người Quảng Bình chúng tôi học được ở ông rất nhiều - học được nhiều từ vị Đại tướng của làng mình: Đó là sự tự lập, là ý chí vươn dậy, là lòng dũng cảm, lòng thương người và trên tất cả những điều đó là tình yêu cháy bỏng với quê hương, đất nước mình. Để làm được thế, như ông, có một chữ NHẪN, nhẫn mà không hạ mình, nhẫn mà không hèn, nhẫn không cho cá nhân mình mà cho cả giang sơn.

Chúng tôi lớn lên, có ngay trong hành trang ý thức một hình tượng về người đàn ông làng mình mang tên Võ Nguyên Giáp. Chỉ cần thế thôi, học ông thôi, noi theo ông thôi, đã có thể trở thành một người tử tế, đã có thể ngẩng cao đầu mà bước, và trở nên có ích cho đất nước.

Vì ông là một con người LỚN, một con người TỬ TẾ của tất cả chúng tôi.

2. Tôi chưa lúc nào viết chậm như thế. Chậm vì khó, vì ngợp trước sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Viết rồi xóa, rồi tính bỏ, lại viết, và cho tới khi chính mình dàn dựng kịch bản lớn này để truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 vào tháng 6/2011, tôi cũng không tin vì sao mình lại có thể hoàn thành được kịch bản này. Bởi Đại tướng quá lớn nhưng lại quá bình dị, là vị tướng của nhân dân.

Bây giờ nhớ lại, nếu tính từ dòng viết khởi thảo kịch bản đầu tiên tới lúc chương trình dàn dựng là 3 năm. Có rất nhiều cảm xúc khi chuẩn bị kịch bản này. Tôi là một nhà văn quê Quảng Bình, vì thế, trước hết, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải là người đầu tiên viết về Đại tướng trong một tác phẩm sân khấu. Hơn nữa, đối với các nhà viết kịch, các đạo diễn, được sáng tác và dàn dựng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là niềm vinh dự to lớn. Tôi viết và chỉnh sửa kịch bản tới mấy chục lần. Dù là cách viết thế nào, tôi vẫn khao khát được nhìn thấy nhân vật Đại tướng trong tác phẩm của mình thật đời, thật mạnh mẽ nhưng thật lãng mạn, thật cương quyết nhưng thật giàu cảm xúc. Ông là vị tướng vĩ đại vì không bao giờ ông thấy mình vĩ đại.

Ông là vị tướng có đức hy sinh cao cả nhưng không bao giờ ông day dứt bởi hai chữ hy sinh. Ông là vị tướng trăm trận trăm thắng nhưng không bao giờ ông dùng xương máu của chiến sỹ làm phương tiện cho mình giành chiến thắng. Không ai yêu lính như ông. Không ai đau đớn trước sự hy sinh của lính như ông.

Ông là vị tướng tài năng lỗi lạc nhưng bao giờ ông cũng cho rằng chiến thắng thuộc về Đảng, về Bác Hồ, về tập thể. Ông lớn lao mà vẫn bình dị như cây cỏ. Ông là vị tướng huyền thoại, là danh tướng của thế giới nhưng cuộc sống của ông lại bình dị và êm đềm như một câu hò sông nước Lệ Thủy quê ông. Một con người như vậy thật lớn lao và cũng thật khó cầm bút để viết về ông. Nhưng tôi đã viết bằng tất cả cảm xúc, lòng kính trọng với một quyết tâm: Bằng mọi giá phải dựng cho bằng được một chương trình lớn về ông như là sự tri ân. Và bằng các thủ pháp nghệ thuật, tôi muốn khán giả lại được gặp ông, một vị tướng vĩ đại của mọi thời đại nhưng dung dị, nhân văn và tài hoa.

Nhiều bộ phim, vở kịch... từng nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trận Điện Biên Phủ, việc “làm mới” đề tài này như thế nào để khán giả không bị nhàm chán cũng là một thử thách. Đó là một thử thách vô cùng lớn. Sân khấu hay tác phẩm điện ảnh cần nhất là sự bất ngờ để cuốn hút khán giả, làm mới tác phẩm; nhưng ở chương trình này, mọi thứ khán giả đều biết, hay nói tóm tắt là dù khốc liệt thế nào, khán giả cũng đã biết chiến dịch Điện Biên toàn thắng, tướng Đờ-cát đầu hàng… Làm sao để cuốn hút khán giả? Tôi đã chọn một cách nhìn mới mẻ về chiến dịch Điện Biên, đó là nhìn toàn bộ cuộc chiến đấu máu lửa tại Điện Biên Phủ dưới góc nhìn lãng mạn. Cách nhìn này phù hợp với nhân vật trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - như ông nói: Tôi là một vị tướng lãng mạn! Cách nhìn này làm cho toàn bộ chương trình bay bổng, như một bản hùng ca, lãng mạn cả việc miêu tả quân ta, miêu tả tướng Giáp và lãng mạn cả khi miêu tả kẻ thù. Toàn chương trình vì thế như một bản tình ca da diết, có khi day dứt, có khi khốc liệt nhưng toát lên trên hết là vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của đất nước, vẻ đẹp tinh thần của Đại tướng. Đó chắc chắn là một cách nhìn mới và tạo nên sự hấp dẫn cuốn hút khán giả. Để chương trình thành công, thực sự chúng tôi phải vượt qua muôn vàn khó khăn.

Với tư cách là Tổng đạo diễn và tác giả kịch bản, tôi mong muốn các nghệ sĩ của cả ba miền bắc trung nam đều vinh dự tham gia chương trình này.

Đại tướng đã ra đi.

Tôi ngồi lặng đi trong đêm khi có lẽ là một trong những người đầu tiên ở xa nhận được tin báo vào lúc Người mất.

Và những ngày tháng lao động nghệ thuật cho Chương trình “Đại tướng Võ Nguyên Giáp & bản hùng ca Điện Biên” lại ào về. Tôi đã khóc. Như hôm chương trình phát sóng trực tiếp, tôi đã khóc khi biết tin ở Bệnh viện 108, Đại tướng bỗng nhiên khỏe lại, và ăn được chút cháo nhỏ và có xem chương trình chúng tôi làm.

Sáng hôm nay, diễn viên Trịnh Mai Nguyên, người thể hiện hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chương trình của tôi, đã gọi điện và khóc.

Tôi chờ đợi phút giây đón thi hài Đại tướng về quê nhà Quảng Bình.

Tôi muốn đứng trước ngôi mộ của ông để nói rằng, thưa Đại tướng, nhìn vào cuộc đời của Người, chúng con nguyện sống để làm một con người tử tế, tử tế theo đúng ý nghĩa cao cả, đàng hoàng và sang trọng nhất của từ này, như Đại tướng.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

Tiền đạo Đình Bắc báo tin không vui

Tiền đạo Nguyễn Đình Bắc có nguy cơ phải nghỉ hết vòng bảng giải U23 châu Á 2024 vì chấn thương cổ chân.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm