| Hotline: 0983.970.780

Đám cưới quê rườm rà, lãng phí

Thứ Năm 05/02/2015 , 10:17 (GMT+7)

Ở Nam Đàn, Nghệ An việc cưới hỏi đang trở thành gánh nặng của nhiều gia đình, bởi những thủ tục rườm rà cùng cái lệ “trả nợ miệng” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân thôn quê nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn cho biết: Em gái chị vừa tổ chức tiệc cưới cho con trai, riêng việc dựng rạp đã tiến hành 3 ngày trước đó, mọi người tới giúp việc thịt bê, mổ gà, rửa bát, trang trí… cũng phải bày biện, tổ chức ăn uống tới khoảng 15-20 mâm/bữa, kết thúc đám cưới nhẩm tính việc “ăn cơm mải” cũng ngót tới trăm mâm, cộng thêm khách mời cũng khoảng trăm mâm nữa.

Chưa dừng lại ở đó, trong lễ rước dâu, thanh niên trong làng còn thêm cái tiệc “mặm” khoảng 50 mâm. Sau đám cưới gia đình em gái chị Hoa lỗ gần 50 triệu đồng, vừa cưới nhau về hai vợ chồng trẻ đã có một khoản nợ không hề nhỏ.

Không chỉ lãng phí trong mâm cỗ, nhiều cặp vợ chồng còn đua đòi rồi đốt cả đống tiền vào nhiều khoản chi khác như chụp hình dã ngoại cũng mất từ 5- 10 triệu đồng; thuê váy cưới, thấp nhất cũng một triệu đồng/bộ, muốn đẹp hơn cũng phải lên tới 2-3 triệu đồng/bộ; ngoài ra, còn mua sắm đồ cho buồng tân hôn, mua tủ, giường cưới, chăn ga, gối nệm mới…cũng ngốn của gia chủ vài chục triệu đồng.

Đó là chưa nói tới chuyện hiện nay, nhiều gia đình còn phô trương trong việc tặng lễ vật (tiền, quà, vàng…) cho cô dâu chú rể ngay tại hôn trường…, tạo thành một phong trào khiến nhiều ông bố bà mẹ dù không có điều kiện nhưng vì sĩ diễn cũng phải “có chút quà” cho con.

Để tổ chức một lễ cưới nhiều gia đình phải vay mượn họ hàng, bán trâu, bán bò…, thậm chí cầm cả sổ đất, sổ nhà để “trả nợ miệng” cho anh em, bạn bè, bà con xóm giềng..., điều này đã trở thành cái lệ của làng. Cũng có nhiều người nhận thức được vấn đề muốn đơn giản để tiết kiệm, song lại sợ bà con chê trách rồi cũng phải cố làm cho bằng người ta.

Ở một khía cạnh khác, anh Nguyễn Văn Long, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Tháng vừa rồi nhà tôi nhận được gần 20 cái thiệp mời, có hôm đẹp ngày nhận một lúc 6 cái thiệp mà trong nhà chỉ có 2 người lớn không biết chia như thế nào đi cho hợp lí.

Vào dịp này, mỗi tháng gia đình chúng tôi phải chi tới 2-3 triệu đồng cho việc mừng cưới. Đầu tắt mặt tối mà cũng không lo đủ tiền mừng, nhà nào có nghề phụ thêm thì đỡ, chứ nông dân thuần túy như chúng tôi chỉ còn cách xúc lúa bán dần.

Đây thực sự là một vấn đề nhức nhối, một gánh nặng không chỉ với gia đình tôi mà là của hầu hết bà con trong xã này nên rất cần có sự tác động từ các cấp các ngành có liên quan tới ý thức của người dân”.

Anh Long cho biết thêm: “Nhiều năm trước, xã cũng phát động phong trào xây dựng nếp sống mới trong cộng đồng dân cư, sau một thời gian phát động, người dân đã dần đi vào nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm trong tiệc cưới.

Tuy nhiên, lại có một số cán bộ, đảng viên cơ sở chưa gương mẫu, tổ chức đám cưới lình đình, rình rang kéo dài 3-4 ngày, tới cả 200-300 mâm. Cán bộ không nghiêm thì chúng tôi biết nghe theo ai, nên người dân lại theo tập quán cũ mà làm”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Dũng, Trưởng phòng Văn hóa –Thông tin huyện Nam Đàn cho biết: “ Huyện đã có đề án xây dựng nếp sống người Nam Đàn và quy chế về cưới hỏi cũng đã được quy định rõ ràng. Sau một thời gian phát động, phong trào đã được thực hiện tốt ở một số địa phương.

Ví dụ như ở xã Khánh Sơn, mỗi khi có đám cưới, ban Văn hóa xã, Đoàn Thanh niên đã cử cán bộ đến tận gia đình để tuyên truyền vận động, động viên, giải thích cho người dân hiểu; đồng thời khi các cặp đôi tiến hành thủ tục kết hôn xã cũng bắt buộc ký cam kết không được được tổ chức cưới hỏi linh đình không quá 30 mâm. Và hiện nay về cơ bản người dân đã từng bước thực hiện tốt quy chế mà xã đưa ra.

Tuy nhiên, ở một số địa phương khác của huyện, tình trạng tổ chức cưới hỏi linh đình, phô trương, xa hoa, lãng phí vẫn còn tồn tại. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ tăng cường giám sát việc thực hiện tại khu dân cư, đặc biệt sẽ xử lí nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm.

Chỉ khi cán bộ, đảng viên thực sự nêu cao tinh thần gương mẫu thì quần chúng nhân dân mới tự nguyện hưởng ứng làm theo một cách tích cực”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.