| Hotline: 0983.970.780

Đậm nghĩa tình Quảng Trị

Thứ Sáu 03/04/2015 , 06:10 (GMT+7)

Giải bóng chuyền nữ quốc tế - Cúp VTV Bình Điền, lần thứ IX, năm 2015 do Trung tâm Truyền hình VN tại TP.HCM, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, Liên đoàn Bóng chuyền VN và Cty CP Phân bón Bình Điền phối hợp tổ chức.

Giải quy tụ 5 đội bóng quốc tế, đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Kazakhstan, Malaysia, Triều Tiên và 4 đội bóng chuyền nữ hàng đầu của VN (Thông tin LVPBank, VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương VN, Cty Tiến Nông Thanh Hóa) vừa được tổ chức tại TP. Đông Hà, Quảng Trị.

Thành công kép

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Theo ông Chính, giải đấu đã mang tới cho người dân tỉnh nhà những bữa tiệc bóng chuyền nữ quốc tế đỉnh cao, trong đó có những trận tạo ra cảm xúc đến ngẹt thở cho người hâm mộ.

Giải đã thực sự trở thành một sự kiện văn hóa - thể thao lớn, diễn ra đúng vào những ngày hội kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tỉnh Quảng Trị đã chờ đợi sau 5 năm, mới được đăng cai tổ chức. Đây là dịp quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà với du khách và người hâm mộ bóng chuyền cả nước, nhất là các đội bóng quốc tế. Thành công kép chính là ở chỗ này.

Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền, đơn vị tài trợ và đồng tổ chức giải, nói: “Đưa giải đấu về Quảng Trị, mảnh đất một thời đầy máu lửa, rất đỗi kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước hơn 40 năm trước; miền cát trắng đầy nắng và gió đang còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong xây dựng, phát triển hiện nay, với những người dân hiền hòa, chân chất, luôn nở nụ cười lạc quan dù đang trong nghịch cảnh ngặt nghèo… là trách nhiệm, tình cảm, là sự tri ân của chúng ta với mảnh đất, con người một vùng giới tuyến anh hùng, mà lịch sử dân tộc sẽ mãi còn lưu dấu”.

Cái lạ, đầy háo hức với các vận động viên là được đi thăm viếng các địa danh lịch sử, như nghĩa trang Đường 9, địa đạo Vịnh Mốc, cột cờ và cầu Hiền Lương; được thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn, nơi hơn 40 năm trước diễn ra các cuộc chiến đấu khốc liệt giữa quân và dân Quảng Trị với quân Mỹ xâm lược.

Hàng trăm, hàng ngàn chiến sỹ quân giải phóng đã ngã xuống, nằm lại mãi mãi dưới lòng sông này.

Ông Kato, trưởng đoàn Nhật Bản rất thích thú và say sưa khám phá những địa danh lịch sử nơi đây. Đoàn vận động viên Triều Tiên tỏ ra hào hứng đặc biệt khi biết địa đạo Vịnh Mốc được quân, dân Quảng Trị đào đắp để chiến đấu chống Mỹ xâm lược.

Vận động viên Annaseni, nói: “Đảo quốc Fiji của tôi không có chiến tranh, tôi rất khâm phục người dân nơi đây đã sống, chiến đấu trong những căn hầm vừa thấp, vừa chật chội như thế này qua nhiều năm tháng, thậm chí cả những em bé đã được sinh ra và lớn lên ngay trong lòng địa đạo”.

Khẳng định một thương hiệu

Ông Lâm Văn Tư, GĐ Trung tâm Truyền hình VN tại TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức giải thở phào: “Do đã có kinh nghiệm, lại làm chặt chẽ, chu đáo, đồng bộ nên giải đấu diễn ra an toàn, nhất là cho các đội đến từ nước ngoài.

Các đội Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc… khi chia tay đều gửi gắm sự mong đợi được BTC mời sang thi đấu mùa giải sau, còn vận động viên thì lưu giữ được nhiều nhiều cung bậc tình cảm mà họ khó có thể tiếp nhận được ở bất kỳ một địa danh nào trên thế giới. Chiếc áo dài sẽ được họ cất giữ như một kỷ niệm đẹp về Việt Nam chúng ta”.

Đã khẳng định “một thương hiệu”, đó là phát biểu của ông Nguyễn Bá Nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN. “Nằm trong hệ thống thi đấu của liên đoàn nhưng là giải đấu xã hội hóa mạnh nhất, uy tín nhất. Giải giúp liên đoàn có phong trào, lại góp phần cho một số đội bóng trong nước có dịp tốt để giao lưu, cọ xát, chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia bởi chất lượng chuyên môn cao.

Và, giải đấu lần thứ X, cũng là dịp kỷ niệm 10 năm tổ chức giải, sẽ diễn ra tại tỉnh Ninh Bình. Ông Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình vinh dự nhận cờ đăng cai năm sau của BTC.

Liên đoàn rất trân trọng đóng góp của Cty Bình Điền, một đơn vị tài trợ và đồng tổ chức vừa tâm huyết, trách nhiệm, vừa có kinh nghiệm, đã tổ chức thành công 9 mùa giải", ông Nghị nói.

Nghĩa tình Quảng Trị

Người dân TP Đông Hà nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung còn nghèo, nhưng không ngại mua vé vào sân coi các trận đấu. Khán đài 2.500 chỗ ngồi của nhà thi đấu luôn chật cứng khán giả. Trận chung kết BTC phải xếp thêm ghế nhựa xuống lòng sân vẫn không đủ chỗ cho người xem.

Cụ Trương Thị Con, 92 tuổi ở đường Trần Đại Nghĩa, TP Đông Hà đi coi không sót một chiều nào. Cách nhà thi đấu 4 km, cứ ăn cơm trưa xong là cụ giục con cháu chở tới nhà thi đấu. Cụ coi say sưa, còn biết cả đội nào hay, cầu thủ nào đập banh giỏi.

Bà Hoàng Thị Kính, ở xã Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình mê bóng chuyền nữ lắm. Nhà xa, bà rủ 7 chị em thuê xe vượt hơn 60 km vào Đông Hà coi. Hỏi sao biết, bà bảo “ti vi chiếu rần rần, dưng mà coi ti vi không đã bằng coi trực tiếp thế này”.

Chúng tôi gặp cụ Lê Văn Thơ, 90 tuổi ở xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng lúc chuẩn bị vào coi trận chung kết, cụ cho biết: “Nhà cách đây 40 cây số, con cháu bận công chuyện hết, tui ra đường vẫy xe quá giang lên đây coi”.

Cụ xách theo một bịch mủ, trong có mấy củ khoai lang luộc và một hộp sữa tươi, nói là của bữa tối. “Vậy còn đoạn đường về nhà lúc khuya?”. “Lo chi chú, người ta đi lại hà rần ngoài đường, thiếu chi người cho ông già nầy quá giang”.

Nghe vậy, một thanh niên ngồi cạnh móc ví biếu cụ 50 ngàn đồng tiền xe, chặng về.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.