| Hotline: 0983.970.780

Đầm tôm làm nơi thí nghiệm!

Thứ Sáu 09/11/2012 , 14:42 (GMT+7)

Nạn tôm nuôi bị chết hàng loạt tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại tiền tỷ cho bà con nông dân.

Nạn tôm nuôi bị chết hàng loạt tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại tiền tỷ cho bà con nông dân. Trong khi các nhà nghiên cứu vẫn đang truy tìm nguyên nhân.

Sợ nước trong ao nuôi tôm

Tiếp xúc với nhiều nông dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu chào thua của bà con khi nói đến việc sử dụng loại chế phẩm sinh học nào an toàn cho con tôm. Bởi có sử dụng thì tôm vẫn lăn ra chết và ngược lại.

Đi dọc theo những cánh đồng tôm bạt ngàn ở các địa phương như TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải, Hồng Dân (Bạc Liêu) chúng tôi ghi nhận có rất nhiều đâm tôm đang trong giai đoạn “chờ thời”. Máy móc, ao nuôi bị bỏ hoang phế nằm phơi mưa phơi nắng. Còn ở đâu đó là hình ảnh của những người nông dân chân lấm tay bùn hì hục cải tạo lại vuông nuôi với hy vọng gỡ gạc trong vụ nuôi sắp tới.

Hỏi ông Dương Văn Tốt, ngụ xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân về chuyện tôm tép, ông Tốt nói như khóc: “Còn gì nữa mà hỏi chú ơi. Ở cái xứ này bây giờ thảm lắm, bao nhiêu tiền của đổ vào con tôm nhưng không thu hoạch được gì. Không nói đâu xa, chỉ tại ao nuôi của tui, tôm khi thả nuôi được 2 tháng thì chúng thi nhau nhảy lên mé ao chết ráo y như là sợ nước độc dưới ao vậy”.

Có chung cảnh ngộ với ông Tốt là ông Nguyễn Hoàng Đặng cũng muốn "chết" theo con tôm. “Hổng biết gì nguyên do nào mà tôm của tui cũng lủi đầu vào mé ao mà chết. Mấy năm rồi nuôi tôm nhưng tui chưa gặp hiện tượng này bao giờ. Dù 4,5 ha đầm tôm của gia đình được cải tạo rất kỹ”.


Nông dân bị loạn với men vi sinh

Trao đổi với chúng tôi về việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, cả ông Tốt, ông Đặng và nhiều bà con khác ở địa phương này cho biết, trước đây họ có sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong nuôi tôm mang lại hiệu quả rất cao.

“Khi đó đó rất ít các mặt hàng chế phẩm sinh học. Người nuôi tôm sử dụng các loại sản phẩm này để xử lý nguồn nước rất tốt cho con tôm phát triển. Còn bây giờ có quá nhiều loại nên nông dân chúng tôi lúng túng trong khi chọn lựa vì không biết loại nào là tốt”, ông Đặng ngán ngẩm.

Một thực tế cho thấy, hiện tại các loại chế phẩm sinh học hỗ trợ trong nuôi trồng thủy sản xuất hiện ngày càng nhiều. Để thu lại lợi nhuận thì các Cty SX mạnh ai nấy tung những chiêu để bán tháo bán chạy sản phẩm của mình. Còn có đem lại chất lượng hay gây thiệt hại thì họ không quan tâm. Thậm chí có một số sản phẩm khi bị ngành chức năng phát hiện gây hại thì đã nhanh chóng co chân bỏ chạy khỏi địa bàn hoạt động.

Nói về việc sử dụng nhiều loại chế phẩm sinh học để tìm ra loại có chất lượng, anh Bùi Minh Diễn, huyện Cái Nước (Cà Mau) e ngại: “Khi các nhân viên của một số Cty vào tận vùng nuôi chào hàng thì họ nói về sản phẩm của mình nghe rất êm tai. Các chiêu này đối với những người nuôi có kinh nghiệm lâu năm thì không ăn thua gì.

Chỉ tội cho những hộ mới bắt đầu nuôi tôm công nghiệp. Nghe quảng cáo trị đúng bệnh nên bà con thi nhau mua, nhưng đến khi sử dụng thì tôm vẫn chết. Đến khi có nhân viên khác xuống tiếp thị thì lại mua để sử dụng cái điệp khúc này cứ luẩn quẩn mãi, riết rồi giống như người nuôi chúng tôi lấy đầm tôm của mình ra làm nơi thí nghiệm cho các Cty SX Vật tư nông nghiệp thử thuốc của mình vậy”.

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi đã kiểm nghiệm được câu nói của anh Diễn là hoàn toàn đúng. Các Cty SX thuốc thú y thủy sản rởm đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nóng lòng muốn gỡ nợ của bà con để thu lợi. Nhiều mặt hàng và hàng hàng trăm nhân viên đi tận vào vùng sâu, vùng xa để giới thiệu sản phẩm là những gì đang diễn ra hiện nay.

Ngành chức năng đối mặt khó khăn

Việc người nuôi tôm sử dụng tràn lan các loại chế phẩm sinh học không đạt chất lượng khiến cho diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở các địa phương ngày càng tăng lên. Tại Cà Mau tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 800 ha nuôi tôm bị thiệt hại. Còn diện tích thiệt hại tại tỉnh Bạc Liêu đã đạt đến con số khá lớn, hơn 5.000 ha.

Nhìn nhận về việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm có lợi hay có hại, ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau khẳng định: “Nếu như người nuôi sử dụng đúng các loại chế phẩm sinh học có chất lượng tốt thì sẽ đem lại hiệu quả cao. Còn như gặp phải các mặt hàng kém chất lượng thì coi như mất trắng”.

Theo ông Bằng, nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi bị chết cũng là do bà con sử dụng các hóa chất, thức ăn có chứa chất cấm. Hiện nay các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu xem đến việc có hay không mầm móng gây chết tôm từ các loại chế phẩm sinh học. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn đang là dấu chấm hỏi.

Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, khẳng định: Không thể kiểm soát nổi các sản phẩm chế phẩm sinh học rởm đang gây hại cho bà con nông dân. Từ đầu năm đến nay, thanh tra đã phát hiện hàng loạt các sản phẩm như men vi sinh, thuốc BVTV… không có chất lượng được chào bán trên địa bàn, nhưng không thể xử lý được.

Nguyên nhân chính là do khi “bị động” là các Cty này “biến” ngay. Dù ngành chức năng có thông báo, thậm chí yêu cầu lãnh đạo Cty xuống làm việc nhưng họ không thực hiện. Đó là chưa nói đến những Cty ma ngày càng xuất hiện nhiều với những sản phẩm cực kỳ độc hại.

“Việc các Cty SX ồ ạt giới thiệu sản phẩm kém hay không có chất lượng đến người tiêu dùng đã gây khó khăn rất lớn cho công tác kiểm tra của ngành chức năng. SX theo kiểu mạnh ai nấy làm, mà sản phẩm có chất lượng thì hiếm, còn sản phẩm rởm thì tràn lan”, ông Bằng nhấn mạnh.

Còn ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu thì cho rằng: “Nếu khẳng định sử dụng chế phẩm sinh học gây chết tôm thì chưa chính xác. Bởi từ trước đến giờ ngành chức năng luôn khuyến khích người nuôi sử dụng chế phẩm sinh học thay cho các loại thuốc hóa chất. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều Cty cho ra đời nhiều mặt hàng nguy hại, nên khi người nuôi sử dụng các loại chế phẩm này sẽ gây hậu quả khôn lường.

Cũng như ông Bằng, ông Giang cũng khẳng định ngành chức năng địa phương này cũng luôn đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc kiểm tra, phát hiện các mặc hàng VTNN không có chất lượng. Trước tình hình trên, Chi cục NTTS Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo bà con thận trọng nhiều hơn trong việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học để tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Việc SXKD thuốc thú y thủy sản tràn lan không đảm bảo chất lượng đang trở thành vấn đề nhức nhối. Các loại thuốc chưa được kiểm nghiệm dường như vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Và hầu như không có địa phương nào thống kê được có bao nhiêu sản phẩm rởm đang có mặt trên địa bàn của mình. Hơn ai hết nông dân là những người chịu thiệt thòi khi “vớ” phải những mặc hàng dỏm này.

 

 

TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II: Hết sức chú ý trong việc sử dụng chế phẩm vi sinh

Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc thuốc BVTV nhóm cúc tổng hợp. Hết sức chú ý trong việc sử dụng chế phẩm vi sinh. Cần sử dụng đúng cách và chọn sản phẩm có uy tín, chất lượng. Khuyến khích sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng của vật nuôi, hạn chế đến mức thấp việc dùng kháng sinh. Hết sức chú ý đến các biện pháp an toàn sinh học trong ao, hộ nuôi, trang trại và vùng nuôi. Hết sức chú ý đến việc đánh giá mật độ vi khuẩn nhất là nhóm vibrio trong ao nuôi.

THANH PHONG

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất