| Hotline: 0983.970.780

Đâm trâu... chữa bệnh

Thứ Sáu 24/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ổ dịch bạch hầu xảy ra ở các thôn 8A và 8B xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) khiến 6 người chết, 10 người bị nhiễm bệnh. Ngay khi phát hiện lực lượng y tế đưa bệnh nhân đi chữa trị thì người dân trong làng dọa sẽ chém chết nếu dám đưa bệnh nhân đi chữa trị./ Bệnh quái ác giết nhiều người

Họ nói: Nếu ai vào nhà đưa con tôi đi thì người đó bị chém chết. Con tôi ốm đau thì đâm trâu, cúng bái sẽ lành bệnh, không cần tiêm, uống thuốc.

"Đưa con mình đi mình chém chết"

Hỏi chuyện về nguyên nhân xuất hiện bạch hầu ở thôn 8A, 8B cướp đi nhiều mạng sống, Chủ tịch xã Phước Lộc Nguyễn Đức Toàn kể nhiều câu chuyện đau lòng đang ăn sâu trong đời sống của người dân nơi đây.

Theo ông Toàn, bà con dân tộc Bh’noong có phong tục ngàn đời nay, ai trong gia đình mắc bệnh, họ không đến trạm xá chữa trị. Theo luật tục, bà con kêu thầy cúng về và mua sắm lễ vật gồm: Một con trâu, rượu, nhiều lợn, gà… đưa ra nhà cộng đồng cúng bái. Họ cho rằng người bị mắc bệnh là do con ma bắt, phải nhờ thầy cúng đuổi ma.

Tôi hỏi tiếp: Sao không tuyên truyền cho bà con nhận thức rõ vấn đề? Ông Toàn buồn bã: Xã đã dùng nhiều cách để bà con hiểu và bỏ hủ tục, nhưng nó đã ăn sâu vào đời sống của người dân nên khó thực hiện. Cán bộ xã đến tận nhà trình bày, lý giải nhưng họ chống đối quyết liệt. Thậm chí, có gia đình khi thấy cán bộ xã vào nhà liền mang con cái lên nương chạy trốn.

00-41-23_nh-1
Ngôi làng thôn 8B vừa ổn định gần 1 năm thì nay có nhiều cái chết xảy ra

Ông Toàn kể: Ngày 7/7, khi chị Hồ Thị Nảy chết thì có thêm 13 người mắc bệnh, cán bộ y tế cùng lãnh đạo huyện lên phương án đưa họ xuống Trung tâm Y tế huyện để điều trị. Khi nghe vậy, người dân phản ứng dữ dội, họ nhất quyết không đi. Vận động không thành xã ra lệnh cưỡng chế, huy động dân quân, công an đến từng nhà bồng lên xe chở lên huyện điều trị.

Chúng tôi đề đạt nguyện vọng muốn được vào thôn 8A và 8B tìm hiểu thực hư câu chuyện. Ông Toàn nói ngay: “Để tôi bảo công an và dân quân xã dẫn đường, cán bộ xã nhiều lúc còn bị hù dọa, huống hồ các anh từ nơi khác đến”.

Theo xe công an, dân quân xã, chúng tôi đi mất 30 phút xe máy vào thôn 8A và 8B. Hai thôn này nằm gần nhau, một khung cảnh u buồn bao phủ nơi đây. Xung quanh thôn, hóa chất rải đầy khắp nơi, những ngôi nhà cài then đóng cửa, thấy người lạ đến họ mở cửa sổ thò đầu ra nhìn.

Tôi quyết định gõ cửa nhà anh Hồ Văn Thiên, chưa mở lời được câu gì, anh đã lên tiếng: “Mình không cho con đi xuống bệnh viện, cán bộ mà đưa con mình đi thì mình chém chết liền. Đi đi, con mình không cần thuốc, không cần tiêm, con mình sẽ lành bệnh vì đã đâm trâu rồi”.

Chúng tôi nói: Không đưa con anh đi đâu cả, cho tôi đứng ngoài cửa hỏi chuyện được không? Nghe vậy, Thiên gật đầu.

Thiên kể, vào ngày 10/7 đứa con gái của anh là Hồ Thị Đảnh (SN 2012) bị đau ở cổ. Đảnh bỏ ăn, nằm một chỗ khóc suốt ngày. Theo luật tục của Bh’noong thì Đảnh bị con ma bắt, gia đình phải tổ chức đâm trâu đuổi ma.

00-41-23_nh-3
Bé Đảnh mắc bệnh bạch hầu nhưng không được đưa tới bệnh viện

Thiên vay mượn mua một con trâu 21 triệu đồng, cùng 5 can rượu (loại 20 lít) và nhiều lợn, gà mời thầy cúng về tổ chức đâm trâu tại nhà cộng đồng của thôn. Khi con trâu đâm xong thì xẻ thịt và mời mọi người uống rượu để mừng con ma đã ra khỏi người Đảnh. Tổng chi phí gần 30 triệu đồng.

Cũng theo luật tục người Bh’noong, gia đình Thiên phải thực hiện một điều kiện, đó là căn nhà của mình “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong vòng 10 ngày.

Chị Hồ Thị Mái, vợ Thiên đang bế bé Đảnh bú sữa, đứa bé 3 tuổi, sau những ngày không ăn được cơm cháo, da xanh xao, cổ sưng một cục u đỏ lòm.

“Đảnh được thầy cúng rồi, ít ngày nữa là khỏe, lúc đó nó chạy nhảy thôi. Giờ nó không ăn thì mình cho uống sữa. Từ ngày nó bị đau mỗi ngày cán bộ mang đến cho 1 thùng sữa, cứ hết thì gọi điện cán bộ lại đem qua”, chị Mái khoe.

Tôi hỏi: Không phải con ma bắt đâu mà bị bệnh bạch hầu, chị đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ điều trị. Chị Mái cười: “Ồ câu ni quen lắm, ngày nào cán bộ chẳng vào đây nói rứa. Nhưng mình không tin vào tiêm, uống thuốc. Mình đã đâm trâu rồi, nó sắp lành bệnh thôi. Có phải bây giờ Đảnh bị bệnh đâu, mấy đứa trước ốm đau đều đâm trâu hết”.

00-41-23_nh-4
Những sừng trâu mà người dân thôn 8B vừa đâm treo ở nhà cộng đồng thôn

Mới đây, 6 người dân thôn 8A và 8B mắc bệnh bạch hầu được chính quyền xã Phước Lộc cưỡng chế đưa xuống Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn chữa trị. Sau 7 ngày, 6 bệnh đã hồi phục dần, mọi người không còn đau ở cổ, ăn uống bình thường. 
Thấy vậy, 6 người đồng loạt trốn viện bỏ về. Hết cách giữ chân họ ở lại tiếp tục điều trị, Trung tâm buộc phải dùng xe cứu thương chở về địa phương và tiếp tục cho uống thuốc, theo dõi.

Vợ nói xong thì Thiên đuổi ngay: “Thôi cán bộ đi đi, mình không cho Đảnh đi bệnh viện chữa trị đâu. Cán bộ đi nhanh, nhà mình đang kiêng không cho đứng lâu”.

Cạnh nhà Thiên, ông Hồ Văn Vói đang ngồi bần thần trước hiên nhà, ông có đứa con gái Hồ Thị Cái (8 tuổi) bị bạch hầu. Để chữa bệnh cho con, ông cũng như Thiên tổ chức đâm trâu tại nhà cộng đồng.

“Mình cúng Giàng một con trâu thì Cái sẽ khỏe mạnh thôi. Các bác sĩ cấp thuốc nhưng mình không cho uống, Giàng đã nhận con trâu rồi mà”, ông Vói cho biết.

Bỏ làng

Không chỉ lần này, nhiều cái chết oan ức đã xảy ra tại thôn 8B xã Phước Lộc. Cách đây mấy năm, trong thời gian ngắn tại ngôi làng này có 7 người chết tức tưởi. Người dân cho rằng, đấy là những cái chết xấu, con ma vào làng bắt người. Do đó vào tháng 6/2014, 16 hộ dân tháo dỡ nhà cửa, đập phá đồ đạc bắt đầu bỏ làng vào rừng sống phân tán, do sợ ma bắt.

Khi sự việc được phát hiện, để trấn an, ổn định tư tưởng cũng như vận động người dân quay về nơi ở cũ, chính quyền xã Phước Lộc đã cắt cử nhiều cán bộ lặn lội vào tận rừng sâu để thuyết phục từng hộ gia đình, song đều thất bại. Người dân cho rằng đó vùng đất xấu, nếu trở về thì con ma sẽ bắt người. Muốn người dân quay về, Nhà nước phải làm mặt bằng và hỗ trợ tiền của dựng nhà thì họ mới quay về.

00-41-23_nh-5
Những vụ đâm trâu chữa bệnh còn sót lại trước nhà cộng đồng

Đáp ứng yêu cầu của bà con, chính quyền huyện Phước Sơn bỏ ra 600 triệu đồng san ủi mặt bằng cho 16 hộ dân có nơi ở mới, đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình 16 triệu đồng dựng nhà. Tuy nhiên, cuộc sống mới ổn định được gần 1 năm nay, hiện trước nhiều cái chết vì bệnh bạch hầu gây ra, chính quyền huyện Phước Sơn cũng xã như Phước Lộc đang lo lắng, người dân thôn 8B tiếp tục bỏ làng ra đi.

00-41-23_nh-6
Bữa cơm của người dân thôn 8B chỉ có măng rừng

Tiên đoán sự việc, xã Phước Lộc đang ngày đêm tuyên truyền cho bà con, những cái chết vừa qua là dịch bệnh, đừng tin vào ma quỷ. Mong rằng, người dân thôn 8B lắng nghe ý kiến của chính quyền, không tin vào cúng bái mà dỡ nhà, đập phá đồ đạc bỏ làng ra đi một lần nữa.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.