| Hotline: 0983.970.780

Dân bán tháo heo bệnh!

Thứ Năm 22/07/2010 , 10:01 (GMT+7)

Trước khi thú y Bình Dương phát hiện heo “tai xanh” tại xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên, Bình Dương), nhiều hộ chăn nuôi tại đây đã bán “chạy” heo bệnh...

Heo “tai xanh” tại Bình Dương bị bán “chạy” sẽ khiến TPHCM phải cảnh giác cao độ

Trước khi thú y Bình Dương phát hiện heo “tai xanh” tại xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên, Bình Dương), nhiều hộ chăn nuôi tại đây đã bán “chạy” heo bệnh khiến các vùng lân cận như TX Thủ Dầu Một và TPHCM bị đặt vào tình thế báo động.

Tính đến ngày 20/7, tại xã Tân Vĩnh Hiệp đã có 2 ấp xuất hiện dịch với tổng số heo mắc và nghi mắc bệnh “tai xanh” là trên 180 con. Theo ông Phan Trung Tới – cán bộ phụ trách thú y xã Tân Vĩnh Hiệp, dịch heo “tai xanh” chính thức được phát hiện vào ngày 14/7 khi 2 mẫu xét nghiệm tại đàn heo của hộ bà Phan Thị Gấu (72 con heo giống và 6 heo nái, ấp Tân An) cho kết quả dương tính với bệnh “tai xanh”. Và chỉ vài ngày sau, dịch đã xuất hiện thêm tại 5 hộ chăn nuôi khác tại ấp Vĩnh An với trên 100 con mắc bệnh.

Điều nguy hiểm nhất, khi PV NNVN dò hỏi, nhiều hộ đã “khai” ra chuyện bán tống bán tháo đàn heo bệnh để gỡ gạc tiền vốn. Tại hộ của bà Phan Thị Gấu, đến chiều ngày 20/7 chỉ còn 54 con heo giống trong chuồng. Theo bà Gấu, ngay khi thấy 6 con heo nái có dấu hiệu bệnh, bỏ ăn, sốt, đờ đẫn, tai chuyển màu xanh bà đã kêu lái (tên Tý, ngụ thị trấn Tân Phước Khánh) đến để bán gấp 6 heo nái vì sợ heo chết. Khi được hỏi làm thế sẽ gieo rắc bệnh “tai xanh” đi khắp nơi, bà Gấu khẳng định rằng, bà chẳng biết bệnh “tai xanh” là gì. “Tôi chỉ nghĩ heo ốm sốt, cho uống thuốc không thấy hiệu quả nên tranh thủ bán để gỡ vốn thôi, đâu biết lại gây chuyện lớn thế”. Riêng đàn heo giống sau 6 ngày phát hiện bệnh, tổng cộng đã có 18 con lăn đùng ra chết và được bà Gấu đào hố, rắc vôi chôn sau vườn nhà.

Tương tự, tại hộ ông Lê Văn Bảo (ấp Vĩnh An), ngay khi thấy đàn heo thịt 17 con trong chuồng (từ 30 – 50 kg/con) có dấu hiệu bệnh tai xanh, lập tức ông gọi lái đến bán đứt luôn cả đàn với giá chỉ trên 10 triệu đồng. Ông Bảo biện bạch: “Ngay khi heo ốm sốt, tôi đã nghi bị bệnh “tai xanh” rồi. Nhưng cậu biết đấy, tài sản của cả gia đình chỉ có đàn heo, nếu chết là trắng tay nên mới quyết bán được được đồng nào hay đồng nấy”. Hiện trong chuồng nhà ông Bảo còn 4 heo nái và 13 con heo giống cũng có dấu hiệu đặc trưng của bệnh tai xanh. Do heo nái bị bệnh, mất sữa nên đàn heo giống được cho uống…sữa tươi Vinamilk, đồng thời ông Bảo còn tự mua thuốc thú y về chữa trị.

Dịch “tai xanh” đã xảy ra trên đàn heo ở  phường 5, TP Tân An, tỉnh Long An. Số heo mắc bệnh là 210 con trong tổng đàn 447 con. Như vậy, 2 tỉnh cửa ngõ của TPHCM là Bình Dương và Long An đã có dịch heo “tai xanh” chực chờ “tấn công” vào vùng dân cư lớn nhất cả nước.
Về nguồn lây bệnh “tai xanh”, theo bà Phan Thị Gấu, do nhà bà có dịch vụ xe tải chuyên chở thuê heo giết mổ cho các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Thủ Dầu Một…nên rất có thể mầm mống bệnh “tai xanh” theo các chuyến xe này về gieo họa. “Ngoài ra, do đàn heo nái 6 con của tôi tốt nên nhiều hộ chăn nuôi đem heo đến cấy tinh và có thể bệnh “tai xanh” lây lan từ đây” – bà Gấu nói. Tương tự, các hộ chăn nuôi Lê Văn Bảo, Võ Thị Kim Thu, Lê Việt Hùng (ấp Vĩnh An) đều có heo nái làm dịch vụ cấy tinh, đồng thời trong quá trình mua bán heo thường không thực hiện phun xịt khử trùng các phương tiện ra vào nên rất dễ bị dịch bệnh tấn công.

Trước cơn bão heo “tai xanh” lây lan mạnh, UBND xã Tân Vĩnh Hiệp đã triển khai kế hoạch tổng vệ sinh tiêu độc, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đột xuất trong tháng 7 (từ ngày 15 – 30/7/2010). Theo ông Lê Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Vĩnh Hiệp, xã đang tổ chức phát quang cây cối xung quanh chuồng trại, tiêu huỷ gia súc chết tại chỗ, thực hiện tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi ngày 1 lần. Các trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn và các trại chăn nuôi gia công CP, trại gia cầm trên 2.000 con phải tự tổ chức tiêu độc, sát trùng định kỳ 3 lần/tuần (khi chưa có bệnh). Riêng các hộ chăn nuôi gia đình quy mô dưới 2.000 con, hộ dân vùng dịch cũ, đường làng, ngõ xóm sẽ được các đội phun xịt hoá chất khử trùng từng ấp thực hiện đến hết chiến dịch.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm