| Hotline: 0983.970.780

Dân bị bần cùng hóa, đất đai thoái hóa chỉ vì đua nhau ngô hóa vùng đồi

Thứ Sáu 16/09/2016 , 08:59 (GMT+7)

Giống như Phiêng Pằn, Chiềng Lương cũng là một trong những trọng điểm về tình trạng gán đất của huyện Mai Sơn (Sơn La) dù thống kê sổ sách giấy tờ chỉ có 65 hộ. Có những hộ không chỉ gán đất mà còn phải gán cả nhà như Quàng Văn Cương, Lường Văn Tỏi ở bản Mờn.

Nắng tháng 9 ánh lên trên những nương ngô trải dài tít tắp tận chân trời một màu xanh hanh vàng ngà ngọc. Dưới màu xanh ấy là những bản làng, những số phận lắt lay.

 

Xiết nợ cả nhà

Giống như Phiêng Pằn, Chiềng Lương cũng là một trong những trọng điểm về tình trạng gán đất của huyện Mai Sơn (Sơn La) dù thống kê sổ sách giấy tờ chỉ có 65 hộ. Có những hộ không chỉ gán đất mà còn phải gán cả nhà như Quàng Văn Cương, Lường Văn Tỏi ở bản Mờn.

Ông Cương trước đây vay nặng lãi của đại lý đầu tư ngô để cuối cùng mắc nợ 50 triệu lại còn thêm món nợ ngân hàng 60 triệu đeo bám nữa. Gán đất nương, gán nợ bò, phát mãi đất ở nhưng không đủ cuối cùng người ta mang cả cái xác nhà sàn của ông ra định giá 20 triệu trong một cuộc thanh lý. Người em vợ đứng lên mua rồi thương tình cho ông ở nhờ nhưng số nợ đại lý 40 triệu không biết bao giờ có thể tháo ra được khỏi cổ?

Vợ bị bệnh tiểu đường, bản thân ông Cương rồi con trai, con gái đều mắc chứng rối loạn thần kinh nhưng vẫn phải cố đứng ra để chèo lái. Vợ ông dạo này ốm suốt, cạn tiền chạy chữa nên đành nằm nhà. Hôm tôi đến, bà chỉ biết mỗi ăn, ngủ rồi khóc suốt ngày vì gần như đã mất trí.

18-58-13_dsc_5547
Nhiều người vì vay nặng lãi mà phải mất cả nhà

 

Mới đây ngân hàng phát tiền cho ông Cương vay để sản xuất, chẳng biết có tin “tay trong” thế nào mà đã thấy ông đại lý đứng ngay ở cửa ngân hàng để đón nợ.

 

Nợ bò vào bản

Đường bò vào đến đâu là chủ đầu tư mò vào, là nợ nần bủa vây theo đến đấy. Bản Mông Lụng Sàng giữa lưng chừng trời đất Chiềng Lương cũng không thoát khỏi quy luật đó.

Bữa ăn thường có trong những ngày này của dân bản chỉ có cơm trắng, măng luộc, hoa chuối rừng với một bát muối ớt. Lưỡi tê dại đi vì cảm giác đau đớn, mồ hôi toát khắp người, máu dồn lên mặt, trí não phấn chấn là công dụng của món ăn cay xè này.

Gia đình ông Thào A Vàng - một hộ gán đất của bản - đông tới 10 người, cả lớn lẫn nhỏ chen chúc trong căn nhà chật chội lúc nào cũng âm u, nhờ nhờ tối. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoài đống quần áo cũ vắt trên sào, cái xe máy nát để ngoài hiên. 10 miệng ăn của gia đình giờ chỉ trông vào một diện tích đất khiêm tốn đủ để gieo 10 kg ngô giống, 20 kg lúa giống nên đói 8-9 tháng trong năm.

Mấy người con trai ông thỉnh thoảng xuống thị trấn làm thuê (cũng rất ít khi có việc) có tiền mới mua được một bữa tươi. Thường thì một hai tháng họ mới biết đến mùi thịt. Hôm tôi đến cả nhà đang quây quần ăn cơm với muối ớt. Chảo thịt mỡ bèo nhèo trị giá 20.000đ bỏ lăn lóc nơi xó bếp không ai thèm động đến. Hỏi ra mới biết thằng con mua nhầm phải mỡ và bì lợn sề già và dai đến mức không thể nhai được, người dưới xuôi không ai ăn nên đem bán cho người vùng cao.

Cháu nội ông Vàng sinh non, nó nhỏ chỉ tựa một con mèo, liên mồm cất những tiếng khóc khào khào không rõ. Mẹ nó sinh mổ, phải vay nóng thêm 5,5 triệu đồng cộng vào khoản vay 30 triệu của chủ đầu tư nữa là nợ chồng nợ. Khéo còn tí đất cũng phải gán nốt.

Mẹ của trưởng bản Sự, bà Sồng Thị Mỵ phải gán diện tích đất gieo được 15 kg ngô còn anh trai của trưởng bản cũng phải gán diện tích đất gieo được 40 kg ngô cho chủ đầu tư. Trưởng bản Sự bảo: Từ tháng 5 đến tháng 9 khi ngô chưa thu hoạch được, dân bản bí tiền mua gạo muốn vay của chủ đầu tư nhưng họ không cho mà bắt phải cắm ngô non nên rất thiệt. Nếu giá ngô bên ngoài là 4.000đ/kg thì cắm ngô non chỉ được trả 2.000-2.500đ/kg. Ai không muốn bán ngô non thì phải vay chúc giá tức vay 1 triệu trả thành 1,5 triệu trong vòng 2-3 tháng.

Trước 2/9 - Tết độc lập của người Mông là thời điểm dân bản cần tiền để mua sắm, vui chơi nên lắm hộ có nguy cơ phải gán đất tiếp cho các chủ đầu tư. Người buôn ngô giống, người buôn ngô thương phẩm, người buôn vật tư, thuốc BVTV, người vận tải ngô đều giàu có, lắm người xây biệt thự, sắm xe Lexus. Chỉ mỗi nông dân trồng ngô là bị bần cùng hóa, đó là thực tế khó chối bỏ tại nhiều vùng ở Sơn La.

Không chỉ thiệt thòi về kinh tế, trồng ngô không khoa học, trồng ngô kiểu tận diệt còn làm cho cả một vùng đất màu mỡ đang đứng trước nguy cơ bị đầu độc. Trên những bản vùng cao trước đây ở giữa nền và vách nhà người ta thường dựng một hàng rào những chai bia để ngăn gia súc, gia cầm vào đồng thời để thông gió.

18-58-13_dsc_5557
Gia cảnh của một hộ bị gán đất

 

Kể từ hồi biết trồng ngô, nhiều nhà đã dựng cả trăm chai thuốc trừ sâu sau khi sử dụng thay thế cho chai bia. Giờ lại có thêm nạn dùng thuốc trừ cỏ vô tội vạ.

Trước đây dân Mông, dân Thái, dân Xinh Mun còn làm cỏ bằng tay giờ hầu như đều trừ cỏ bằng chất độc. Mỗi ha ngô dùng khoảng 20 chai thuốc, chia thành hai đợt, một lần dùng trước khi tra ngô, một lần dùng sau khi tra ngô. Tổng số tiền chi phí khoảng 1,2 triệu đồng không đáng lo bằng sự đầu độc môi trường một cách ngấm ngầm, ít người biết.

Vì ngô “bò” lên tận đỉnh đồi nên không ai đeo bình thuốc lên đấy mà phun được nên dân thường đào những cái hố lớn, trải bạt lót đáy để hứng nước mưa. Từ những chiếc bể tạm ấy nước được hút vào các máy bơm công nghiệp rồi phun. Dưới áp lực của chiếc bình nén khí, thuốc độc từ đầu vòi túa ra như một cơn mưa nhỏ. Nông dân-những người chân đất, đầu trần, không hề có quần áo bảo hộ “tắm” trong cơn mưa đó để đem về những mùa màng bội thu cho các đại lý.

Trưởng bản Sự bảo giờ người ta quen dùng thuốc rồi, rất khó bỏ. Nếu như trồng 1 ha ngô trước đây vợ chồng anh phải làm cỏ hai lượt bằng tay mất 40 ngày công giờ phun thuốc chỉ mất có 2 ngày. Lợi ích ấy ai mà chẳng thích?

Thế nhưng cũng chính thuốc trừ cỏ ngấm xuống đất, ngấm xuống suối nơi con người, gia súc, gia cầm hứng uống. Nhà ông Thào A Sà vụ ngô trước chết mất 2 con dê vì ăn nhầm vào thuốc trừ cỏ dạng cháy nhanh. Cái chết đến ngay trong tắp lự khiến cho những con vật xấu số sùi bọt mép trắng như hóa dại, mắt lộn ngược thao láo như mắt ma.

Hai con dê được lôi sềnh sệch về nhà, mổ bỏ nội tạng rồi dân làng kéo nhau đến lấy mỗi người một ít về ăn với giá 90.000đ/kg gọi là để phụ giúp cho gia đình bị nạn.

Tôi không thể quên được đôi bàn chân tróc lở lộ từng đám thịt chết khô đen xì của trưởng bản Nà Nhụng Lò Văn Thu hay gương mặt Thào A Thái ở bản Lụng Sàng tím bầm, phồng to như một cái thớt nghiến vì dính phải thuốc trừ cỏ khi phun. Đến ngay cả con ong hút mật quanh đồi ngô cũng chết dúi chết dụi khi hút nhầm phải thuốc độc nữa là con người?

Tối nay nhà văn hóa Lụng Sàng có tiết mục tập múa. Nhạc bừng lên rộn ràng. Nhạc xuyên qua từng mái bờ lô nghèo lay động cả bản làng. Nhạc khiến cho những cô gái Mông lắc hông, lắc vai không biết mệt từ chập tối đến tận 11 giờ khuya và sáng ra bảnh mắt lại quây quần múa tiếp. Tất cả ảo diệu như những cánh bướm vần vũ giữa trời thu.

Bay bổng cùng điệu nhạc tân kỳ là một đôi chân trần đen xạm hay một đôi dép lê sứt quai. Niềm vui tạm thời khiến cho các cô gái trong chốc lát quên đi đói nghèo, nợ nần đang bủa vây họ, bủa vây xóm làng như những tấm mạng nhện khổng lồ của một loài nhện độc.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm