| Hotline: 0983.970.780

Dân bỏ ruộng vì nước thải nhà máy

Thứ Ba 24/06/2014 , 10:07 (GMT+7)

Dăm lần bảy lượt vác đơn đi kiến nghị nhưng đáp lại cũng chỉ là những lời hứa hẹn khiến niềm tin của bà con nông dân dần cạn kiệt. 

* Nước thải NM May Nam Đàn - Hanosimex xả thẳng vào ruộng dân!

Nhà máy may Nam Đàn – Hanosimex nằm trong Cụm công nghiệp (CCN) Nam Giang (Nam Đàn, Nghệ An), đến tháng 5/2013 thì chính thức đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực đó thì cũng đã xuất hiện không ít bất cập, gây bức xúc nhất chính là tình trạng xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra ruộng đồng.

Đẩy dân vào thế khó

Có mặt tại hiện trường, không khó để nhận ra dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc đang chảy lênh láng ra những thửa ruộng bỏ hoang. Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở xóm 1, 2, xã Nam Giang thì tình trạng trên đã xảy ra từ lâu nhưng chẳng hiểu vì sao việc giải quyết vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể (!?).

Trồng cấy chi phí tốn kém, công cán vất vả, năng suất thấp hiệu quả không cao, đã thế chân tay lại lở loét, ngứa ngáy rất khó chịu do thường xuyên phải tiếp xúc với nước bẩn nên dần dà bà con chán ngán rồi bỏ ruộng. Để sớm thoát khỏi tình cảnh hiện tại, các hộ đã rất nhiều lần phản ánh, đưa ra kiến nghị ở những cuộc họp cử tri, yêu cầu chính quyền, cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc.

Trao đổi với PV, nông dân Lê Văn Tiến cho hay: “Nhà tôi có hơn 2 sào ruộng, trước đây mỗi năm cho thu nhập trên dưới chục triệu đồng. Nhưng bây giờ gieo trồng vụ nào mất vụ đó, nếu có thì cũng chẳng đáng là bao. Kêu nhiều rồi, nghe hứa hẹn cũng nhiều rồi nhưng thực chất khó khăn vẫn đang chồng chất khó khăn, chẳng biết đến lúc nào nỗi khổ của chúng tôi mới được hiểu thấu”.

Tương tự như vậy là hộ anh Phan Trọng Minh, vụ xuân 2013 gia đình anh mất trắng trên diện tích 900 m2. “Lượng nước thải của Nhà máy may Nam Đàn - Hanosimex đổ ra quá lớn nên lúa không thể phát triển được, vụ đông xuân trước nhà tôi thiệt hại khoảng 5 triệu đồng. Tình trạng ô nhiễm trên không sớm được xử lý thì người nông dân còn khổ dài”.

Ngoài gia đình ông Tiến, anh Minh, còn có 8 hộ khác sống trên địa bàn xóm 1, 2, xã Nam Giang lâm tình cảnh tương tự.

Tôi mang theo khúc mắc trên đến gặp ông Trần Hữu Vạn, Chủ tịch UBND xã Nam Giang thì được biết: Do hệ thống mương dẫn nước thải và khu xử lý nước thải tập trung đang trong quá trình xây dựng nên Nhà máy may Nam Đàn - Hanosimex đã cho nước thải chảy trực tiếp vào ruộng của dân. Kiểm tra thực tế thấy cây lúa phát triển khác so với những thửa không bị ảnh hưởng, năng suất thấp hơn nhiều. Địa phương đã có văn bản gửi lên UBND huyện đề xuất có chính sách hỗ trợ, không để quyền lợi của người dân bị thiệt thòi.

Xã Nam Giang đã thành lập đoàn nghiệm thu, đánh giá mức độ thiệt hại gửi lên huyện xem xét, đánh giá. Kết quả có 4 gia đình có ruộng bị ảnh hưởng 100%, bao gồm hộ anh Nguyễn Ngọc Đô (1.000 m2), Trần Hữu Hùng (1.374m2), Lê Văn Phúc (890 m2) và chị Phan Thị Phương (806m2), nhiều hộ được cam đoan hỗ trợ kinh phí đền bù nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ trên giấy tờ…

Đùn đẩy trách nhiệm

Dăm lần bảy lượt vác đơn đi kiến nghị nhưng đáp lại cũng chỉ là những lời hứa hẹn khiến niềm tin của bà con nông dân dần cạn kiệt. Khi nhà máy lẫn chính quyền đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì rất khó có phương án giảm thiểu ô nhiễm.

Ông Lê Khánh Hòa, PCT UBND huyện Nam Đàn khẳng định, phản ánh của bà con nông dân xã Nam Giang về tình trạng nhà máy xả nước thải sinh hoạt trực tiếp vào ruộng gây ảnh hưởng đến năng suất là chính xác, trách nhiệm đó thuộc về phía Nhà máy may Nam Đàn - Hanosimex. “Thời gian qua chúng tôi nhận được khá nhiều đơn thư phản ánh xung quanh vấn đề này”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, để giải quyết triệt để tình trạng trên, huyện Nam Đàn đã có văn bản yêu cầu Nhà máy may Nam Đàn - Hanosimex thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4195/QĐ-UBND.ĐC ngày 11/10/2011.

Theo đó, phía nhà máy cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo đạt quy chuẩn. Bên cạnh đó, phải khẩn trương lắp đặt đường ống để đấu nối nước thải sau xử lý vào hệ thống của CCN Nam Giang trước ngày 30/6/2014. Về phía dân, những hộ có ruộng bị ảnh hưởng thì huyện khuyến khích không làm nữa và sẽ sớm bồi thường để thu hồi dứt điểm.

Giám đốc Nhà máy may Nam Đàn - Hanosimex, ông Trần Tiến Dũng thừa nhận, việc toàn bộ lượng nước sinh hoạt của hơn 700 công nhân xả ra diện tích ruộng trước mặt nhà máy là có nhưng quyền hạn và trách nhiệm phải thuộc về UBND huyện Nam Đàn, nơi đã thu hút các đơn vị đổ tiền của về đầu tư.

Ông Dũng cho rằng, theo quy định, các KCN phải đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải trước khi các nhà máy về sản xuất, nhưng do huyện thiếu kinh phí nên hệ thống này của KCN Nam Giang chưa hoàn thành nên chưa thể đấu nối, cực chẳng đã mới phải xả vào ruộng của dân.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất