| Hotline: 0983.970.780

Dân bỏ ruộng vì ô nhiễm nước thải

Thứ Năm 08/05/2014 , 07:06 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân, hàng chục ha lúa ở thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp (Núi Thành, Quảng Nam) đang bị nước thải, khói bụi khu công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai đầu độc.

Hàng trăm hộ dân, hàng chục ha lúa ở thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp (Núi Thành, Quảng Nam) đang bị nước thải, khói bụi khu công nghiệp (KCN) Bắc Chu Lai đầu độc. Trước tình trạng ô nhiễm quá trầm trọng, buộc người dân nơi đây phải mua đất lấp cống từ KCN thải ra.

DÂN BỎ RUỘNG

Trời nắng như lửa đốt nhưng ông Trần Minh Dũng, thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp vẫn đội nắng làm cái chuyện “ngược đời”: Đưa máy bơm ra ruộng lúa để hút nước từ ruộng ra mương. Máy vừa nổ từng dòng nước đen thui phun ra ào ạt.

Hỏi về việc làm này, ông Dũng bức xúc: “Đêm qua nước thải từ KCN Bắc Chu Lai đổ ra gây ngập úng ruộng lúa, nếu không tiêu nhanh thì 3,5 sào lúa đang kết hạt sẽ chết chắc. Rất may cho tôi là trưa nay đi làm về vừa ăn vội bát cơm liền ra thăm ruộng, ai ngờ đám ruộng bị nước đen thui, mùi hôi thối tấn công. Nếu không nhanh chóng giải cứu thì vụ này rơi vào cảnh gieo lúa gặt rạ!”.

03-16-27_nh-1Người dân xã Tam Hiệp lấp cống xả nước thải KCN Bắc Chu Lai ngày 20/4

Theo ông Dũng, từ khi KCN Bắc Chu Lai đi vào hoạt động người dân thôn Thọ Khương đã không ít lần vừa gieo sạ đã "thu", bởi nước từ KCN chảy ra tràn vào ruộng. Nguồn nước này cực độc, chỉ một ít chảy vào ruộng đã gây thối lúa. Có lẽ đã nếm nhiều vụ mùa thất bát nên ông Dũng có kinh nghiệm xử lý.

“Không chỉ đợt này KCN xả nước ra mô, mà rất nhiều lần rồi. Nhiều vụ lúa chết vì nước thải, rứa mà KCN chẳng mấy khi hỗ trợ. Cách đây 2 năm hàng chục ha lúa bị chết nhưng vừa rồi mới nhận được tiền hỗ trợ 25.000 đ/sào. Số tiền này chưa đủ mua lúa giống”, ông Dũng chua chát.

Tại cánh đồng Thọ Khương, có con mương Cầu rộng chừng 3 m, điểm đầu được đấu nối từ KCN, sau đó đưa nước chảy qua cánh đồng thoát xuống cuối xã. Con mương này cách khu dân cư khoảng 100 m, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Cánh đồng Thọ Khương hiện có hơn 40 ha SX lúa và rau màu.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng thôn Thọ Khương, ông cho biết: Khi KCN xả nước ra đã biến con mương Cầu thành “túi chứa” nước khổng lồ, trong khi đó ruộng của dân thấp, mương cao nên nước đã tràn vào ruộng gây chết lúa. 

Đặc biệt, ở cuối con mương Cầu thuộc xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành mỗi khi người dân ở đây ngăn mương lại thì cánh đồng Thọ Khương chẳng khác gì bể chứa nước thải. Lúc đó, ruộng đồng ô nhiễm nghiêm trọng, người dân chẳng dám ra đồng SX.

“Từ mấy năm nay, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp ngành liên quan nhưng chưa được giải quyết. Nhiều vụ mùa mất trắng nên có hơn 2 ha đất lúa của hàng chục hộ dân đã bỏ hoang. Cứ đà này mà không được khắc phục thì chắc chắn sẽ còn nhiều hộ dân sẽ bỏ ruộng nữa!”, ông Tiến nói.

03-16-27_nh-3
Nếu không nhanh chóng bơm nước ra thì 3,5 sào lúa của ông Dũng dễ bị mất trắng

BỊT CỐNG

Bà Hoàng Thị Thơ cho biết: “Cánh đồng Thọ Khương trước đây cá, ốc, tôm, cua.. nhiều lắm nhưng nay bị chết sạch. Đến nỗi con trâu, con bò ăn cỏ ngoài đồng nhưng cũng biết "nhịn khát" khi về chuồng mới
uống nước”.

Quá bức xúc, sáng ngày 20/4, hàng trăm hộ dân thôn Thọ Khương cùng với người dân các thôn khác thuộc xã Tam Hiệp đã hợp sức mua đất lấp cống xả nước thải KCN Bắc Chu Lai (NNVN đã thông tin “Kiến nghị bất thành, người dân lấp cống xả nước thải” số báo 79, ngày 21/4/2014).

Ông Võ Cuộc, thôn Thọ Khương cho hay: Thời gian gần đây nước thải ở KCN không qua xử lý đã thải trực tiếp ra mương Cầu, có màu đen, bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến cuộc sống của bà con. Đặc biệt, nguồn nước thải này chảy ra cánh đồng, ao hồ nuôi trồng thủy sản… khiến người dân SXNN gặp khó khăn. Bởi khi tiếp xúc với nguồn nước thải thì bị ngứa, nổi mẩn đỏ rất khó chịu.

“Sống trong nhà chịu mùi hôi thối của nước thải, còn ra đồng về thì gãi bật máu tươi. Hiện tôi làm 2 sào lúa, mỗi khi ra ruộng đều đeo ủng bảo vệ nhưng tránh được chân thì mẩn ngứa ở tay, người... ”, ông Cuộc bức xúc.

Ngoài việc ô nhiễm nguồn nước thải, người dân xã Tam Hiệp còn chịu ảnh hưởng nặng nề khói bụi. Mỗi khi nhà máy chế biến lốp cao su hoạt động thì mùi khét nồng nặc. Dân ở đây đều phải đóng cửa kín mít, có hôm gió đông bắc về ngồi trong nhà vẫn phải đeo khẩu trang.

Ông Lê Chí, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết: Việc nước thải, khói bụi KCN gây ô nhiễm, làm thiệt hại đến SXNN, tại các kỳ họp HĐND các cấp, cử tri địa phương đã từng kiến nghị. Đặc biệt cũng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Cty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Bắc Chu Lai (đơn vị quản lý, vận hành nước thải KCN Bắc Chu Lai) yêu cầu đơn vị phối hợp với các ngành chức năng tìm hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này. Song phía Cty chẳng có động thái gì.

Gần đây, ngày 24/4, do quá bức xúc, người dân thôn Thọ Khương lại tiếp tục lấp một miệng cống khác đối diện với miệng cống xả nước thải vừa lấp ngày 20/4. Nếu tình trạng này chưa được giải quyết dứt điểm thì người dân xã Tam Hiệp phải sống chung với ô nhiễm và họ sẽ còn tiếp tục lấp cống. Lúc đó, sẽ gây ảnh hưởng đến hàng chục nhà máy tại KCN Bắc Chu Lai phải ngừng hoạt động do nước thải không biết thoát đi đâu!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất