| Hotline: 0983.970.780

Dân công sở đi buôn Tết

Thứ Bảy 21/01/2012 , 15:38 (GMT+7)

Nhập cành vàng, lá ngọc về nhà bán, cung cấp đặc sản bưởi Diễn cho chị em ở cơ quan hay nhận đặt gói bánh chưng, muối hành... là những chiêu kiếm thêm của dân công sở.

Nhập cành vàng, lá ngọc về nhà bán, cung cấp đặc sản bưởi Diễn cho chị em ở cơ quan hay nhận đặt gói bánh chưng, muối hành... là những chiêu kiếm thêm của dân công sở khi Tết đến.

Từ đầu tháng một, chị Thúy, nhân viên hành chính của một trường đại học ở Hà Nội đã nhập thêm một số mặt hàng mã, trong đó có cành vàng, lá ngọc, tiền vàng, bộ quần áo quan thần linh về bán thêm tại nhà. Chị Thúy cho biết xuất phát từ việc các cửa hàng quanh nhà không kinh doanh sản phẩm này, những người làm công chức như chị đi làm tối ngày rất khó thu xếp được thời gian để đi lên phố mua sắm. Vì thế, chị bỏ hơn 5 triệu đồng, nhập hàng với số lượng vừa phải rồi nhờ mẹ chị ở nhà bán hộ.

“Mấy trăm phong lì xì, vài bộ quần áo hàng mã và đặc biệt là những cành vàng cành bạc, toàn đồ nhẹ nhàng nên mẹ mình bán được. Vốn nhỏ, mình lấy về bán thử, không ngờ chị em quanh đây ra mua đông lắm, ai cũng bảo sắm gần nhà cho tiện, không có thời gian lên phố”, chị Thúy kể. Chỉ trong vòng hơn một tuần, chị Thúy đã tiêu thụ hết số sản phẩm. Tuy khoản lãi không lớn, chỉ hơn 500.000 đồng song cũng đủ cho chị trang trải một số khoản nho nhỏ cho gia đình trong dịp Tết này.

Quê ở Từ Liêm, Hà Nội, cứ đến sát Tết, chị Nguyễn Phương Hoa, phụ trách truyền thông của một trung tâm điện máy, lại trở thành đầu mối cung cấp bưởi Diễn cho cả cơ quan. Chị Hoa kể, nhiều người biết quê chị gốc Từ Liêm, cậu em có miếng đất trồng bưởi nên nhờ chị lấy hộ. Song, người này mách người kia, ai cũng lấy tới vài chục quà để ăn và biếu dịp Tết nên cuối 2 tuần nay, chồng chị đều phải về quê chở vài sọt bưởi lên Hà Nội.

Chị Hoa cho biết, mỗi chuyến trừ phần gốc, trả tiền xe đi lại, chị cũng được gần một triệu đồng. “Tuy hơi vất vả, thứ 7, chủ nhật vừa rồi lại mưa nhưng được thêm đồng ra đồng vào sắm Tết, vừa tiêu thụ được hàng cho họ hàng, vừa giúp được chị em, bạn bè”, chị Hoa nói.

Nhờ tài khéo léo, đặc thù công việc lại không quá bận rộn nên Tết đến, chị Tú Anh ở Lạc Trung, Hà Nội nhận gói bánh chưng, muối hành cho anh chị em ở cơ quan và khu phố. Mỗi chiếc bánh chưng chị nhận có giá 35.000 đồng - 45.000 đồng, tùy loại, một cân hành sau khi muối có giá 50.000 đồng. Khách đều là anh em, bạn bè và làm cho gia đình sử dụng luôn nên chị đảm bảo nguyên liệu ngon, sạch sẽ, muối hành đều bằng nước lọc. Dù vậy, mức lãi trên mỗi sản phẩm không hề nhỏ, khoảng 10.000 đồng cho một chiếc bánh chưng và 20.000 đồng cho mỗi cân hành. Khoản thu nhập mùa vụ này đủ để chị đi họp phụ huynh cuối kỳ I cho 2 đứa con và sắm thêm một số vật dụng trong nhà.

Tuy nhiên, theo bản thân những tiểu thương bất đắc dĩ này, việc đi buôn dịp Tết chỉ dồn vào khoảng 2-3 tuần song cũng khá vất vả. Chị Tú Anh kể, toàn bộ công đoạn rửa lá, ngâm gạo, gói bánh chưng và luộc chỉ được diễn ra vào vòng 5 ngày giáp Tết, trong khi đơn đặt hàng được chị nhận rải rác trước đó cả tháng. Do vậy, chị cũng không dám nhận với số lượng quá lớn vì sợ không làm xuể.

“Từ tháng 11, ông xã đã rục rịch đi kiếm củi để Tết đến còn luộc bánh chưng, nhà chỉ 2 vợ chồng làm là chính nên mấy hôm giáp Tết bận lắm, chiều tối 30, khách lấy hàng hết mới quay ra dọn dẹp, cỗ bàn”, chị Tú Anh nói.

Đã thành thông lệ, Tết đến, người phụ trách khoản lo toan sắm sửa Tết trong gia đình chị Diệp (Đê La Thành, Hà Nội) thường là ông xã. Bởi ngoài công việc quyết toán cuối năm ở cơ quan bận rộn, tối đến, chị còn kinh doanh thêm rượu vang, nhận chở hàng đến tận nơi cho khách mua. Chị kể, có người bạn buôn mặt hàng này, để giá gốc, bảo chị cứ lấy thêm để kiếm vài đồng lãi ăn Tết.

Kinh nghiệm nhiều năm làm việc này, chị Diệp chia sẻ việc đi buôn cũng chỉ vì kinh tế khó khăn và muốn cải thiện thu nhập. Bởi với những người chỉ quen ngồi văn phòng thì điều này cũng không dễ. Ngoài ra, theo chị, giới công sở nếu chọn buôn bán thời điểm này cũng chỉ nên tập trung vào những mặt hàng chắc ăn, có anh em bạn bè hậu thuẫn đằng sau.

“Mình không có kinh nghiệm kinh doanh, chỉ nên bán những gì khách đặt trước hoặc có anh em, bạn bè hậu thuẫn đằng sau. Nếu nhập, số lượng cũng chỉ nên cò con để tránh hàng lo tồn đọng, vì ra Giêng, mình cũng không buôn nữa”, chị nói.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm