| Hotline: 0983.970.780

Dân hiến đất để "đón" dự án treo

Thứ Sáu 14/01/2011 , 09:52 (GMT+7)

Hàng chục km đê đập sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ xóa sổ... Trong khi người dân rất cần đất để sản xuất lại không có.

Nhiều tuyến đê đập ngăn mặn giữ nước đã sạt lở, hư hỏng trong thời gian chờ dự án triển khai

Bảy năm trôi qua, hàng trăm hộ dân 6 xã nằm trong vùng dự án “Bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu” của hai huyện Quảng Điền, Phong Điền (TT - Huế) rất bức xúc trước hàng trăm héc-ta đất ruộng, mặt nước nuôi trồng thủy sản bị dự án “ngâm”. Hàng chục km đê đập sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ xóa sổ... Trong khi người dân rất cần đất để sản xuất lại không có.

Dự án bỏ hoang

Để bảo tồn và phát triển dải rừng sinh thái ven biển ngập mặn dọc sông Ô Lâu, UBND tỉnh TT - Huế đã chú trọng trong “Chương trình hành động phát triển kinh tế biển và đầm phá” và được hàng trăm hộ dân ủng hộ. Bảo tồn, phục hồi trên 400 ha sinh cảnh tự nhiên, đa dạng sinh học... trong vùng lõi, bảo vệ các bãi giống, bãi đẻ cho nhiều loại cá, tôm, cua... phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hệ đầm phá Tam Giang.

Năm 1997, Sở KHCN&MT tỉnh phối hợp với Phân viện Hải Dương học và Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật tiến hành đánh giá tiềm năng và đề xuất lựa chọn khu bảo vệ đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tuy nhiên đã dừng lại ngay sau đó.

Đến năm 2003, tỉnh TT - Huế phối hợp với Viện Quản lý nước lục địa và nước thải, Bộ Giao thông Công chính và Quản lý nước Hà Lan triển khai xây dựng Dự án quy hoạch bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim thuộc “Dự án khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu” tại xã Quảng Thái với tổng kinh phí khoảng 16 tỷ đồng. Giai đoạn đầu, dự án sẽ khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt vùng mặt nước và 4 cồn đất khu vực cửa sông Ô Lâu. Trước mắt dự án đã hỗ trợ mưu sinh cho 20 hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng, mỗi hộ được hỗ trợ lợn giống và xây chuồng trại nhằm thay đổi ngành nghề. Tuy nhiên, dự án chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người dân rồi biệt tăm.

Ông Hoàng Thanh Tuyền, Chủ nhiệm HTX Tam Giang (xã Quảng Thái) cho biết: “Số diện tích ruộng của người dân hiến cho dự án nằm dọc sông Ô Lâu, trên đê ngăn mặn đập Cửa Lác. Sản lượng lúa canh tác ở đây hàng năm đạt bình quân 53 tạ/ha. Dự án triển khai, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển hệ sinh thái đầm phá gần 400 hộ dân đã nhất trí hiến 65 ha đất trồng lúa hai vụ và trên 150 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản cho dự án. Bảy năm trôi qua chẳng thấy dự án triển khai, đất bỏ hoang, hệ thống đê đập sạt lở, hư hỏng nghiêm trong, nguy cơ xóa sổ...”

Ông Phan Nông, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho hay, địa phương đã nhiều lần kiến nghị tỉnh, huyện về vấn đề này. Nếu dự án triển khai thì có thông tin để bà con được biết, nếu không thì để người dân phục hồi sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Đổ lỗi thủ tục

Khu Bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu được quy hoạch trên diện tích trên 12.596 ha đi qua 4 xã của huyện Phong Điền và hai xã của huyện Quảng Điền. Theo đó, xã Phong Chương sẽ quy hoạch 3.238 ha, Điền Lộc có diện tích là 1.285 ha, Điền Hòa là 1.382 ha, Điền Hải là1.278 ha (huyện Phong Điền) và xã Quảng Thái quy hoạch 1.836 ha, Quảng Lợi 3.238 ha (huyện Quảng Điền). Trong đó, vùng lõi có diện tích 173ha, vùng được bảo vệ để duy trì và phục hồi tài nguyên đất ngập nước. Vùng đệm có diện tích 659 ha làm vành đai để hỗ trợ phục hồi và vùng phụ cận là 11.758 ha có chức năng duy trì sinh cảnh diện rộng và hệ sinh thái...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh TT – Huế phân trần: Sở TN - MT đang xây dựng dự án theo phương thức đồng quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh, dự kiến sẽ trình ký trong năm 2010. Tuy nhiên, khi chuẩn bị triển khai thì Luật Đa dạng sinh học ra đời, Sở KH- ĐT yêu cầu dừng lại nên tỉnh chưa phê duyệt được. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về nguồn vốn và dự án đã triển khai thế nào? Ông Hùng cho hay, hiện nguồn vốn vẫn chưa có và đề án cũng đang xây dựng. Như vậy người dân, chính quyền địa phương phải chờ... chưa biết đến bao giờ, trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Mến, Trưởng phòng TN-MT huyện Quảng Điền: “Năm nào cũng có rất nhiều đoàn về khảo sát, điều tra, nghiên cứu hiện trạng đất ngập nước Ô Lâu, nhưng dự án vẫn không được triển khai, diện tích đất trên vẫn bỏ hoang, người dân không thể canh tác... Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri người dân đã nhiều lần lên tiếng, với huyện chỉ biết chờ... dự án. Nếu dự án không triển khai thì phải trả lời cho huyện biết để đầu tư lại hạ tầng cho người dân tiếp tục sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất