| Hotline: 0983.970.780

Dân khốn cùng vì một dự án

Thứ Hai 06/06/2011 , 09:49 (GMT+7)

Trước mắt, hơn 600 hộ dân ấp 3 xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang vô cùng khổ sở vì những hệ lụy do dự án Khu công nghiệp (KCN) Ông Kèo gây ra.

Dự án Khu công nghiệp (KCN) Ông Kèo được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tháng 4/2008, tổng diện tích gần 850 héc ta, nằm trên toàn bộ ấp 3, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, do Cty TNHH MTV Tín Nghĩa là chủ đầu tư. Chẳng biết mai kia, khi KCN này ra đời, người dân địa phương hưởng lợi đến đâu, nhưng trước mắt, hơn 600 hộ dân ấp 3 đang vô cùng khổ sở vì những hệ lụy do dự án này gây ra.

 Vùng quê tiêu điều, dân bỏ xứ

Nằm cách TPHCM 8 cây số, nếu không tính thời gian đi đò qua sông thì chỉ mất hơn 10 phút chạy xe máy là đến ấp 3, xã Phước Khánh, nơi mai này sẽ là một KCN hiện đại của TP Nhơn Trạch tương lai. Vậy mà, đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh xơ xác. Những căn nhà lá nhỏ nằm khuất trong đám cây, cỏ dại lúp xúp ngang đầu người. Kể từ khi Tín Nghĩa khảo sát, định giá đền bù xong, người dân trong ấp luôn trong tình trạng thấp thỏm phải ra đi bất cứ lúc nào nên không dám đầu tư sản xuất, canh tác. Đất đai, ruộng vườn trở nên hoang hóa, xâm nhập mặn từ sông Lòng Tàu khiến hoa màu không thể sống được. Chỉ mới đi một góc của ấp 3, chúng tôi đã thấy cả chục căn nhà bỏ hoang, cây dại như rừng, bít bùng trùm lên đến mái lá.

Một ăn nhà có nguy cơ sập ở ấp 3, xã Phước Khánh

Bà Nguyễn Thị Kim Đồng, 76 tuổi, ở ấp 3 cho biết: “Tôi lập nghiệp ở đây từ trước giải phóng. Bản thân tôi tham gia cách mạng, hoạt động bí mật ở địa phương từ năm 12 tuổi, từng bị giặc Mỹ bắt, tra tấn dã man. Nay trở về đời thường, bị tụi nhãi ranh vắt mũi chưa sạch ức hiếp mà không làm gì được. Nhà tôi các chú thấy đấy, mỗi khi mưa xuống là bên trong nhà như cũng như ngoài trời. Cột kèo mối mọt ăn ruỗng hết, mỗi khi gió mạnh là lo ngay ngáy, chỉ sợ sập”.

Gặp bất cứ người dân nào ở ấp 3 chúng tôi cũng đều nghe họ oán thán Cty Tín Nghĩa. Họ cho rằng Cty này cố tình dây dưa việc đền bù. Anh Võ Anh Kiệt, Hội trưởng Hội Nông dân (HND)  ấp 3 bức xúc nói: “Cuối năm 2008, sau khi tiến hành khảo sát, định giá đền bù cho các hộ dân xong, Cty Tín Nghĩa nói trong vòng 3 tháng sẽ bồi thường cho bà con. Đến nay đã hai năm có lẻ, chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh không thể khổ hơn. Hàng ngày có một nhóm bảo vệ của Tín Nghĩa đi lân la, dòm ngó khắp mọi ngõ ngách trong ấp. Thấy ai sửa chữa nhà, làm công trình gì trên đất là xông vào lập biên bản báo về “tổng hành dinh” làm căn cứ không bồi thường sau này. Vì vậy không ai dám làm gì, dù nhà có sập đến nơi cũng mặc. Đã có hơn chục căn nhà sập rồi”.

Người dân có hộ khẩu ngay tại ấp 3, Phước Khánh đã khổ, những người sống tại địa phương nhưng không có hộ khẩu còn khổ hơn bội phần vì mức bồi thường quá thấp. Ông Nguyễn Tấn Trí, 54 tuổi, có 9.000 m2 đất trong dự án cho biết: “Gia đình tôi canh tác ở đây từ năm 1978 đến nay, ngoài cái hộ khẩu ở quận 7 TPHCM ra, chúng tôi không khác gì các hộ trực canh. Vậy mà bên Tín Nghĩa chỉ bồi thường có 70 triệu/1.000m2 theo giá đất xâm canh”. 7.300m2 đất đã được cấp sổ đỏ từ năm 1999, mang tên “chính chủ” của chị Võ Thị Kim Vân, 33 tuổi, cũng chịu chung số phận như đất của ông Trí với lý do chị Vân đã chuyển hộ khẩu về quận 7 theo chồng.

Anh Kiệt dẫn chúng tôi đến những căn nhà sập, những căn nhà bỏ hoang, nói: “Tính sơ sơ, đã có hơn 40 hộ trong ấp bỏ đi nơi khác sinh sống rồi. Làm sao sống khi chúng tôi là nông dân mà không thể canh tác, nuôi trồng trên đất, chỗ trú ngụ thì rách nát có thể sập bất cứ lúc nào? Mới đầu mùa mưa đã có mấy căn sập rồi”. Lúc chưa có dự án KCN Ông Kèo, gia đình anh Nguyễn Pháo Mười, một trong những hộ sống lâu năm và sản xuất giỏi nhất ấp. Đàn heo, dê của gia đình anh lúc nào cũng từ 100 con mỗi loại trở lên. Ngoài ra anh còn có 3 ao cá, đàn gà mấy trăm con, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

 “Năm 2006 tôi đầu tư làm một loạt chuồng trại để nuôi heo, gà, dê và làm 3 cái ao hết gần 200 triệu đồng. Vừa thu lại vốn thì “ông” Tín Nghĩa xuất hiện. Tôi không dám đầu tư nữa vì không biết họ đuổi lúc nào. Bởi lỡ đầu tư, họ đuổi bất ngờ thì dễ mất trắng hàng trăm triệu đồng. Bây giờ, cứ nhìn mấy chuồng heo, dê bỏ trống, mặt ao phẳng lặng… lòng tôi như xát muối. Trong ấp này đã có mấy chục hộ bỏ xứ đi rồi. Cứ thế này chắc gia đình tôi cũng phải theo chân họ thôi!”-  anh Mười ngán ngẩm nói.

“Những mảnh đất họ đã mua rồi thì không cho ai đụng tới. Để hoang hóa như rừng. Những mảnh ruộng bên cạnh cũng không thể canh tác, trồng trọt gì được vì chuột bọ trong những đám “rừng” bên cạnh ra phá. Nhiều người vì tiếc đất, cố tình vào những mảnh ruộng Tín Nghĩa đã mua để khai hoang trồng khoai mì, khoai lang, lúa… thì bị bảo vệ của Cty này đến nhổ sạch không thương tiếc. Họ cố tình làm như vậy để chúng tôi không chịu nổi, phải bán thẳng cho họ. Bán đất theo hình thức này thì chúng tôi thiệt đơn thiệt kép, còn họ thì hết trách nhiệm”- anh Kiệt nói.

Bên cạnh việc gây khó dễ, kéo dài thời gian bồi thường, người của Cty Tín Nghĩa còn “đánh tiếng” cho người dân trong ấp biết nếu ai muốn bán đất họ sẽ mua lại bằng giá niêm yết bồi thường (tất nhiên không được hưởng các chế độ hỗ trợ bồi thường khác). Rất nhiều người không chờ đợi đươc đã bấm bụng bán. Nhiều người dân cho biết, ước tính hiện nay Cty Tín Nghĩa đã mua thẳng cả trăm hec ta đất dự án tại ấp 3 (?).

Chính quyền: "Đời sống người dân... đang lên" 

Trong khi đang có hàng trăm lá đơn của ngươi dân gửi đi khắp nơi kêu cứu về nỗi thống khổ của họ trong những ngày chờ đợi nhận tiền bồi thường thì lãnh đạo xã Phước Khánh vẫn cho rằng đời sống người dân địa phương đang lên. 

Một trại chăn nuôi bị bỏ hoang vì dân không dám nuôi 

Mặc dù đã được một cán bộ xã hẹn trước qua điện thoại, nhưng khi đến UBND xã Phước Khánh lúc gần 2 giờ chiều, bàn của hai vị Phó Chủ tịch xã vẫn chưa có người ngồi. Đợi thêm gần 1 tiếng và tốn thêm 2 cuộc điện thoại nữa mới thấy ông Nguyễn Thành Vương, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của xã bước vào. Ông Vương cho biết, Phước Khánh là xã thuần nông, hơn 80% dân số sống bằng nghề nông. Sau khi khảo sát, định giá đền bù, số đông bà con chủ quan, cứ đợi tiền bồi thường mà không chịu sản xuất.

"Chúng tôi vẫn khuyến khích bà con sản xuất chứ có cấm đâu. Mặc dù cũng có những thiệt thòi cho bà con liên quan đến dự án như không thể xây dựng, sửa chữa nhà cửa, nhưng hộ nào “chịu” làm thì vẫn sống bình thường. Trong quá trình phát triển chung, đô thị hóa, xây dựng KCN, ngoài những mặt đạt chắc chắn phải có những bất cập, nhưng nhìn chung là đời sống bà con nâng lên rất nhiều. Hồi trước kiếm một chiếc xe honda ở Phước Khánh vô cùng khó, còn bây giờ, anh thấy đấy, rất nhiều loại hình dịch vụ ăn theo sự phát triển của các nhà máy, KCN. Những hộ bỏ nhà đi tôi nghĩ là do họ đi làm ăn xa thôi"- ông Vương nói. Trao đổi với PV, ông Vương cho hay ông cũng đã biết việc Cty Tín Nghĩa mua lại đất của bà con trong vùng.

Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Cty Tín Nghĩa cho rằng: Khu vực Ông Kèo là vùng ngập mặn, không ở được. Đa số họ làm chòi để canh tác và nhiều trường hợp bà con sửa chữa chỉ là "để đối phó, hoặc dựng chòi lên để đòi bồi thường".

Liên quan đến thông tin Cty mua lại đất của bà con, ông Bình cho rằng Cty không hề mua mà "Bà con thỏa thuận nhận đền bù trước chứ không phải là mua". Tuy nhiên, trước những thông tin có sự mua bán mà PV NNVN đưa ra, ông Bình lại cho hay: "Diện tích mua bao nhiêu thì tôi không nắm, phải hỏi lại anh Thăng, PGĐ KCN Ông Kèo vì anh Thăng là người trực tiếp ở đó”. Nhưng khi chúng tôi hỏi ông Thăng thì ông này cũng ậm ờ: "Chuyện mua đất của bà con tôi không nắm được, để tôi hỏi lại”.

Tìm đường lên huyện, chúng tôi gặp ông Phan Đức Trọng, Trưởng Phòng bồi thường, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Nhơn Trạch. Ông Trọng cho biết, nguyên nhân kéo dài việc đền bù trong dự án này là vì thủ tục hành chính có sự thay đổi và quá nhiêu khê. "Người dân bức xúc là đúng. Chúng tôi cũng nhận rất nhiều đơn thư của bà con phản ánh về thiệt hại trong sản xuất, về cuộc sống không ổn định. Ban đầu áp dụng việc bồi thường theo nghị định 84. Sau đó lại thay đổi khi Nghị định 69.

Tuy nhiên, khi áp dụng Nghị định 69 thì tỉnh và huyện còn rất nhiều lúng túng như việc xác định các đối tượng “trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại địa phương”, những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo việc làm theo điều 22;  Việc xác định được “nhà ở trong khu dân cư”, “ranh giới khu dân cư”, “Địa giới hành chánh”… để hưởng hỗ trợ theo điều 21 của Nghị định này cũng không dễ. Các anh xuống ấp 3 thì thấy, liệu có thể coi đây là khu dân cư được không khi cả ấp toàn nhà lá tạm bợ, mỗi nhà cách nhau vài trăm mét" - ông Trọng nói.

Cũng theo ông Trọng, nếu người dân sửa chữa nhà mà bị Cty Tín Nghĩa lập biên bản rồi lấy đó làm căn cứ không bồi thường là Cty làm không đúng. Lẽ ra, đối với những trường hợp như vậy, chính quyền cấp xã phải có phần trách nhiệm trong việc nắm tình hình và tổng hợp những căn nhà hư hỏng, báo cáo lên huyện xin ý kiến. Tùy tình hình có thể lập biên bản cho sửa chữa, hoặc bố trí nơi ở tạm cho những hộ này.  Liên quan đến việc không cho dân sửa chữa nhà, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Thăng, Phó Giám đốc KCN Ông Kèo phân bua: “Việc này chắc là do hiểu lầm thôi, trước khi kiểm kê thì không cho sửa chữa, nhưng đã kiểm kê xong thì bà con cứ làm thôi”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.