| Hotline: 0983.970.780

Dân khốn khổ vì mùi hôi thối hơn 300 tấn sứa chờ đền bù sự cố môi trường biển

Thứ Năm 14/09/2017 , 08:35 (GMT+7)

Gần hai năm nay, người dân nhiều xã ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang khốn khổ vì phải sống chung với hơn 300 tấn sứa bị “ngâm” lại sau sự cố môi trường biển.

14-12-15_1
14-12-15_2
Gần 60 tấn sứa của gia đình Nguyễn Đình Hương bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường

Đến nay, hàng trăm tấn sứa ấy vẫn chưa được cơ quan chức năng đưa ra hướng xử lý. Cuộc sống người dân đảo lộn, môi trường ô nhiễm, việc kinh doanh bị ngưng trệ…
 

Qủa 'bom sứa' trong dân

Về thôn Đại Tiến (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà) hỏi thăm các chủ cơ sở còn tồn đọng sứa sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, hầu hết chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu ngao ngán và hàng loạt câu hỏi còn bỏ ngỏ từ người dân, nhất là vấn đề “bao giờ mới đền bù và tiêu hủy được mấy trăm tấn sứa đó, dân chúng tôi chịu hết nổi rồi”.

Gia đình ông Nguyễn Đình Hương là một trong những cơ sở thu mua sứa lớn nhất ở vùng biển Thạch Trị. Mùa sứa năm 2016, gia đình ông vay 3 tỷ đồng thu mua gần 60 tấn sứa về bán. Mỗi ngày phải thuê gần 30 công nhân làm công việc chế biến để chuẩn bị xuất bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng chưa kịp “đi” thì xảy ra sự cố môi trường biển khiến toàn bộ số sứa trong kho đều bị ứ đọng lại.

“Lúc đó khách hàng đã đặt cọc tiền, đưa thùng đến để đóng hàng chuyển đi rồi nhưng nghe tin môi trường biển bị ô nhiễm, họ đến lấy mẫu về kiểm tra. Vài hôm sau họ quay lại lấy tiền cọc chứ không mua hàng nữa. Từ đó, hàng để mãi trong kho, lâu ngày bốc mùi lên nồng nặc không thở được, gia đình đành cắn răng chịu đựng còn hàng xóm họ không thể chịu được mùi thối nên chửi bới nhức cả óc. Chúng tôi đành phải xây một nhà kho ở phía cuối vườn rồi chuyển toàn bộ sứa thối ra đó mà vẫn không hết mùi”, ông Hương cho biết.

Ông dẫn chúng tôi ra kiểm tra số lượng sứa tồn kho, vừa mở nắp đậy, mùi hôi thối đã xộc thẳng khiến chúng tôi ngạt thở. Từng thùng sứa đã ngả sang màu vàng, thối rữa, nổi bọt, mùi thối đặc quánh bốc lên nồng nặc.

Cách đó chỉ chừng 200m, gia đình ông Hồ Minh Sơn cũng bị tra tấn bởi hơn 20 tấn sứa đang lưu giữ trong kho lâu nay. “Vì vườn chật nên tôi làm kho thu mua sứa ngay cạnh nhà ở. Bây giờ ăn cũng khổ vì sứa, ở cũng khổ vì sứa, mọi sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn hết cả. Đứa con lớn cứ ăn vội xong là phải đi ngủ nhờ nhà bạn, những người còn lại thường xuyên tiếp xúc với sứa thối nên sức khỏe bị ảnh hưởng. Vừa rồi, chịu không nổi chúng tôi lên trình bày với các cơ quan chức năng huyện. Huyện cho người về kiểm tra nhưng chỉ đứng trong nhà tôi được 3 giây là phải chạy ra ngoài, không có ai chịu được nổi 1 phút. Hàng xóm cũng phàn nàn suốt ngày, họ phải mua gạch về xây tường rào cao lên để cản bớt mùi”, bà Bắc (vợ ông Sơn) than thở.

Được biết, hầu hết các hộ kinh doanh sứa đều phải vay vốn ngân hàng để thu mua, sau đó bán hàng mới trả. Thế nhưng, do sứa không bán được khiến các hộ kinh doanh lâm cảnh nợ nần chồng chất. Gia đình ông Bùi Đức Cường (thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà) mỗi tháng phải trả 5 triệu đồng tiền lãi. Mùa sứa năm ngoái, gia đình ông vay ngân hàng 440 triệu đồng cộng vốn tự có thu mua hơn 20 tấn sứa. Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, cơ sở của ông còn tồn đọng lại gần 17 tấn. Ông than thở: “Hiện vẫn chưa có thông tin về việc đền bù hay hướng dẫn tiêu hủy cho người dân, không biết chúng tôi phải cầm cự như thế này đến bao giờ nữa”.
 

Tiếp tục... chờ xử lý

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp xử lý đối với hơn 837 tấn sứa và 417 tấn hải sản khô (cá, mực, tép khô…) vì số hải sản này không nằm trong danh mục được bồi thường theo QĐ-1880 và QĐ-309 của Chính phủ. Theo đó, phải chờ đến lúc đền bù xong cho các đối tượng theo 2 quyết định này lúc đó mới tính đến các đối tượng bổ sung.

Việc tiêu hủy hàng trăm tấn sứa đang là vấn đề bức thiết

Sứa là loại hải sản sử dụng trong thời gian ngắn nên càng để lâu càng bốc mùi mạnh. Việc tiêu hủy số sứa quá đát đang là vấn đề hết sức bức thiết đối với người dân nhưng hiện cả chính quyền lẫn người dân đều đang lúng túng vì sợ chưa đền bù mà tiêu hủy sẽ mất bằng chứng. Theo thống kê, hiện Hà Tĩnh có 839,5 tấn sứa còn ứ đọng do sự cố môi trường biển, trong đó huyện Thạch Hà 303 tấn, Kỳ Anh 36 tấn, Lộc Hà hơn 500 tấn.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao sứa và hải sản khô đã được cơ quan chức năng kiểm đếm đầy đủ và đã quá hạn rất lâu, gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhưng vẫn không hướng dẫn người dân tiêu hủy?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Hà Tĩnh thông tin: “Tổng số tiền tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đền bù cho hải sản khô là 21 tỉ đồng, sứa gần 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu cho tiêu hủy trước sợ đến khi được bồi thường lại không còn bằng chứng. Việc tiêu hủy sứa có thể đào hố chôn vì sứa có 90% là nước, không chứa chất độc, đã được ướp muối, mùi thối là do lượng đạm trong sứa gây ra, việc chôn lấp sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm”.

Cũng theo ông Dũng, tính đến ngày 7/1/2017 Hà Tĩnh có hơn 4.000 tấn hải sản tươi, trong đó gần 1.300 tấn đã được bồi thường, còn lại 2.700 tấn chưa được bồi thường (hải sản đông lạnh là 1.300 tấn; sứa, hải sản khô hơn 1.400 tấn).

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.