| Hotline: 0983.970.780

Dân mỏi mắt chờ tiền đền bù đất

Thứ Năm 23/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Ngày 2/11/2012 UBND tỉnh Nghệ An ra QĐ số 4385 QĐ/UBND/ĐT quy hoạch thu hồi 1.111 ha đất của Nông trường (NT) Đông Hiếu để bàn giao cho Cty CP Sữa TH trồng cỏ chăn nuôi bò.

Mặc dù trên diện tích này hàng trăm CBCNV và hộ nhận khoán đang trồng cao su, và phê, nhưng lãnh đạo NT cùng chính quyền địa phương đã vận động công nhân, nông dân đồng lòng cùng thực hiện chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên việc GPMB chậm trễ đã làm cuộc sống người dân ngày một khốn khó.

Tiếp chuyện chúng tôi, Giám đốc NT Đông Hiếu Hứa Văn Anh trầm ngâm suốt cả buổi: "Theo quy hoạch của tỉnh thì NT chúng tôi hầu như phải bàn giao hết đất cho Cty CP Sữa TH. Kể ra mà nói cũng buồn, bởi từ bao đời nay, người công nhân, người nhận khoán đã gắn bó máu thịt với mảnh đất này.

Có những mùa gặp phải thời tiết thiên tai khắc nghiệt, cây cối không cho sản phẩm, buồn. Nhưng cũng có những năm mưa thuận gió hòa, sản phẩm tăng cao, giá cả được lời, dân chúng lại rạng ngời sức sống mới. Làm nông nghiệp giống như đánh bạc với trời.

 Tuy vậy không có ai nản chí mà đêm ngày vẫn miệt mài một nắng hai sương cùng đất đai cây cối. Và dẫu cho có những năm cầm chắc ván bài thua, nhưng người lao động vẫn luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với NT, Nhà nước".

Ông Hứa Văn Anh bảo: "Nông trường chúng tôi được UBND tỉnh giao quản lý gần 1.300 ha đất nông nghiệp, canh tác hai loại cây chủ lực là cà phê và cao su. Khi có quy hoạch thu hồi 1.111 ha đất để bàn giao cho Cty CP Sữa TH trồng cỏ thì lãnh đạo đã ngày đêm vận động tuyên truyền cho người lao động hiểu đây là chủ trương lớn của tỉnh.

Vậy nên đầu năm 2013, cùng với việc đền bù GPMB nhanh, NT đã bàn giao được 607 ha đất. Đến tháng 10/2013 Hội đồng đền bù GPMB và Cty CP Sữa TH tiếp tục cùng NT đi kiểm đếm số diện tích còn lại. Tuy nhiên mãi cho đến ngày 4/6/2014 UBND tỉnh Nghệ An mới ra QĐ số 195 QĐ-UBND.DC để thu hồi 140,7 ha đất. Quyết định là vậy, nhưng đến nay vẫn chẳng thấy cơ quan nào đến triển khai công việc đền bù để lấy đất.

Chính vì sự chậm trễ này đã làm cuộc sống người lao động rất khó khăn, nương vườn không còn được đầu tư chăm sóc nên cây cối hoang tàn, không có sản phẩm. Người lao động phải đi ăn vay. Vì vậy mà từ mấy năm nay không có hộ nhận khoán nào nạp sản phẩm cho NT. Cán bộ NT từ GĐ trở xuống không có lương mà mỗi tháng chỉ cho tạm ứng 1- 2 triệu đồng để duy trì cuộc sống".

Để hiểu rõ thêm về cuộc sống người dân, ngày 17/10/2014 chúng tôi đã có cuộc thị sát đến một số đội sản xuất của NT Đông Hiếu. Tại đội Đông Du 1, bà Quế Thị Oánh, xóm trưởng bảo: Làng này có 136 hộ, cuộc sống chỉ dựa vào đất nhận khoán của NT để trồng cà phê và cao su, thế nhưng kể từ ngày có chủ trương thu hồi đất của tỉnh thì người dân bỏ mặc vườn cây không chăm sóc nữa, đêm ngày chờ nhận tiền đền bù để chuyển đổi nghề.

Tuy vậy đến nay vẫn không thấy cơ quan nào đến đền bù và nhận đất. Cực chẳng đã, nhiều hộ dân vì không có cái gì thu nhập phải đốn chặt cả cao su, cà phê bán củi lấy tiền đong gạo.

Dạo quanh một số lô vườn của NT mới thấy cảnh tiêu điều, xác xơ, hoang vắng. Dưới mặt đất, muôn vàn bát đựng mủ vỡ tóe nằm ngổn ngang. Kề bên những lô cao su này của đội Đông Du 2 là bạt ngàn vườn cà phê úa vàng cùng cỏ dại mọc chen nhau. Buồn, tôi đang định phóng xe ra khỏi chốn u tĩnh đó thì chợt thấy xa xa một bóng người.

Rời khỏi những làng quê đói nghèo và bạt ngàn những nương vườn cà phê, cao su đang xơ xác tôi chợt nhớ tới lời của GĐ NT Đông Hiếu: “Biết là người lao động rất bức xúc về việc đợi chờ tiền đền bù để chuyển giao đất, nhưng chúng tôi cũng chỉ biết làm đơn kiến nghị tỉnh cần xúc tiến công tác đền bù kịp thời để người dân sớm ổn định cuộc sống trong môi trường lao động mới”.

Len lỏi rẽ lối đi tới nơi mới biết đó là một phụ nữ đang cắt cỏ về chăn nuôi. Cất dỡ chiếc nón cời chụp mặt, chị này đưa chiếc liềm ra chỉ về phía tôi bảo: Anh là ai? Đến đây làm gì mà chỉ đi có một mình?

Tôi đứng lặng trình bày lý do một lúc rồi chị mới bình tĩnh trả lời: "Lô vườn cà phê này có 2,1 ha của 3 nhà gồm tôi là Phạm Thị Minh, Nguyễn Văn Khai và Nguyễn Văn Thuận nhận khoán trên đất của đội Đông Du 2. Nhà tôi trồng 0,7 ha cà phê từ năm 2004, đến kỳ thu hoạch, bình quân mỗi năm cũng được 40 triệu đồng.

Thế nhưng kể từ cuối năm 2013 khi đoàn cán bộ của tỉnh cùng NT đến đây kiểm đếm để đền bù, lấy đất thì chúng tôi không đầu tư chăm sóc vườn cây nữa. Nghĩ là đã ký tá hoàn tất các thủ tục đền bù rồi nay mai sẽ có tiền, ai ngờ mãi cho đến nay dân vẫn chỉ mong chờ. Và cũng vì túng thiếu không có tiền đong gạo nên nhiều hộ đã đốn vườn cây để bán".

Đến đội Đông Hà, chị Lê Thị Hồng than thở: "Khổ lắm anh ơi, nhà em có 1,6 ha cao su đang tốt bời bời, nghĩ Nhà nước lấy đất thì mình cũng được tiền đền bù chuyển đổi nghề khác. Dẫu vậy kể từ tháng 10/2013, các hộ dân đã ký hết các thủ tục bàn giao đất, nhưng đến nay vẫn chẳng thấy ai đến để đền bù.

Khổ nhất là có những hộ sau khi biết mình sẽ được nhận vài ba trăm triệu nên đã đi vay mượn nóng để xây nhà, hoặc mở quán kinh doanh, nhưng mãi đến nay vẫn không có tiền, đành chịu cảnh chủ nợ đêm ngày đòi ráo riết.

Nhà em đây cũng đi vay tiền mở quán phở từ năm ngoái, đến nay vẫn không có tiền đền bù để trả nợ. Đợi nhận tiền và giao đất không được nên nhà em đã chặt hạ cao su bán củi rồi cày đất để trồng màu…".

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất