| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm tỷ đồng "bốc hơi" vì hụi

Dân nghèo khốn đốn

Thứ Tư 28/05/2014 , 08:39 (GMT+7)

So với Hòa Thành thì qui mô vụ vỡ hụi và bị lừa cho vay lãi suất cao ở các huyện Dương Minh Châu, Trảng Bàng (Tây Ninh), chẳng thấm tháp gì. Nhưng, hậu quả lại lớn gấp trăm lần./ Những chiêu trò của chủ hụi

Bởi nạn nhân của các vụ này là những nông dân, những người rất nghèo. Sau khi vỡ hụi và bị lừa ôm tiền bỏ trốn, họ trắng tay, lâm cảnh khốn cùng.

GẦN 200 DÂN NGHÈO TRẮNG TAY VÌ HỤI

Không biết có mối liên hệ nào không, nhưng trong khi ở Hòa Thành, những vụ vỡ hụi hàng trăm tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận, thì tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng cũng xảy ra 2 vụ vỡ hụi với số tiền hơn 11 tỷ đồng.

Chủ 2 đường dây hụi này là bà Trần Thị Giàu và Nguyễn Thị Na. Còn nạn nhân là gần 200 nông dân nghèo trong xã. Dù số tiền có khi chỉ bằng một người trong vụ vỡ hụi Hòa Thành, nhưng hậu quả lại vô cùng lớn. Bởi đó là tiền mồ hôi nước mắt, chắt bóp bao năm trời mới có được của người nông dân.

“Từ ngày hụi vỡ, mất trắng đã đành, nhiều gia đình lục đục hoài. Chồng con tiếc của, cằn nhằn rồi nhậu nhẹt, sinh tật nữa. Ở đây còn có gia đình định cưới vợ cho con, nhưng do bể hụi nên chuyện cưới xin phải hoãn lại. Tôi nhà nghèo, đông con, làm được bao nhiêu ăn hết nên chẳng dành dụm được. Nếu có chắc tôi cũng chơi rồi”, bà Lê Thị Nguyệt, bán sạp rau ở chợ Gia Lộc kể.

Gặp chúng tôi, chị Lê Thị Thắm, 49 tuổi, nhà ở ấp Gia Tân, than: “Tôi bệnh, đau ốm triền miên, mỗi tháng tốn cả triệu bạc tiền thuốc men, điều trị. Số tiền để dành trị bệnh gom góp chơi hụi bà Na, đóng hết 34 triệu đồng với hy vọng hốt hụi để trị bệnh lâu dài. Nhưng giờ thì tiêu rồi. Bể hụi, tôi đi tới đi lui năn nỉ bả trả lại tiền hoài nhưng chẳng được đồng nào”.

15-50-45_nh-3
Nông dân xã Phước Ninh bức xúc trình bày với PV

Ngồi bên cạnh, bà Nguyễn Thị Rưa, 60 tuổi, cũng cho biết: Bà sống chung với mẹ già ngoài 80 tuổi, bị tật ở chân từ nhỏ, di chuyển rất khó khăn. Do không có ruộng nên hàng ngày bà phải đi tìm việc làm mướn. Ai thuê gì làm nấy. Dành dụm được ít tiền chơi hụi để dành lo hậu sự cho mẹ, chưa hốt được hụi thì nghe tin vỡ hụi.

Năm nay 38 tuổi, xưa nay sống bằng nghề bán vé số nuôi gia đình, anh Trần Văn Phi cho biết: Có bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào dây hụi, đã đóng được hơn 100 triệu thì hụi bể. Giờ trắng tay, con anh đang bệnh nặng phải đưa đi bệnh viện Nhi đồng chờ ngày mổ, nhưng gia đình anh không còn tiền, phải chạy vay mượn khắp nơi.

Hoàn cảnh bi đát nhất ở Gia Lộc có lẽ là gia đình chị Phan Thị Tiếp: mẹ già ngoài 80 tuổi, cha bị bệnh ung thư, còn người em trai bị tâm thần. Số tiền chị bị giật hụi 30 triệu đồng. So với mọi người, số tiền này không nhiều, nhưng đó là tất cả những gì gia đình chị có từ những tháng ngày quần quật làm thuê của một mình chị.

Theo trình báo của các hụi viên tại UBND xã Gia Lộc, các hụi viên đã đóng cho dây hụi do bà Na làm chủ số tiền ngót 9 tỷ đồng. Còn dây hụi do bà Giàu làm chủ cũng đã gom của hụi viên số tiền 2,5 tỷ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “kịch bản” dẫn đến bể hụi cũng giống như hàng trăm vụ vỡ hụi từ xưa đến nay, và gần nhất là ở Hòa Thành. Nghĩa là quen biết, tin tưởng và lãi cao… nên không ai nghi ngờ, giao dịch bằng miệng và giấy viết tay là chính.

BẪY LÃI SUẤT CAO

Phước Ninh là một trong những xã nghèo, thuần nông, nằm bên bờ hồ Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu. Người nông dân, dù chăm chỉ làm lụng, mỗi năm cũng dành dụm được vài triệu. Cuộc sống khó khăn, kiếm được đồng tiền càng khó hơn, chính vì thế, khi có người “dụ dỗ” cho vay tiền với lãi suất cao, nhiều người đã không ngần ngại “có bao nhiêu giao hết bấy nhiêu”.

Gặp chị Đoàn Thị Thúy, ở ấp Phước Hiệp, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy hoàn cảnh của chị: Mất một chân do tai nạn, chị một mình nuôi con bằng cửa hàng bán tạp hóa nhỏ. Cách đây hơn một năm, Huỳnh Thị Lụa (sinh năm 1982, ngụ cùng xã) đến ngỏ ý vay tiền chị với lời hứa trả lãi suất 5%/tháng hoặc 60%/năm.

Tin lời, chị Thúy hốt hụi non, rồi thế chấp luôn nhà đất để vay ngân hàng được tất cả 90 triệu đồng đưa cho Lụa. “Em cứ nghĩ có thêm đồng ra đồng vô lo cho con em, thấy chị Lụa trước giờ là nông dân chất phác nên tin tưởng, cứ nghĩ chị cần tiền mua diêm tro đầu tư gì đó nên em mới liều giao hết tài sản”, chị Thúy nói trong tiếng nức nở.

Giấy nợ Lụa giao cho chị Thúy hẹn ngày 4/2/2014 trả nợ, ngay thời điểm phải trả nợ, Lụa lại xin chị Thúy cho giãn nợ, chị Thúy vẫn tin tưởng đồng ý và ráng “cày” để đóng hụi chết.

“Xã đã chỉ đạo công an xã theo dõi, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương và báo cáo lên huyện. Đây là giao dịch dân sự nên chính quyền không xử lý mà sẽ hướng dẫn người dân kiện ra tòa. Nếu có dấu hiệu hình sự thì tòa sẽ chuyển sang cơ quan điều tra”, ông Thi Khắc Huy, Phó chủ tịch UBND xã Phước Ninh.

Một ngày đầu tháng 4/2014, Lụa bỗng dưng “biến mất”, khóa cửa đi đâu không rõ, điện thoại không liên lạc được. Lúc này, nhiều người trong xã mới hoảng hốt, nhốn nháo chạy đến trưởng ấp và xã cầu cứu. Khi mọi người mới vỡ lẽ, Lụa đã huy động, gom tiền của 59 người.

Riêng trưởng ấp Phước Hiệp đã nhận được hơn 20 đơn kêu cứu của bà con. Phần lớn những nạn nhân này là người trong xã, thậm chí trong xóm, hàng ngày ra vào vẫn gặp nhau, nhưng người này không biết người kia đã cho Lụa vay tiền.

Một người dân nói: “Ai nó cũng bảo chuyện vay tiền, làm ăn đừng nên nói cho ai biết cả. Thế nên ai cũng tưởng nó vay có mình mình. Chứ nếu biết nó mượn tiền nhiều người như vậy, có năn nỉ cỡ nào tui cũng không cho mượn”.

Nhắc đến chuyện bị giật tiền, bà Nguyễn Thị Sữa, năm nay đã 72 tuổi, ngồi bệt trước gian nhà gỗ đã xuống cấp khá nặng, nét mặt thất thần, nói: “Tui có mảnh ruộng bán để dưỡng già được hơn 100 triệu, con Lụa tới năn nỉ miết, nói mỗi tháng trả tui 5 triệu tiền lời. Tui thấy nó thiệt thà, nhiều ruộng rẫy nên tin tưởng giao tiền cho nó. Giờ nó bỏ đi tui biết sống sao đây, nhà dột nát vầy cũng không có tiền sửa”.

15-50-45_nh-2
Bà Nguyễn Thị Sữa: “Tui trắng tay rồi!”

Con gái bà Sữa là chị Trần Thị Cúc, đi làm ruộng mướn và chơi hụi mấy năm trời dành dụm được 200 triệu, cũng đã giao tiền cho Lụa để lấy tiền lời chục triệu mỗi tháng. Từ khi Lụa biến mất, chị Cúc về ở với bà Sữa để an ủi động viên mẹ, nhưng hai mẹ con cũng chỉ khóc với nhau, vì đó là cả gia tài của hai mẹ con.

Theo số liệu tại công an xã Phước Ninh, số tiền Lụa “ôm” bỏ trốn hiện nay là hơn 7,4 tỷ đồng. Trong số 59 nạn nhân, người cho Lụa vay nhiều nhất là 800 triệu. Đa số còn lại bị Lụa chiếm đoạt từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Nguyên nhân khiến nhiều người tin tưởng Lụa và không ngần ngại giao hết tài sản, bởi Lụa vốn có tiếng là nông dân sản xuất giỏi của xã, lại có nhiều ruộng. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng lãi suất 5%/ tháng là an toàn, không phải tín dụng đen nên không lo bị giật!

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất