| Hotline: 0983.970.780

Dân phá nát trại lợn giống ngoại: Pháp luật đã bị coi thường

Thứ Hai 04/10/2010 , 10:36 (GMT+7)

Dư luận đang mong chờ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, huyện Đô Lương cần sớm vào cuộc, khởi tố vụ án để điều tra làm rõ và xử lý một cách nghiêm minh những kẻ coi thường pháp luật.

Một góc trại lợn bị đập phá để lùa lợn ra ngoài tối 29/9/2010

Như NNVN số 196, ra ngày 1/10 đã phản ánh: Tối 29/9/2010, một số phần tử xấu đã lôi kéo, kích động, xúi giục dân tại các xóm 6, 7, 8, 9 và 10, xã Đại Sơn, Đô Lương xông vào đập phá tài sản, hôi của, cướp đi nhiều tài sản, tiền bạc và phương tiện làm việc của Cty TNHH Giống lợn ngoại Thái Dương gây bức xúc cho dư luận.

>> Nghệ An: Dân phá nát trại lợn giống ngoại Thái Dương

Đây là một vụ việc được tổ chức rất bài bản, có dấu hiệu cấu thành tội hình sự (theo khoản 2, Điều 133 và khoản 2, Điều 143, Bộ luật Hình sự về tội cướp tài sản và tội hủy hoại tài sản). Bởi vậy, dư luận đang mong chờ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, huyện Đô Lương cần sớm vào cuộc, khởi tố vụ án để điều tra làm rõ và xử lý một cách nghiêm minh những kẻ coi thường pháp luật nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

Theo thống kê sơ bộ của Cty TNHH Giống lợn ngoại Thái Dương thì các phần tử quá khích đã vào đập phá và cướp đi nhiều tài sản như: 21 máy bơm nước Bảo Long; 7 màn hình LCD; 6 quạt điện treo tường; 4 CPU; 1 máy cắt cỏ, máy bơm xăng Honda, loa thùng, âm ly, tăng âm và 68 con lợn sau cai sữa…tổng thiệt hại do chúng gây ra lên tới trên 512 triệu đồng. Trong đó, hành vi được xem là nghiêm trọng nhất là việc đập phá két sắt đựng tiền mặt và vét sạch 72.812.000 đồng tồn quỹ.

Nên nhớ rằng trước đó, vào đêm rằm Trung thu (22/9/2010) cũng vào buổi tối các phần tử nói trên cũng đã từng vào "càn quét", đập phá tài sản, đánh trọng thương anh Võ Văn Hà, công nhân của Cty, gây thiệt hại cho Cty trên 131 triệu đồng… Hiện Cty còn phải bỏ ra gần 130 triệu để mua 3 loại văcxin để tiêm lại cho cả đàn lợn vì sau khi đưa được đàn lợn vào chuồng, không phân biệt được con nào đã tiêm, con nào chưa tiêm…

Tiếp xúc với chúng tôi vào sáng 30/9, ông Đặng Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho rằng nguyên nhân xẩy ra tình trạng đập phá cướp bóc tài sản, phương tiện làm việc tại trại lợn Thái Dương là do Cty không thực hiện các văn bản của UBND tỉnh và Sở TN-MT Nghệ An. Ông Đặng Văn Toàn đã đưa Thông báo số 244/TB-UBND.NN, ngày 30/7/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại trại lợn Thái Dương và nói: Cho đến thời điểm hiện nay, quy mô đàn lợn trong trại vẫn còn lớn, vượt quá xa quy mô đã được UBND tỉnh phê duyệt (?!).

Ông Toàn thừa nhận Cty làm được 2 vấn đề: Đó là đã nạo vét xong lòng hộ đập Chọ Ràn và dùng hóa chất khắc phục được tình trạng ô nhiễm không khí nên không còn mùi hôi thối như trước nữa. Theo ông Toàn thì lập trường của UBND xã Đại Sơn là "Cty phải ngừng sản xuất và giải quyết xong và triệt để hệ thống xử lý chất thải thì UBND xã mới cho phép Cty sản xuất trở lại". Còn ý chí của người dân các xóm 7, 8, 9 và 10 xã Đại Sơn thì Cty phải ngay lập tức di dời trại lợn Thái Dương ra khỏi địa bàn xã…(!)

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc Cty đã triển khai đưa phương tiện, xe máy vào khu vực đất đã được UBND tỉnh cấp để nâng công suất hệ thống xử lý nước thải theo thông báo nói trên của UBND tỉnh thì vì sao UBND xã lại bỏ mặc cho người dân ngăn cản, thậm chí còn ép người lái xe ủi phải đưa phương tiện về nhà một số đối tượng để khống chế không cho Cty thực hiện? Ông Đặng Văn Toàn cho rằng việc mở rộng khu xử lý nước thải dù trong khuôn viên Cty cũng sẽ làm ô nhiễm thêm nguồn nước ngầm của dân nên UBND xã cũng đồng tình và không can thiệp(?!)

Mâu thuẫn giữa người dân và DN sẽ không thể nào hóa giải nếu không có sự quan tâm, vào cuộc rốt ráo của chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, dù vì bất cứ lí do gì, việc những đối tượng quá khích xông vào đập phá, cướp bóc tài sản là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thách thức kỷ cương phép nước do vậy không thể không xử lí nghiêm để răn đe.
Trả lời báo chí, phía lãnh đạo huyện Đô Lương cũng đưa ra lý do là do Cty TNHH Giống lợn ngoại Thái Dương chưa cải tạo và nâng công suất hệ thống xử lý nước thải ngang tầm với tổng đàn hiện có và chưa giảm quy mô đàn lợn xuống còn ít nhất là 5.000 con nên mới xẩy ra sự việc trên...

Chúng tôi cho rằng những yêu cầu nói trên của địa phương, trong tình hình hiện nay là khó chấp nhận, mang tính thách đố nên rất khó thực hiện. Lý do thứ nhất là khi Cty triển khai mở rộng hệ thống xử lý nước thải thì bị dân đứng ra ngăn cản, chính quyền xã bỏ mặc, không hề can thiệp nên việc nâng công suất hệ thống nước thải, lắp đặt thêm các hệ thống xử lý mới để bảo vệ môi trường hiện không thể làm được.

Thứ 2, việc ngừng SX và giảm quy mô đàn lợn xuống còn 3 - 5 nghìn con cũng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cho đến nay, tổng đàn lợn trong trại lợn Thái Dương chỉ còn 10.000 con (đã giảm 2/3 so với trước đây). Toàn bộ số lợn thịt, lợn choai (khoảng 20.000 con) đã được đưa đi nơi khác. Gần 10.000 con lợn còn lại, chủ yếu là lợn nái và lợn con đang bú sữa mẹ. Với đàn lợn nái và đàn lợn sữa đang bú thì việc buộc doanh nghiệp phải tách lợn mẹ ra khỏi lợn con chẳng khác gì đẩy doanh nghiệp vào chỗ chết(?!).

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.