| Hotline: 0983.970.780

Đảng bộ xã miền núi Cát Sơn vào cuộc

Thứ Sáu 17/02/2017 , 09:20 (GMT+7)

Năm mới, chúng tôi về thăm xã miền núi Cát Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định), nơi đây từng là chiến khu xưa của Tỉnh ủy Bình Định.

Đi trên những con đường bê tông xi măng, hai bên đường là những ngôi nhà mới; hệ thống điện- đường- trường- trạm khang trang, cho thấy vùng chiến khu xưa hôm nay đã đổi thay rất nhiều.

10-02-07_x-mien-nui-ct-son-phu-ct-du-tu-mo-rong-gtnt
Xã miền núi Cát Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định) đầu tư mở rộng giao thông nông thôn
 

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã miền núi Cát Sơn có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế; nhưng sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, với sự thống nhất đồng lòng giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, bức tranh NTM Cát Sơn đang dần khởi sắc. Đến nay, Cát Sơn đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM.

Ông Nguyễn Hà Trung, Bí thư Đảng ủy xã miền núi Cát Sơn cho biết, Cát Sơn có được như hôm nay là nhờ có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân, trong tiến trình xây dựng NTM. Là xã miền núi, bước đầu Cát Sơn gặp nhiều khó khăn, do xuất phát điểm kinh tế thấp, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng hạn chế, mạng lưới giao thông không thuận lợi.

Làm thế nào để Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đạt được hiệu quả; là điều mà Đảng bộ luôn trăn trở tìm hướng đi cho phù hợp với điều kiện địa phương. Trước hết, Đảng bộ xã Cát Sơn tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM và đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp cho từng thời gian; để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Với phương châm “đảng viên đi trước- làng nước theo sau”, nghị quyết được triển khai đến cấp ủy, đảng viên trong 9 chi bộ để thực hiện vận động người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM như hiến đất, di dời tường rào, cổng ngõ, hoa màu… để mở rộng giao thông nông thôn; trong đó chú trọng đến tiêu chí nào dễ làm trước- khó làm sau.

Quá trình thực hiện Nghị quyết xây dựng NTM nói chung và từng tiêu chí nói riêng; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ xã đến thôn, xóm, đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”. Có nghĩa là, mỗi thôn thành lập Ban giám sát, Ban thanh tra nhân dân, theo dõi từ việc triển khai, tiến độ đến chất lượng công trình.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã miền núi Cát Sơn thì mọi việc có liên quan đến đời sống của người dân, được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, thấu tình, đạt lý. UBND xã luôn cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân, để có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, xã miền núi Cát Sơn, tập trung mọi nguồn lực đầu tư hơn 23,7 tỷ đồng, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Trong đó, Trung ương hỗ trợ trên 01 tỷ đồng, vốn lồng nghép từ các dự án khác hơn 22,1 tỷ đồng, người dân đóng góp như hiến đất, tài sản, ngày công, trí giá gần 600 triệu đồng. Hiện nay, toàn xã có 23 km trục đường liên xã- liên thôn và 22,2 km kênh mương bê tông, được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân và góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Ông Võ Thanh Hùng ở thôn Thạch Bàn Đông, là đảng viên cao tuổi có nhận xét về quá trình xây dựng NTM ở Cát Sơn như sau: “Tôi thấy bộ mặt nông thôn của xã từng ngày thay da đổi thịt, cuộc sống của dân mỗi ngày một khá lên, ánh sáng khoa học- kỹ thuật đã được người dân áp dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, hệ thống điện, đường, trường- trạm được xây dựng khang trang, các cháu có nơi học hành thật tốt”.


Nông dân Cát Sơn xuống giống đậu phụng vụ Đông Xuân
 

Nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã quy vùng sản xuất theo mô hình luân canh, xen canh, chú trọng phát triển kinh tế rừng, đồi, nuôi cá lồng... cho thu nhập cao; đến cuối năm 2016 thu nhập bình quân của xã đạt 27,3 triệu đồng/người/năm.

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xã cũng tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3- 5%. Để làm được điều này, Đảng ủy xã Cát Sơn đã có chủ trương vận động cán bộ, đảng viên nêu gương trong việc giúp đỡ, nuôi dưỡng đưa cha, mẹ, người thân của mình thoát nghèo, sau đó triển khai rộng rãi ra dân.

Đến nay, sau hơn 6 năm xây dựng NTM, xã miền núi Cát Sơn đã đạt 13/19 tiêu chí. Cát Sơn đang vươn lên hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích NTM vào năm 2018.

Về mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới, ông Nguyễn Hà Trung- Bí thư Đảng ủy xã Cát Sơn cho biết:

“Đảng ủy xã miền núi Cát Sơn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình hành động về phát triển toàn diện ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020. Để thực hiện thành công chương trình này, cán bộ, đảng viên phải là lực lượng nòng cốt đi đầu và vận động nhân dân cùng thực hiện.

Đồng thời, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, nhằm tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, đảm bảo an sinh xã hội và phấn đấu về đích NTM vào năm 2018”.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.