| Hotline: 0983.970.780

Dâng nước hồ Thủy điện Chiêm Hóa, người dân kêu trời?

Thứ Hai 29/10/2012 , 16:20 (GMT+7)

Suốt từ tháng 7/2012 đến nay, hàng chục hộ dân cư trú tại thôn Nghe, xã Hùng Mỹ huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang, hoang mang khi hàng ngày phải đối mặt với nước hồ Thủy điện Chiêm Hóa dâng cao.

Suốt từ tháng 7/2012 đến nay, hàng chục hộ dân cư trú tại thôn Nghe, xã Hùng Mỹ huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang, hoang mang khi hàng ngày phải đối mặt với nước hồ Thủy điện Chiêm Hóa dâng cao.

Nước hồ đã nhấn chìm toàn bộ lúa màu, ao cá. Nhiều nhà dân bị cô lập như một ốc đảo. Trước những thông tin khẩn thiết từ người dân, phóng viên NNVN đã vượt hàng trăm km đường bộ, nhiều giờ ngồi trên bè mảng đến với người dân thôn Nghe, để có thông tin đến bạn đọc…

DÂN KÊU TRỜI VÌ SỐNG TRONG NGẬP LỤT 

Đến thôn Nghe xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) những ngày này, ngồi chỗ nào cũng thấy người dân tụm năm, tụm ba bàn tán và chỉ trích cách làm tùy tiện của Ban lãnh đạo nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa và sự tắc trách của Ban Bồi thường, GPMB huyện Chiêm Hóa. Tất cả chỉ xoay quanh câu chuyện tại sao không thông báo cho dân sơ tán, thu hoạch lúa màu trước ngày “đóng nước”, vì sao chưa thống kê đền bù đầy đủ đã dâng nước đuổi dân…

Chỉ vì những ngày vừa qua, nước hồ thủy điện Chiêm Hóa tiếp tục dâng cao hơn so với đợt dâng nước lần thứ nhất, hồi đầu tháng 5/2012, đã khiến nhiều hộ dân ở thôn Nghe xã Hùng Mỹ huyện Chiêm Hóa không kịp trở tay, một số hộ dân đã rơi vào cảnh màn trời chiếu đất?. Tiếp chúng tôi, bác Ma Xuân Tài thôn Nghe, năm nay 68 tuổi là Cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam (vì hàng tháng cả nhà bác Tài được nhận trợ cấp, vì bác Tài và tất cả các con bị ảnh hưởng chất độc da cam), nghẹn ngào “…từ cuối tháng 9/2012, nước hồ thủy điện Chiêm Hóa đã dâng ngập hết 4.578 m2 đất sản xuất của gia đình tôi rồi, nhà cửa của tôi cũng bị nước cô lập, đến giờ tôi vẫn chưa nhận tiền thiệt hại, vì thống kê đền bù vẫn còn có thiếu sót...”.


Nước thủy điện Chiêm Hóa đã nhấn chìm nhà dân

Còn ông Ma Văn Hoan, sinh năm 1957, thôn Nghe xã Hùng Mỹ thì bức xúc, chỉ vì nhà ông có 5.263 m2 đất lúa, màu bị ngập dưới lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa, đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù, khu vực nhà ở thì nước đã ngập sát mái hiên, chỉ cách khoảng 2 mét là nước đến cột nhà, nhưng trong phương án đền bù không được tính vào diện phải di dời nhà đến nơi ở mới. Phía sau nhà ông Hoan thì núi đất dốc đứng, nhà ông Hoan bị nước bủa vây không có lối đi, nước sạch sinh hoạt không có, nên đành phải múc nước hồ lên lọc lại dùng ăn uống...

Còn bác Trần Viết Thịnh sinh năm 1940, một cán bộ hưu trí của thôn Nghe xã Hùng Mỹ, đã quá uất ức nên mạnh bạo gửi đơn “tố cáo” Công trình nhà máy thủy điện Chiêm Hóa, vì nhà bác Thịnh có 4.126 m2 đất đã bị nhấn chìm trong nước, nhưng gia đình chưa lấy tiền bồi thường lúa màu vì theo bác Thịnh, cách làm thống kê bồi thường còn thiếu nhiều chỗ và chưa đúng quy định, bác Thịnh cho biết: “Gia đình tôi có 6 thửa ruộng ngay cạnh đường giao thông, mà ban giải phóng mặt bằng xét cho là vị trí 3 là không hợp lý. Nay đã san bằng để làm đường nhưng tôi chưa được bồi thường…”. Cùng cảnh lúa màu bị nhấn chìm trong nước, hàng chục hộ gia đình như: Vũ Kim Oanh, Vũ Văn Lập, Ma Thị Đặm, … đều tỏ ra bức xúc khi chưa thống nhất xong đơn giá, số lượng tài sản trên đất phải di chuyển với Ban Bồi thường GPMB huyện, và chưa ký nhận tiền đền bù thì đã bị nước dâng, nhấn chìm toàn bộ đất lúa, màu, cây trái, nhà cửa.

Hộ ông Ma Doãn Chẩm, thuộc diện đói nghèo nhất thôn Nghe, nhà có 4 khẩu nhưng thiếu ăn quanh năm. Vụ lúa xuân năm 2012, đang sắp đến ngày thu hoạch thì bị nước nhấn chìm, ông Chẩm cho hay: “Ngày 5/5/2012, nước dâng nhanh, đã làm cho lúa vụ xuân của nhà tôi chuẩn bị thu hoạch thì mất trắng. Cứ tưởng những đám ruộng cao không bị ngập úng, tôi tiếp tục trồng cây màu để thu hoạch vụ thu đông, thì đến ngày 13/9/2012, Thủy điện Chiêm Hóa lại đóng nước cho dâng cao hơn lần trước, thế là những đám ruộng màu lại bị mất trắng.

Năm nay không thu hoạch được thứ gì, nên gia đình cực kỳ khó khăn, thiếu đói liên miên, bản thân ông phải chạy ăn từng bữa. Khi tôi hỏi vì sao không chịu nhận đền bù, ông Chẩm phân vân một lát cho hay: “tiền đền bù thấp quá, nếu nhận cũng chẳng biết di chuyển đi đâu, vì số tiền ấy lấy về chưa đủ trả nợ tiền mua gạo từ đầu năm, nên đành chờ xem Ban Bồi thường tính lại đơn giá thì mới nhận, nếu nhận số tiền thế này chẳng thể sống được, vì nhà cửa bây giờ nước vây xung quanh rồi, chẳng thể ở được, tôi đang hy vọng sẽ nhận được đền bù đất ở nữa may ra mới có tiền mua nền nhà nơi khác mà ở…”

Còn chị Vũ Thị Thảo, hộ nghèo thôn Nghe cũng bị nước ba vây không còn lối đi, đã bức xúc cho biết: “…những hộ khấm khá hơn, họ không nhận đền bù thì còn vay mượn tiền mua được gạo mà ăn, nhà em từ trước tới nay luôn nghèo đói, bây giờ cả thôn Nghe ai cũng phải đong gạo ăn, họ lo cho thân họ còn chẳng xong, nên nhà em cũng chẳng biết bấu víu vào đâu để có gạo ăn đành đi nhận tiền đền bù. Biết là giá đền bù còn nhiều thiêu sót và chưa hợp lý, vì lúa màu của em bị thiệt hại 100%, song chỉ được nhận đền bù thiệt hại là 36%”.


Chị Vũ Thị Thảo thôn Nghe xã Hùng Mỹ đang tập chèo mảng

Trong câu chuyện cảm động, chị Thảo mộc mạc cho biết: Từ hôm nước dâng lên, nhà chị bị cô lập như một ốc đảo, đêm lo sợ không sao ngủ được, chỉ sợ ngủ quyên nước nhấn chìm cả nhà xuống lòng hồ. Nước dâng lên, hầu khắp thôn Nghe bị mất điện, nên tối đen như mực, các nhà dân chỉ có ánh đèn dầu le lói, nước cô lập mọi nhà nên chẳng ai đến thăm ai mỗi khi màn đêm buông xuống. nhà Chị cũng bị nước cô lập các đường ngang ngõ tắt, chị lại sợ nước nước nên chỉ quanh quẩn ở trong nhà như người bị giam lỏng.

Thế nhưng, cái khó ló cái khôn chị Thảo đã lên rừng chặt tre đóng thành mảng rồi hàng ngày dùng mái chèo tập bơi lội trên sông nước, đến các nhà dân gần đó vừa đi thăm nhà bà con cùng thôn Nghe cho dỡ buồn, cũng là lúc tập làm quen với cách di chuyển trên sông nước. Chị Thảo hy vọng khi nào đi mảng tốt, sẽ vay mượn tiền mua dọ thả bắt tôm tép. Thế nhưng, thân nữ tuổi đã lớn lại không biết bơi thì không biết “dự án tự đổi nghề” kiếm sống của chị cũng như các chị em phụ nữ khác trong thôn Nghe liệu có thành hiện thực?


Phương tiện di chuyển của dân thôn Nghe là thuyền

Còn Chị Ma Thị Yêu, thôn Nghe còn nhớ như in hôm nước dâng ngập tràn vào ruộng lúa màu: “em cứ ngồi nhìn nước lên từ từ, nhưng sợ nó lên nhanh không chạy kịp, nên ngồi trên sườn đồi mà nhìn nước dâng, chỉ hai ngày là kín hết rau màu, lúa lạc, bây giờ nhà chẳng còn gì ăn nữa..” Gia đình chị Yêu có 5 khẩu, tổng cộng các loại tài sản và đất lúa thì được nhận đền bù 480 triệu đồng, chị Yêu cũng như nhiều hộ gia đình ở thôn Nghe vẫn chưa nhận, vì họ cho rằng quá trình thống kê chưa đầy đủ, thiếu sót.

Theo chị Yêu, nếu 480 triệu đồng mà có đất làm nhà tái định cư và có đất sản xuất thì số vốn như trên mới duy trì được cuộc sống, đằng này họ chỉ thống kê và trả đất lúa màu ở nơi bị nước vùi lấp thì toàn là chỗ thấp, đất màu mỡ có thể trồng cấy duy trì cuộc sống. Nếu như nhận tiền rồi, cũng chỉ biết mua gạo ăn, khi ăn hết tiền chắc sẽ trở thành kẻ tha phương cầu thực, vì nơi sông nước này thì chẳng biết làm gì để duy trì nồi cơm cho 5 khẩu no đủ quanh năm.


PV NNVN trao đổi với người dân thôn Nghe chuyện ngập lụt

Đi thuyền khắp thôn Nghe, bốn bề nước vây quanh, các nhà dân đã đóng bè mảng làm phương tiện duy chuyển. Nhà có điều kiện đóng mới thuyền còn gắn động cơ mất hơn hai chục triệu đồng, còn nhà nghèo thì ghép vài cây tre, nứa thành thuyền mảng. Nhìn chung, cuộc sống của cư dân nơi đây cùng cực, túng thiếu trăm bề từ đường, điện, nước sinh hoạt, đất sản xuất.

Người lớn sống nơi đây đã khổ, nhưng trẻ em còn khổ trăm bề vì các nhà dân ở đang bị nước hồ vây quanh, chỗ cao cũng chỉ cách nước hồ vài chục mét, nên nhà nào cũng cắt cử người lớn ở nhà trông con trẻ, sợ chúng mải nô đùa lỡ rơi xuống hồ thì vô phương cứu chữa. Khi chúng tôi có mặt tại thôn Nghe, đúng ngày gữa tuần nên trẻ trong độ tuổi đến lớp vắng bóng, vì chúng được cha mẹ chuyển đến gửi người thân gần trường học, chỉ cuối tuần hoặc cuối tháng mới đón về nhà một lần cho bọn nhỏ đỡ nhớ nhà.


Dân thôn Nghe chuyển đồ khỏi nơi ngập lụt

Riêng hai anh em nhà anh Ma Văn Quận và Ma Văn Kiên, ở thôn Nghe, mỗi nhà có 2 đứa con đang đi học, hai gia đình này đã thay phiên nhau đưa đón bọn trẻ bằng thuyền, nên rất tốn kém. Khoảng 40 học sinh độ tuổi đến lớp học của thôn Nghe giờ đã phải ở trọ người quen để theo học chữ và tránh ngã nước.                

 


Video phỏng vấn bác Trần Viết Thịnh, thôn Nghe xã Hùng Mỹ huyện Chiêm Hóa TQ về bức xúc của dân khi bị nước thủy điện Chiêm Hóa gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.