| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau "bão" tai xanh

Thứ Tư 12/05/2010 , 09:55 (GMT+7)

"Bão" tai xanh đang hoành hành khắp các tỉnh thành trong cả nước, hàng ngàn hộ nông dân quằn quại trong nước mắt mất mát. Một số địa phương đã nhanh chóng có chính sách hỗ trợ người nông dân, trong đó có nhiều chính sách kì lạ ra đời...

"Bão" tai xanh đang hoành hành khắp các tỉnh thành trong cả nước, hàng ngàn hộ nông dân quằn quại trong nước mắt mất mát. Một số địa phương đã nhanh chóng có chính sách hỗ trợ người nông dân, nhưng tỉnh thì chỉ hỗ trợ nông dân có lợn tiêu huỷ khi tiêm phòng một loại bệnh khác là dịch tả, tụ huyết trùng; tỉnh lại hỗ trợ 25 ngàn đồng/kg lợn hơi trong khi giá ngoài thị trường chỉ có mười mấy ngàn đồng/kg; giấu dịch, thờ ơ với dịch, chậm trễ dập dịch thì cấp dưới đổ cấp trên, cấp trên đổ cấp dưới… Tất cả những điều ấy đang tạo nên nỗi bức xúc của người dân và chính quyền địa phương khắp nơi...

HẢI DƯƠNG: ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ LÀ TIÊM PHÒNG... DỊCH TẢ

Tiêu hủy lợn tai xanh
UBND tỉnh Hải Dương ra chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn tai xanh 25 ngàn đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái và lợn đực giống, 18 ngàn đồng/kg lợn hơi đối với lợn thịt nhưng bi hài ở chỗ tỉnh này chỉ hỗ trợ những hộ dân đã tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng và phải do thú y tiêm vacxin từ nguồn ngân sách nhà nước mới được hỗ trợ, dân tự bỏ tiền ra mua vacxin, tự tiêm phòng không được hỗ trợ.

Đến non nửa số hộ không được hỗ trợ

Sau gần một tháng bùng phát dịch tai xanh, các xã Thạch Lỗi, Cẩm Hoàng, Cẩm Vũ, những xã bùng phát dịch đầu tiên và có số lượng lợn tiêu huỷ lớn nhất huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) giờ chỉ còn lại những tiếng kêu thấu của nông dân. Vừa gặp tôi anh Nguyễn Văn Tấn, xã Cẩm Hoàng bức xúc: "Cho đến thời điểm này tôi đã cho 14 con lợn… về trời theo tiếng gọi của chính quyền. Hành động ấy của tôi cũng xuất phát từ suy nghĩ được tỉnh hỗ trợ một phần nào đó rồi, tiêu huỷ đi thôi để sạch chuồng trại, sạch môi trường, tránh lây lan ra các hộ chăn nuôi khác, sớm nguôi ngoai đi thất bại này để tính làm lại, nhưng tiêu huỷ xong hỏi ra thì chính quyền bảo nhà tôi không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ vì không tiêm phòng vacxin dịch tả do thú y xã tiêm. Tôi là người chăn nuôi, tôi luôn tự tiêm phòng các bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu chứ không thể chờ nhà nước tiêm 1 năm có 2 mũi khi mà tôi nuôi mỗi năm đến 4-5 lứa lợn. Vậy tại sao lại nói tôi không tiêm để không hỗ trợ cho tôi? Thật tôi không thể hiểu nổi ai tham mưu cho tỉnh cái chính sách kỳ cục vậy".

Cho đến thời điểm này, xã Cẩm Hoàng đã tiêu huỷ 1.135 con lợn trên tổng đàn là trên 3.500 con nhưng chỉ có 557 con, với trên 13 tấn lợn được hỗ trợ, còn lại 578 con không được hỗ trợ, tức là số lợn tiêu huỷ không nhận được hỗ trợ nhiều hơn số được hỗ trợ. Bà Vũ Thị Duy, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Cẩm Giàng cho biết: Cho đến thời điểm này, tổng số lợn tiêu huỷ của toàn huyện là 1.435 con, khoảng non nửa trong số đó không được hỗ trợ do không đủ điều kiện là phải tiêm phòng vacxin dịch tả và tụ huyết trùng. Tổng đàn lợn tiêm phòng vacxin dịch tả và tụ huyết trùng trên toàn huyện vụ xuân đạt trên 70%, nhưng số lợn tiêm bằng tiền ngân sách chỉ đạt trên 50%, còn lại là do các hộ dân tự tiêm. Hộ tự tiêm cũng không được hỗ trợ thì khuyến khích làm sao họ tự tiêm phòng dịch?

"Người dân bây giờ đa số là chăn nuôi từ chục con lợn trở lên và đa số là rất coi trọng khâu tiêm phòng. Dù họ không tiêm phòng theo vụ qua hệ thống thú y bằng nguồn ngân sách nhà nước, nhưng họ tự bỏ tiền ra tiêm, thậm chí là mua vacxin ngoại đắt tiền ra tiêm để đảm bảo cho đàn lợn của họ. Nếu bây giờ không hỗ trợ những hộ dân tự tiêm phòng thì rất thiệt thòi cho họ, họ sẽ trắng tay hoàn toàn. Tôi cho rằng nên hỗ trợ sòng phẳng cho họ. Hôm đoàn của Văn phòng Chính phủ về đây, họ cũng nói nên hỗ trợ". Bà Duy bày tỏ.

Cũng nói về sự bất công bằng này, Chủ tịch xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng Phạm Văn Tuất: "Cho đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được văn bản nào về chính sách hỗ trợ. Số lợn tiêu huỷ ở xã tôi không lớn như Cẩm Hoàng, Thạch Lỗi nhưng nếu chỉ hỗ trợ những hộ tiêm phòng bằng ngân sách nhà nước thôi mà không hỗ trợ các hộ dân tự tiêm phòng là không công bằng. Việc tiêm phòng 1 năm có 2 vụ theo quy định của nhà nước đang khẩp khiễng với việc tiêm phòng của người dân khi họ nuôi 4-5 lứa lợn/năm. Để nông dân tiêm phòng đạt tỉ lệ cao có nhiều cách chứ không nên lấy cái đó làm điều kiện để hỗ trợ thiệt hại".

 "Làm thế để dân... chịu tiêm phòng"

Theo thống kê của Chi cục Thú y Hải Dương, đến thời điểm này dịch tai xanh đã lan ra 61 xã, thuộc 7 huyện của Hải Dương. Tổng số lợn mắc bệnh là 8.160 con, nhưng đã tiêu huỷ 6.136 con.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Xuân Trúc cho biết tỷ lệ tiêm phòng bệnh dịch tả đạt khoảng 80%, nghĩa là rất cao, nhưng số lợn chết có tiêm phòng thì chỉ có trên 50%. Tỉnh Hải Dương đã lấy cả số hộ dân tự tiêm vào thành tích tiêm phòng đạt tỷ lệ cao của mình thì không thể loại họ ra khỏi điều kiện để nhận được hỗ trợ?

Trả lời cho những bức xúc của người dân, chính quyền địa phương và thú y cơ sở về vấn đề này, ông Đồng Văn Trúc, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương, người chắp bút để Sở NN-PTNT trình chính sách hỗ trợ UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định, trả lời dửng dưng: "Nếu không lấy điều kiện là lợn tiêu huỷ phải tiêm phòng vacxin do nhà nước cấp thì ai tiêm phòng nữa? Thì dịch còn phức tạp hơn nhiều". Lại hỏi: "Bệnh tả, tụ huyết trùng thì có liên quan gì đến bệnh tai xanh, vả lại việc hỗ trợ thiệt hại cho dân lúc mà họ bị thiệt thòi nhất, mất mát nhiều nhất là chính sách ưu việt của nhà nước ta với nông dân, điều ấy khác hoàn toàn với việc để đảm bảo tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, sao lại có thể đánh đồng như vậy được?". Ông Trúc vẫn tiếp tục dửng dưng: "Người ta tiêm phòng tốt thì phải hỗ trợ, không tiêm phòng mà cũng được hỗ trợ thì… hoà cả làng à".

Phóng viên lại tiếp tục truy: Một chính sách ra đời mà chỉ có trên 1/2 số đối tượng thuộc phạm vi chính sách ấy điều chỉnh được hưởng lợi thì đó liệu có phải là một chính sách không phù hợp? Là người chắp bút chính sách cho nông dân của mình, hàng ngàn hộ nông dân không được hưởng lợi bởi chính sách này, họ bức xúc, chính quyền cơ sở bức xúc không biết nói với dân thế nào, ông có nghĩ gì không? Lúc này ông Trúc mới nói: "Bây giờ chúng tôi đang làm chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, chúng tôi đang xem xét đưa những hộ dân có lợn tiêu huỷ không tiêm phòng theo hệ thống thú y đợt dịch này vào hỗ trợ. Có thể hỗ trợ 300 ngàn đồng/con lợn nái, 100 ngàn đồng/con lợn thịt chẳng hạn".

Dù chính sách mà ông Trúc dự kiến trình này có ra đời thì mỗi một con lợn dân mua vào để phục hồi đàn lợn cũng chỉ được hỗ trợ bằng mấy kg lợn thịt bị tiêu huỷ được hỗ trợ mà thôi. Ngay bản thân ông Trúc cũng khẳng định là việc tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng 1 năm 2 lần như hiện nay là bất cập vì lứa lợn của dân có 3 tháng/lứa, có những đàn lợn chưa được tiêm. Vậy nhưng, ông vẫn khăng khăng điều kiện phải có tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng do thú y tiêm mới được nhận hỗ trợ lợn tai xanh tiêu huỷ là đúng đắn.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất