| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau cuộc chiến xoá nghèo của Trung Quốc

Thứ Hai 16/10/2017 , 09:42 (GMT+7)

Wang Qin, 59 tuổi, cặm cụi nhặt và lựa từng chút phế liệu trong đống đổ nát của một công trình ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Bà Wang phải lao động trung bình 15 tiếng/ngày để kiếm tiền nuôi gia đình nhỏ của mình, gồm một cháu gái đang tuổi ăn học.

Mỗi năm giúp 10 triệu người thoát nghèo

Bà Wang sống trong một căn nhà tạm (nếu có thể gọi như vậy với một chiếc lán), được dựng bất hợp pháp ở thủ đô Bắc Kinh. Gia đình nhỏ của bà Wang, gồm người chồng ốm đau và cô cháu gái đang đi học, sống dựa cả vào nguồn thu từ việc thu gom phế liệu của bà, vào độ 1.500 NDT/tháng (228 USD). Không có thêm khoản trợ cấp nào từ chính quyền. Như nhiều lao động di cư khác, họ không được xem là công dân ở Bắc Kinh, dù đã ở đây từ năm 2014. Và vì vậy, họ luôn phải chi trả cao hơn cho các dịch vụ như y tế, giáo dục. Chưa kể, họ luôn thường trực đối diện nỗi lo có thể bị chính quyền đuổi đi bất kỳ khi nào. Bà thổ lộ đã rất nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi với gánh nặng trên vai. “Tháng nào tôi cũng phải lo tiền học, tiền ăn uống cho nó (cháu gái). Cả cơ thể tôi đau nhức, không thể kiếm tiền hơn được nữa”, bà Wang nói.

Trung Quốc đặt mục tiêu xoá nghèo cho 40 triệu người tới năm 2020

Theo Reuters, những người như bà Wang chỉ là một trong hàng triệu người đang phải chật vật mưu sinh trong cảnh nghèo ở các đô thị Trung Quốc. Họ là thách thức đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo do ông Tập Cận Bình và Chính phủ Trung Quốc đặt ra vào năm 2015. Theo đó, Trung Quốc sẽ giải quyết 70 triệu người nghèo tại thời điểm năm 2020. 

Theo báo cáo của Trung Quốc, cho tới cuối năm 2016, vẫn còn 43,35 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo, với mức thu nhập trung bình 2.300 NDT/năm (dưới 1 USD/ngày). Từ nay tới năm 2020, mỗi năm Trung Quốc phải xoá nghèo cho 10 triệu người. Bộ Tài chính Trung Quốc nói từ năm 2013 - 2017, nước này đã chi 461,2 tỉ NDT cho các chương trình xoá đói, giảm nghèo. Các dự án tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phần khác vào giáo dục, y tế và phát triển nông nghiệp. Riêng năm 2017, ngân sách xoá nghèo là 86 tỉ NDT, tăng 30% so với năm trước đó. 

Theo Wall Street Journal (WSJ), từ thập niên 90 Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu xoá nghèo cho 800 triệu người. Cho tới năm 2014, các con số chính thức cho biết nước này chỉ còn hơn 82 triệu người dưới ngưỡng nghèo. Tuy nhiên, WSJ cho biết các con số trên còn phụ thuộc vào việc ngưỡng nghèo được tính như thế nào. Ví như theo Ngân hàng Thế giới (WB), thì người nghèo được tính là người có mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Theo cách tính này thì vào năm 2015, cứ 10 người Trung Quốc thì 1 dưới ngưỡng nghèo. Trung Quốc cũng là nước nằm trong tốp 5 quốc gia có nhiều người nghèo nhất trên thế giới. Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho rằng, việc Trung Quốc xoá nghèo cho 800 triệu dân xứng đáng là “một trong những câu chuyện tuyệt vời nhất lịch sử nhân loại”. 

Nghi ngờ

Nông thôn Trung Quốc là nơi số người nghèo chiếm đa số. Tuy nhiên một trong những khó khăn của công tác xoá nghèo ở những nơi này, là việc tiếp cận với giáo dục. Chuyên gia Wu Chen thuộc Viện Nguồn nhân lực xã hội Bắc Kinh cho rằng, các vùng nông thôn Trung Quốc đối diện khó khăn lớn do thiếu nhân lực bởi lao động di cư tới các thành phố lớn, môi trường bị huỷ hoại, đồng thời thiếu nguồn vốn đầu tư. 

Nhiều quan điểm khác cho rằng, chính quyền Trung Quốc mới chỉ hướng tới các mục tiêu trong ngắn hạn. Giáo sư Yang Lixiong thuộc Đại học Renmin (Bắc Kinh) cho biết: “Các chính sách hỗ trợ hiện nay (của chính quyền) chỉ xoá nghèo trong ngắn hạn. Người nghèo hoàn toàn có thể rơi trở lại dưới ngưỡng nghèo”. Ông Yang cho biết nếu thiếu hỗ trợ của chính phủ, nhiều người sẽ lập tức nghèo trở lại. Theo nhiều chuyên gia Trung Quốc, đầu tư mạnh cho giáo dục, cải thiện hệ thống dịch vụ y tế, công cộng mới là cách đúng để người nghèo thực sự thoát nghèo. Tuy nhiên theo ông Liu Yongfu, Trung Quốc trước mắt cần “chiến thắng và giải quyết vấn đề hiện tại”, trước khi hướng tới các mục tiêu sau năm 2020.

(Reuters, WSJ)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.