| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau nạn ăn cắp thây ma: Cuộc chiến giành xác chết

Thứ Sáu 05/12/2014 , 08:23 (GMT+7)

Cách nay ít ngày, chính quyền tỉnh Vân Nam ra quy định mới, yêu cầu mọi đảng viên và quan chức trong tỉnh phải “nêu gương” chấp nhận hỏa táng khi họ qua đời.

Lý do chính dẫn đến nạn trộm cắp thi thể là do người dân nhiều vùng của Trung Quốc cố gắng tìm cách chôn cất người thân qua đời thay vì đưa đi hỏa táng như yêu cầu của chính quyền, theo Hoàn cầu thời báo.

Nghĩa địa lấn đất trồng trọt

Tuy nhiên, vì đất trồng trọt ngày càng trở nên khan hiếm ở nhiều vùng nông thôn, nghĩa địa nhiều khi lại chiếm chỗ mà theo chính quyền, lẽ ra phải dành cho trồng trọt. Việc này là lý do Trung Quốc đã và đang cho áp dụng nhiều biện pháp an táng mới, ví dụ hải táng (đốt thành tro rồi thả xuống biển), áp dụng cho những thành phố ven biển như Thanh Đảo, Hạ Môn…, hay phương pháp an táng khác gọi là “chôn kiểu trồng cây”… để giải quyết xung đột giữa chuyện gia tăng dân số và hiện tượng diện tích đất trồng trọt co lại do đô thị hóa.

Do vậy chính quyền quy định ở những vùng đất trồng trọt hiếm, mật độ dân số cao hoặc có nhiều công trình hạ tầng giao thông hiện đại, người dân phải áp dụng hình thức hỏa táng.

Nhưng những quan niệm dân gian phổ biến ở Trung Quốc cho rằng thi thể người quá cố cần được giữ nguyên vẹn để cho kiếp sau đã khiến nhiều người dân phản đối kịch liệt hình thức hỏa táng, đặc biệt là người ở nông thôn. Nhiều gia đình tìm đủ mọi cách để có thể địa táng người thân.


Một trong những con đường dẫn từ Quảng Đông qua Quảng Tây, nơi các quy định về hỏa thiêu ít ngặt nghèo hơn (ảnh: contactdi.com)

Các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ hỏa táng trung bình ở Trung Quốc đã tăng tới 49,5% trong năm 2012 từ mức 36% của năm 1997. Bộ Nội vụ Trung Quốc tuyên cáo hồi tháng Tư năm nay một kế hoạch mở rộng các vùng áp dụng hỏa táng và tiến tới mục tiêu hỏa táng 100% ở tất cả những vùng bắt buộc phải hỏa táng vào năm 2020.

Để đạt mục tiêu này, nhiều chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều “chiến thuật” nhằm khuyến khích người dân áp dụng hình thức hỏa táng. Chính quyền huyện Chu Khẩu, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc từ năm 2012 phát động một chiến dịch quy mô với mục tiêu xóa sổ các nghĩa địa. Họ cung cấp dịch vụ an táng, vận chuyển, hỏa thiêu… miễn phí.

Tuy nhiên, chiến dịch gặp phải phản đối dữ dội. Cách nay ít ngày, chính quyền tỉnh Vân Nam ra quy định mới, yêu cầu mọi đảng viên và quan chức trong tỉnh phải “nêu gương” chấp nhận hỏa táng khi họ qua đời.

Còn ở Quảng Tây, nơi có tỷ lệ hỏa táng 24,9%, công bố kế hoạch hồi tháng Mười vừa qua với mục tiêu đạt tỷ lệ hỏa táng ngang mức trung bình của cả nước và đạt mức 90% vào năm 2020.

Là hình mẫu dẫn đầu ở cả yếu tố chính trị và cải cách kinh tế, tỉnh Quảng Đông cũng yêu cầu rất nghiêm ngặt về chuyện hỏa táng. Chính quyền tuyên bố hồi đầu năm rằng họ đạt 90% tỷ lệ hỏa táng từ nhiều năm nay. Ở Quảng Đông, hỏa táng là bắt buộc ở một số vùng và tỷ lệ hỏa táng là một chỉ số đánh giá năng lực quan chức địa phương.

Không đủ chỉ tiêu

Hoàng Quách Chí, quan chức của thị tứ Hà Hoa, Quảng Đông được xác định có hợp tác với nông dân họ Chung trong vụ đánh cắp một số xác chết ở Bắc Lưu, Quảng Tây. Vì việc này, Hoàng bị đình chỉ công tác, đợi hầu tòa.

Phàn nàn về những áp lực phải trải qua, Hoàng nói Hà Hoa có 50.000 dân. “Tỷ lệ chết tự nhiên là 0,5%, có nghĩa là mỗi tháng có 23 người chết và theo quy định, một nửa số này phải hỏa táng”, Hoàng nói với nhật báo Kinh tế Thành đô. “Nhưng những gia đình thực sự mang thi thể người thân đi hỏa táng ít hơn nhiều”.

Tỉnh Quảng Đông quy định rằng bất cứ thành phố nào có hơn 50.000 dân phải có tỷ lệ hỏa táng ít nhất 50% ở những vùng núi, 60% ở vùng đồi, 70% ở đồng bằng, 80% ở ngoại ô và 100% ở nội ô.

Chính quyền thành phố xếp hạng quan chức dựa vào tỷ lệ hỏa táng diễn ra ở 28 thị tứ mỗi tháng. Ba thị tứ xếp cuối bị cảnh cáo. Cuối năm, quan chức nào rơi vào ba vị trí cuối mất cơ hội thăng chức.

Nhưng vì bên Quảng Tây ít ngặt nghèo hơn về chuyện hỏa táng, nhiều người Quảng Đông bí mật chôn người thân trên đất Quảng Tây. Trong nhiều tháng, ở thị tứ của Hoàng có hơn 23 người chết, tuy nhiên vẫn không đủ giúp các quan chức đạt chỉ tiêu.

“Mỗi tháng, khoảng 10 nhà mang thi thể người thân chôn bên Quảng Tây. Thế thì chúng tôi lấy đâu ra xác người để thiêu cho đủ chỉ tiêu?”, Hoàng than vãn.

Vì thế, quan chức địa phương cũng tìm đủ cách ngăn chặn người dân bí mật chôn người. Khi có tin báo nhà ai có người chết, nhiều nhân viên công quyền lập tức tới nhà “đối tượng”, ở lại đó cho tới khi người chết được đem đi hỏa thiêu, theo nhật báo Kinh tế Thành đô. Có nhân viên nhà nước đã phải ăn đòn trả thù. “Trong khi nhà họ đang khóc lóc, chúng tôi canh chừng bên ngoài, đợi đến lúc họ mang đi hỏa thiêu. Như thế có phải là khiến họ nổi điên không”, nhân viên công lực này nói.

“Mọi cán bộ phải tham gia thuyết phục các gia đình. Cán bộ cấp xã, cán bộ thuộc ban đổi mới tang lễ, cán bộ cấp huyện hay cấp thị đều phải vào cuộc”, Lý Nguyên Xuân, lãnh đạo thị tứ Nawu nói với nhật báo Kinh tế Thành đô.

Đối với một số cán bộ, thu hồi những tử thi được chôn bí mật là công việc toàn thời gian. Hoàng Quách Chí, cán bộ thuộc ban đổi mới tang lễ trong hơn 5 năm, nói công việc của ông là “một cuộc chiến vô vọng”.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ “đặc tình”, Hoàng cùng một số đồng nghiệp tìm đến ngôi mộ bí mật và đào xác lên đem đi. Họ luôn làm việc này vào ban đêm và công việc ẩn chứa nhiều rủi ro. Một lần, đội của Hoàng phải chạy trối chết vì bị một đám đồng người làng xông ra tấn công.

Những cán bộ như Hoàng là kẻ thù của dân làng. “Tôi thường không dám ra ngoài vào ban đêm. Việc chúng tôi làm là đúng, nhưng không phải trong mắt người dân. Họ cho đó là một việc ác”.

Để tránh xung đột, theo Lý Nguyên Xuân, cán bộ ở Nawu giờ không đi thu hồi xác mà thông báo với tòa án. Tòa sẽ ra phán quyết buộc hỏa táng. “Nhưng nếu người dân phớt lờ phán quyết của tòa, chúng tôi chẳng làm gì được”, Lý nói. (Hết)

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.