| Hotline: 0983.970.780

Dành 1 triệu tỉ đồng xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 05/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Ngày 5/11, thảo luận tại hội trường hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, hầu hết ĐB Quốc hội đồng tình với Chính phủ nên rút gọn 16 Chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ tập trung đầu tư vào hai Chương trình là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.

Riêng xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, Chính phủ dự kiến dành 1 triệu tỷ đồng đầu tư chương trình này.

Tổng lực xây dựng NTM

Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Chính phủ dự kiến chỉ thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để đảm bảo tập trung nguồn vốn, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có quyền chủ động trong việc bố trí vốn tập trung, hiệu quả.

Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện một số nội dung quan trọng liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn: thu nhập tăng 1,8 lần so với năm 2015, 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Để đạt được mục tiêu này Chính phủ sẽ dành khoảng 1.000.000 tỷ đồng (trong đó: ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình: 120.000 tỷ đồng; lồng ghép với các chương trình, dự án khác: 80.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng; huy động các nguồn lực khác: 670.000 tỷ đồng).

Ngoài nguồn vốn trên, trong giai đoạn 2016 – 2020 còn nhiều chương trình, dự án khác có liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới như các Chương trình mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội các vùng; Phát triển kinh tế thủy sản bền vững; Phát triển lâm nghiệp bền vững; Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; Y tế - Dân số; Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; Quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm...

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): Indonesia bỏ chương trình MTQG về dân số thì bây giờ hậu quả đang quay trở lại. Đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc khi bỏ các chương trình MTQG vì chính những chương trình MTQG đó chúng ta nói là lãng phí, trùng lắp nhưng chưa thấy cơ sở. 
Nói lãng phí thì lãng phí chính ở chương trình dạy nghề nhưng ta vẫn giữ lại chương trình dạy nghề. Ví như chương trình tiêm chủng mở rộng chủ yếu là vốn ODA nếu ta không quan tâm đúng mức thì có khả năng chúng ta sẽ mất nguồn vốn này.

Ngoài ra, Chính phủ còn huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; các địa phương sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho quản lý và sử dụng đất lúa (khoảng 17.000 tỷ đồng); một phần nguồn thu từ xổ số kiến thiết để đầu tư cho Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới.

Ưu tiên tỉnh nghèo, huyện nghèo

Theo phương án của Chính phủ thì ngân sách hỗ trợ của Trung ương sẽ loại bỏ hoàn toàn 1.193 xã thuộc các tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách về Trung ương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ. Chương trình xây dựng NTM ở các tỉnh này sẽ do ngân sách địa phương bố trí đầu tư.

Ngân sách của TƯ sẽ ưu tiên tập trung cho 3.195 xã gồm: các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo QĐ số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo QĐ số 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; các xã nghèo thuộc: huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên; các xã nghèo thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng còn lại.

Cần làm rõ phương án huy động, phân bổ nguồn lực

Mặc dù đồng tình với phương án rút gọn các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, Chính phủ cần phải làm rõ phương án huy động và phân bổ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM bởi theo cách tính toán của Chính phủ thì trong giai đoạn 2016-2020 ngân sách Nhà nước sẽ đảm nhiệm tới trên 30% nguồn lực xây dựng NTM trong khi hiện nay ngân sách TƯ mới chỉ có 40 ngàn tỉ đồng còn lại là ngân sách địa phương? Đặc biệt cần làm rõ số tiền 670 ngàn tỉ vốn huy động ở các nguồn nào?

Lo ngại về việc huy động nguồn lực, ĐB Danh Út cho rằng: “Thời gian qua Chương trình xây dựng NTM còn ỷ lại vào ngân sách, việc huy động nguồn lực xã hội còn chưa được tốt, một số địa phương quá nặng huy động nguồn vốn trong dân để xây dựng NTM”.

Ngoài ra, ông Danh Út cũng đề nghị Chính phủ phải quan tâm bám sát vào mục tiêu của Chương trình là nâng cao đời sống của nhân dân khu vực nông thôn nhằm tránh tình trạng đầu tư đổ vào các xã giàu để đạt được NTM là nhiều. Vậy nên cần phải khuyến khích đầu tư cho xã nghèo và cần đặt tỉ lệ xã nghèo vươn lên đạt NTM phải là phần lớn trong mục tiêu 50% tổng số xã đạt vào năm 2020.

Đóng góp ý kiến ở nội dung này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu một thực tiễn bất cập về quy định vốn đối ứng khiến các tỉnh nghèo gặp khó khăn trong xây dựng NTM và theo ông nên có cơ chế linh hoạt về vốn đối ứng. “Tỉnh nghèo không có vốn đối ứng nên không nên cào bằng với tỉnh giàu. Tỉnh giàu thì có thể 50-50 nhưng tỉnh nghèo thì có thể phải cân đối lại vốn đối ứng là 70-30 hoặc thậm chí 80-20”, ĐB Thuyền nói.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất