| Hotline: 0983.970.780

“Đánh bạc” với chính quyền

Thứ Năm 11/11/2010 , 08:45 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân của 4 xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang sau khi có thông tin sáp nhập vào TP Bắc Giang, đã tranh thủ cơ hội ngàn năm có một để “đánh bạc với chính quyền”, xây nhà ngay trên những thửa ruộng canh tác, cho dù bị ngăn cản.

Hàng trăm hộ dân của 4 xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang sau khi có thông tin sáp nhập vào TP Bắc Giang, đã tranh thủ cơ hội ngàn năm có một để “đánh bạc với chính quyền”, xây nhà ngay trên những thửa ruộng canh tác, cho dù bị ngăn cản.

100% đi vay xây nhà trái phép

Ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, chủ nhân ngôi nhà 2 tầng đang xây dang dở trên mảnh đất vừa thu hoạch lúa, vừa chỉ tay đốc thúc đám thợ đang mải mê trêu đùa mà không vào việc, vừa nói với tôi: “Chả giấu gì chú, các em nó lớn cả rồi, chuẩn bị dựng vợ gả chồng cho chúng nó. Nhà thì đông người, chỗ ở trong xóm lại chật chội, nên liều “đánh bạc” vậy. Biết là xây nhà ở trên đất canh tác là sai rồi nhưng cực chẳng đã phải làm thôi, cũng lo ngay ngáy chứ có phải không đâu”.

Lo cũng phải, bởi gia sản nhà ông Tuấn chả có gì, ngoài mấy sào ruộng khoán, trong đó có thửa ruộng ông đã nhắm mắt làm liều xây nhà lên đó. Mấy ngày hôm nay, ông Tuấn luôn phải túc trực ở “công trường”, bởi lo cánh thợ không chú tâm vào công việc mà làm hỏng hết cả việc nhớn của mình. “Không xây nhanh, chính quyền phát hiện ra xây trái phép, họ mà đập đi thì có mà ăn cám”, ông Tuấn tâm sự.

Được biết, để xây dựng ngôi nhà này, gia đình ông không có tiền nên đã phải đi vay ngân hàng được khoảng 100 triệu đồng, cùng với huy động của gia đình bạn bè được tổng cộng khoảng 400 triệu đồng để xây dựng. "Tất cả những hộ đang xây dựng nhà ở đây đều biết việc xây dựng của mình là trái phép. Chỉ mong sao nhà nước không cưỡng chế, tháo dỡ thì chúng tôi “được” mà nếu họ làm căng quá thì chúng tôi “thua”, cứ như là đánh bạc với chính quyền vậy”, một chủ nhà đang xây dựng gần đó xen ngang.

Một số ngôi nhà đang được xây dựng trái phép tại thôn Tân Phượng

Đoạn đường từ tỉnh lộ 398 về thôn Tân Phượng dài khoảng hơn 500 mét ngổn ngang cát, sỏi, gạch, xi măng… Đếm sơ sơ cũng đến gần hai chục ngôi nhà đang xây dựng. Trong đó có đủ loại từ nhà cấp 4 đến nhà hai, ba tầng bằng bê tông kiên cố. Tất cả đều đang trong giai đoạn xây dựng dở dang, nhà thì mới được cái móng, nhà thì đã chồng lên được một, hai tầng...

 Ông Hoàng Văn Hồng, Trưởng thôn Tân Phượng cho biết: Việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp của người dân trong thôn giờ đang là “mốt”. Nó bùng phát mạnh khi có thông tin xã Tân Mỹ là một trong 4 xã của huyện Yên Dũng được sáp nhập về TP Bắc Giang. Đến nay, toàn thôn có khoảng hơn 50 hộ đang xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 20 ngôi nhà được xây dựng kiên cố, thậm chí có 3 nhà đã xây dựng nhà ba tầng khang trang.

Theo quy định, tất cả việc xây dựng này đều trái phép, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ nhưng mọi việc chỉ như đá ném ao bèo. Vắng mặt chính quyền địa phương và các cơ quan công an là các hộ dân bắt đầu xây dựng bất kể ngày đêm. Vào dịp trước Tết nguyên đán năm ngoái, thôn đã cưỡng chế tháo dỡ hơn 20 ngôi nhà nhưng ngay trong dịp Tết, nhiều nhà lại bắt tay vào xây dựng với phương châm: xây nhà trước, ăn Tết sau.

Tuy nhiên, điều lạ là hầu hết các hộ xây nhà trái phép đều phải đi vay mượn để xây dựng: “Theo tôi tính toán thì 100% các hộ phải đi vay chứ anh tính, làm gì ở nông thôn có nhà nào có vài trăm triệu đồng bỏ ra để xây nhà. Nếu bị cưỡng chế đợt tới, chắc chắn nhiều gia đình trắng tay”, ông Hồng cho biết.

Xây nhanh như đua xe

Để hoàn thành công trình xây dựng của mình cho “kịp tiến độ”, rất nhiều hộ dân của các xã trên không ngại bỏ tiền công cao cấp nhiều lần giá thị trường để thuê thợ làm, bất kể ngày đêm. Hộ ông Nguyễn Văn An có 2 sào đất nông nghiệp nằm cạnh trục tỉnh lộ 398, một sào ông đã chuyển nhượng, số đất còn lại, sau khi thu hoạch lúa, ông cho xây dựng mấy gian nhà cấp 4. Người dân ở thôn Tân Phượng đã từng chứng kiến “tốc độ xây nhà của ông An như một chiếc xe đua F1”, chỉ từ tối đến sáng hôm sau, căn nhà cấp 4 đã được hoàn thành. 

Ngay gần UBND xã Tân Mỹ cũng có nhiều bãi tập kết vật liệu nhằm xây dựng ngay khi có cơ hội

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Yên Dũng thì tại 4 xã được chuyển giao về TP Bắc Giang bao gồm: Tân Mỹ, Song Khê, Đồng Sơn và Tân Tiến, có khoảng 269 trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, riêng xã Tân Mỹ đã có 230 trường hợp vi phạm. Giải thích việc bùng phát vi phạm này, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Cũng có nguyên nhân không nhỏ từ việc giải quyết không thống nhất trước đây đối với một số trường hợp trên địa bàn xã Tân Mỹ. Cụ thể, cách đây vài năm cũng có một số hộ gia đình xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp nhưng sau đó do luật pháp, cơ chế thay đổi nên đã được hợp thức hoá.

Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cũng thừa nhận: Đầu năm 2010, xã cũng đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng trái phép đối với 26 hộ thuộc thôn Tân Phượng, tuy nhiên đối với các trường hợp vi phạm còn lại (khoảng 35 trường hợp khác) ở các thôn lân cận thì lại… để nguyên. Chính điều này khiến cho các hộ dân ở Tân Phượng bất bình. Ngay sau khi có quyết định chính thức của Chính phủ và UBND tỉnh Bắc Giang về việc sáp nhập xã Tân Mỹ vào TP Bắc Giang thì những bức xúc này nhanh chóng bùng phát thành việc “tăng tốc” xây dựng các công trình ở tất cả các hộ dân có đất ruộng, ao sát với khu vực đất thổ cư.

Người dân sẵn sàng bỏ ra 200-300 nghìn đồng/đêm/người để thuê thợ làm cật lực. Không ít những nhà cấp 4 hoàn thành chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Tất cả các thôn hiện đều có hộ gia đình vi phạm nhưng riêng thôn Tân Phượng hiện nay cũng là điểm nóng nhất với khoảng 1/4 số vụ vi phạm được phát hiện của xã.

Khó xử lý

Tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh Bắc Giang mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đăng Khoa yêu cầu phải xử lý một cách triệt để nhằm chặn đứng tình trạng này. Huyện Yên Dũng cũng đã thành lập hẳn một đoàn làm việc do ông Phó Chủ tịch UBND huyện nằm vùng ngay tại xã, lực lượng công an có nhiệm vụ túc trực 24/24 giờ để xử lý các trường hợp bất ngờ xảy ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là vấn đề không đơn giản bởi động chạm lớn đến lợi ích của người vi phạm.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cũng cho biết: “Một mặt chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân để họ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, mặt khác chúng tôi sẽ kiên quyết cưỡng chế đối với các hộ vi phạm không tự giác tháo dỡ”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, để cưỡng chế được cũng là điều không đơn giản bởi vấp phải sự phản ứng mạnh của những người vi phạm. Hầu hết các chủ phương tiện máy xúc, máy ủi ở lân cận đều bị người dân đe doạ nên không có phương tiện phá dỡ. 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.