| Hotline: 0983.970.780

Đánh giá vụ lúa xuân 2010 ở Thái Bình

Thứ Hai 07/06/2010 , 10:43 (GMT+7)

Cho đến thời điểm này, đầu tháng 6 năm 2010, nếu không còn gì biến động lớn về ngoại cảnh, các tỉnh miền Bắc nói chung và Thái Bình nói riêng lại trúng mùa.

Cho đến thời điểm này, đầu tháng 6 năm 2010, nếu không còn gì biến động lớn về ngoại cảnh, các tỉnh miền Bắc nói chung và Thái Bình nói riêng lại trúng mùa.

Phải nói rằng kết quả của 6 tháng vật lộn với điều kiện bất thuận như nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm của các tháng 12-2009, tháng 1 và 2 của 2010, (cao hơn từ 2,5-2,9 độ C); rồi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt diễn biến phức tạp của các đối tượng sâu bệnh lạ như lùn sọc đen phương nam, lùn xoắn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh xuất hiện và gây hại ngay khi mà nông dân vừa kết thúc gieo cấy… tất cả những trở ngại tưởng khó vượt qua ấy đã được giải quyết ổn thỏa và một mùa vàng bội thu đã hiển hiện.

Theo đánh giá chung ở Thái Bình cho thấy: Năng suất trà lúa xuân sớm với các giống VN-10, Xi23, X21, 13/2 thua kém khoảng 10% so với vụ xuân năm trước. Diện tích này gieo cấy trước tết âm lịch và phân hóa vào cuối tháng 3, trổ bông cuối tháng 4 có số hạt/bông thấp, năng suất chỉ đạt trên dưới 65 tạ/ha, thấp nhất là VN-10, riêng Xi23 có thể đạt 67-68tạ/ha vì trổ bông sang đầu tháng 5. Thái Bình có gần 10 ngàn ha lúa trổ bông trong tháng 4 tập trung chủ yếu trên các giống dài ngày. Số liệu về số hạt và số hạt chắc bình quân/bông gia tăng với tất cả các giống trổ bông sang đầu tháng 5 và đạt đỉnh vào thời điểm 10-15/5.

Trà xuân muộn mặc dù là năm ấm nhưng thời điểm phân hóa và trổ bông nằm trong ngưỡng rất an toàn cả nền nhiệt và bức xạ, có trên 70 ngàn ha lúa xuân muộn trổ bông từ 5-20 tháng 5 với mức năng suất ước đạt trên 70 tạ/ha.

Trà xuân muộn năm nay được mùa trên tất cả các giống, nhất là các giống lúa lai. Nhiều ruộng lúa lai với các giống mới như TX-111 (Công ty CP giống cây trồng Thái Bình) nhiều bà con nông dân ước tính đạt 75-78tạ/ha diện rộng và không ít ruộng đạt 80tạ/ha. Các giống lúa lai khác như CNR02, Nam dương 99, Thục hưng 6, BTE-1, Phú ưu 1, Syn-6... đều cho năng suất ước tính 74-75tạ/ha. Màu sắc lá công năng vụ xuân này được đánh giá tuyệt đẹp, lá chuyển xanh vàng, sáng khi mà 2/3 số hạt đã chín thương phẩm, cả cánh đồng rực rỡ hết sức đẹp mắt.

Cùng chia vui với bà con nông dân và cả khối cán bộ ngành nông nghiệp, công sức mà tất cả chúng ta bỏ ra đã được đền đáp. Xin được chia sẻ một số bài học mà Thái Bình chiêm nghiệm.

Thứ nhất: Xác định và tiên lượng trước các tình huống để chủ động ứng phó, chính là một trong những bài học quý giá. Việc tiên lượng được trước và thực tế diễn ra gần như kịch bản mà chúng ta chuẩn bị sẵn sàng thì tất cả các cấp các ngành các địa phương đều cảm thấy an tâm và không hoang mang dao động.

Thứ hai: Huy động tổng lực được sự tham gia vào cuộc của tất cả các cấp các ngành, hay nói khác là sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba: Việc chỉ đạo phải sâu sát, cụ thể và quyết liệt, không thể chỉ hô chung chung, xử lý tình huống phải khoa học, kịp thời và gắn với các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân.

Thứ tư: Vai trò vô cùng quan trọng của công tác đào tạo huấn luyện nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân, đặc biệt việc tuyên truyền qua hệ thống các kênh thông tin tổng hợp, như đài phát thanh truyền hình, hệ thống phát thanh, truyền thanh huyện, xã…

Thứ năm: Chú trọng cung cấp thông tin, nâng cao trình độ của khối cán bộ kỹ thuật trong ngành, cán bộ cơ sở, huy động tối đa và tăng cường khối cán bộ kỹ thuật của ngành bám đồng, bám ruộng với nông dân, xử lý nhanh gọn và triệt để các tình huống, dự tính, dự báo sâu bệnh hại chính xác, kịp thời.

Thứ sáu: Khẳng định cơ cấu chủ đạo của giống lúa ngắn ngày, trà xuân muộn - Trà lúa luôn có tính ổn định cao trước những biến động thất thường của thời tiết.

Xin được điểm qua quá trình tổ chức chỉ đạo vụ lúa xuân 2010 ở Thái Bình để thấy rõ hơn những bài học trên:

Trước hết từ các nguồn thông tin được đăng tải trên các phương tiện, các công văn hướng dẫn chỉ đạo của Bộ và các cục vụ chuyên ngành, từ thực tế sản xuất của vụ xuân những năm ấm, năm rét đã được tổng kết, nhất là sự xuất hiện và gây hại nghiêm trọng của bệnh LSĐ phương nam, của nhện gié từ vụ mùa năm 2009; Ngành nông nghiệp Thái Bình đã chủ động tham mưu và xây dựng đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè của năm 2010 ngay từ tháng 11 năm 2009. Đề án được UBND tỉnh ra quyết định thực hiện và ban hành cùng với các cơ chế hỗ trợ cụ thể và sớm hơn từ khi chuẩn bị vào vụ; đề án nhấn mạnh những khó khăn thách thức của vụ lúa xuân là: Thời tiết ấm, nếu cơ cấu trà dài ngày lớn sẽ khó ứng phó và thiệt hại lớn do lúa giảm NS vì trổ sớm. Vấn đề thách thức thứ hai là hạn, thiếu nước, áp lực nước ngọt thấp khiến xâm nhập mặn gay gắt hơn, thách thức thứ ba đó là hệ lụy của biến đổi khí hậu kéo theo nó là các vấn đề sâu bệnh hại và nguy hiểm hơn cả là bệnh LSĐ phương nam, cuối cùng thì đòi hỏi cấp thiết và mang tính chính trị cao là phải giữ an toàn được sản xuất lúa vụ xuân, một vụ quyết định NS, tốc độ tăng trưởng của cả ngành và quyết định tới tính ổn định của xã hội.

Với những khó khăn thách thức trên, đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè của Thái Bình kiên trì mục tiêu mở tối đa trà xuân muộn. Riêng sâu bệnh hại, nhất là bệnh LSĐ, Thái Bình chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp đầu tiên và rất sớm từ tháng 11 năm 2009, kế hoạch này cũng được Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh thông qua và ban hành với mức dự toán kinh phí dự phòng chi cho kế hoạch này lên tới trên 25 tỷ đồng.

Thực hiện đề án và kế hoạch phòng chống LSĐ, đầu tiên ngành NN cập nhật kiến thức và những thông tin về thời tiết, bệnh LSĐ, nhện gié cho toàn thể khối cán bộ kỹ thuật trồng trọt của ngành (mời Viện trưởng Viện BVTV và giảng viên Đại học NN Hà Nội truyền đạt); công tác tuyên truyền, tập huấn và cảnh báo cho nông dân các địa phương về thách thức và khó khăn cùng các giải pháp đi kèm được triển khai tới tất cả các thôn, xóm thông qua chương trình hỗ trợ mở các lớp tập huấn cho cán bộ thôn, xóm và cho nông dân. Hàng ngàn lớp tập huấn như vậy đã được triển khai suốt từ giữa tháng 11 đến hết tháng 1 năm 2010 mà lực lượng lòng cốt là khối cán bộ kỹ thuật của ngành, tài liệu, giáo trình tập huấn được thống nhất và phương châm truyền đạt là ngắn gọn đủ hiểu và cũng đủ cảnh báo cho nông dân, nhất là bệnh LSĐ, để họ giám sát theo tính cộng đồng. Các biện pháp gieo mạ nền cứng, biện pháp che phủ màng mỏng ngăn chặn rầy chích hút, phun thuốc trừ rầy nội hấp trước cấy vài ngày được tuyên truyền rát rạt. Diện tích gieo sạ gieo vãi tỉnh đã trích ngân sách hơn 400 triệu đồng hỗ trợ toàn bộ thuốc xử lý hạt giống vừa hỗ trợ sinh trưởng, ra rễ vừa ngăn chặn sự chích hút của rầy sau gieo.

Thái Bình và một số tỉnh ven biển đã “nếm mùi” LSĐ phương nam từ vụ mùa 2009 nên ý thức rằng cần phải làm tất cả để ngăn chặn cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ gây hại đến không ngờ của bệnh này, chính vậy ngay từ sau vụ mùa, trên cây vụ đông, trên một diện tích nhỏ mạ nhóm dài ngày gieo sớm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo và giao chi cục BVTV tỉnh bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm và tham mưu kịp thời. Ngay từ thời kỳ đó khối cán bộ chuyên ngành này đã phải lội đồng săm soi kỹ từng mảnh ruộng, từng chân mạ gieo dược ở các khu vực, họ thăm còn kỹ hơn cả nông dân thăm ruộng của mình, ổ bệnh đầu tiên được phát hiện trên mạ chỉ với vài sào ở An Bình - Kiến Xương được họ phát hiện ra chứng minh điều đó. Sau cấy, việc canh coi được chỉ đạo sâu sát và quyết liệt hơn, chính việc phát hiện sớm ngay khi có các cây bị bệnh rồi các hội nghị tuyên truyền, triển khai biện pháp phòng chống được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh cùng các cấp các ngành vào cuộc, tiêu hủy ngay các cây bị bệnh, tiêu diệt môi giới truyền bệnh là rầy các loại đã góp phần to lớn vào việc ngăn chặn thành công dịch hại ngay từ khi nó còn “trứng nước”.

Tuyên truyền cho sản xuất nông nghiệp được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống phát thanh truyền hình dành thời lượng tối đa, Đài PTTH tỉnh liên tục phát sáng, trưa, tối các vấn đề về cơ cấu, thời vụ, về bệnh LSĐ, một giờ học toàn tỉnh về bệnh LSĐ, biện pháp phòng chống, được Ban tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện trên truyền hình là một minh chứng sâu sắc về sự phối hợp và vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Với vấn đề hạn và xâm nhập mặn, một đề án tưới tiêu cho lúa vụ xuân được ngành chỉ đạo xây dựng, các kịch bản được đưa ra và tùy thực tế để lựa chọn cách thực thi hiệu quả cho việc trữ nước, tưới là chính, đảm bảo tưới khoa học không để hạn, mặn gây hại và Thái Bình làm rất tốt điều này, suốt cả vụ nhu cầu nước được đảm bảo cho cây lúa, cây màu, mặn cũng không tác động nhiều tới các vùng ven biển như một số tỉnh bạn. Chưa năm nào khối lượng nạo vét sông trục và các sông kênh cấp 1, cấp 2 lại làm được khối lượng lớn như vụ đông xuân 2009-2010; gần 6 triệu m3 đất bùn được nạo vét, gấp 2 lần những năm trước các sông, kênh của Thái Bình trữ đủ nước cho đổ ải cho tưới dưỡng cả vụ.

Có thể nói vụ xuân 2010, một vụ xuân khó khăn chồng chất, áp lực căng thẳng, song thắng lợi đã trong tầm tay, chỉ mong bà con nông dân trân trọng thành quả của chính mình thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng” chín đến đâu thu ngay đến đó, giữ lấm trên ruộng cày lật đất ngay để vừa ngăn chặn nguồn rầy lưu trú vừa cho đất nhanh ngầu để vụ mùa tới chúng ta lại có một vụ mùa bội thu.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Cô gái sở hữu 6 trại nấm, thu nhập ổn định 20 - 25 triệu đồng/tháng

BẾN TRE Qua 7 năm khởi nghiệp từ nghề trồng và kinh doanh nấm các loại, gia đình chị Mai Thị Ánh Xuân đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập khá.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.