| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 23/12/2014 , 08:40 (GMT+7)

08:40 - 23/12/2014

Đành lòng vậy, cầm lòng vậy!

Không chịu đầu tư thiết bị, công nghệ mới, không thu hút được nhân tài, cho dù giá trị xuất khẩu có đạt bao nhiêu chăng nữa, chúng ta vẫn phải “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” mà chấp nhận cái phần bèo bọt nhất về mình.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ liên tục tăng trong 15 năm qua.

Nếu năm 2000, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được khoảng 800 triệu USD (chiếm 1% giá trị xuất khẩu của toàn khối ASEAN vào Mỹ), thì kết thúc năm 2014 này, dự kiến con số đó là 29,4 tỷ USD, tăng gần 36 lần và chiếm 22% giá trị xuất khẩu của ASEAN vào thị trường Mỹ, vượt xa các đối thủ chính trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Hiện Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này, xếp thứ nhất về kim ngạch xuất khẩu cá basa, thứ hai về hàng dệt may, da giầy và thứ ba về tôm và gỗ…

Đó quả là những tin vui. Nhưng, đằng sau những con số rất đẹp, rất lớn ấy, chúng ta được gì?

Xin nói ngay rằng phần thực hưởng của chúng ta rất ít. Trong tổng giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD về dệt may, 3 tỷ USD hàng da giầy vào thị trường Mỹ trong năm nay, phần thực hưởng ấy chỉ khoảng 1 phần 10.

Bởi từ mảnh vải, mảnh da cho đến cái cúc áo, sợi chỉ khâu… đều đến từ nước ngoài. Nghĩa là chúng ta chưa làm nổi, phải đi nhập, phải phụ thuộc. Chúng ta chỉ “làm thay” cho nước ngoài phần việc cuối cùng là cắt, may những chiếc áo, chiếc giầy hay lắp ráp cái tivi, cái điện thoại di động… Rồi mang đi xuất khẩu, bằng những công nghệ và thiết bị lạc hậu đến vài ba thế hệ, bằng lao động rẻ mạt và bằng việc vắt sức công nhân.

Thực chất là chúng ta đang xuất khẩu thay cho nước ngoài để hưởng những “đồng rơi đồng vãi”. Những thiết bị điện tử của Samsung gần đây là minh chứng rõ nhất cho việc xuất khẩu thay cho nước ngoài đó.

Trong 170 mặt hàng đơn giản nhất như con ốc, cái vít, cái tai nghe, cái sạc pin… mà họ cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp, chúng ta đều bất lực, chỉ làm được mỗi thứ là hộp carton đựng hàng. Trong một cái tivi hay cái điện thoại di động xuất khẩu từ Việt Nam ra nước ngoài, trị giá năm, bảy trăm USD ấy, cái hộp carton chỉ có giá trị vài USD.

Trong mỗi cái áo hay đôi giầy xuất khẩu, trị giá vài ba trăm USD ấy, tiền công của người thợ cắt may còn thảm hại hơn. Hàng chục ngàn công nhân, nói như một vị lãnh đạo của Hiệp hội da giầy Việt Nam, là phải làm đến “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, mới kiếm được chút tiền công hết sức còm cõi, chỉ sống nổi chừng hai phần ba số ngày trong tháng, với mức sống rất khiêm tốn. Những ngày còn lại, người lao động phải… xoay xở bằng đủ cách.

Không chịu đầu tư thiết bị, công nghệ mới, không thu hút được nhân tài để làm tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật và hàm lượng chất xám trong các sản phẩm của mình, làm tăng sức cạnh tranh. Chỉ chăm chăm vào việc khai thác những tài nguyên sẵn có như tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, tài nguyên nước… mang bán thô, và chấp nhận kiểu kinh doanh “lấy công làm lãi”, làm thuê cho nước ngoài. Thì dù giá trị xuất khẩu có đạt bao nhiêu chăng nữa, chúng ta vẫn phải “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” mà chấp nhận cái phần bèo bọt nhất về mình. Và nền kinh tế của chúng ta vẫn chỉ là một nền kinh tế gia công, phụ thuộc và thiếu bền vững.