| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng năng lượng mặt trời

Thứ Năm 26/08/2010 , 09:22 (GMT+7)

Sau Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 28 (AMEN 28) vừa diễn ra tại Đà Lạt, vấn đề tiết kiệm năng lượng đã được xác định cho cả khối cùng thực hiện. Trong đó, việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để thực hành tiết kiệm như đã cam kết là một trong những nội dung của Hội nghị gây được sự chú ý cao.

Từ nội dung của Hội nghị, nghĩ lại việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời đã được người dân Đà Lạt (Lâm Đồng) triển khai trong một vài năm gần đây để ý thức hơn vấn đề tiết kiệm năng lượng – vấn đề đang được cả thế giới quan tâm.

Cũng cần nhắc lại rằng, trong khuôn khổ AMEN 28 tại Đà Lạt vừa qua (cuối tháng 7.2010), Bộ Công thương cho biết: Việt Nam trong chiến lược năng lượng quốc gia những năm tới, vấn đề được đặt ra là sẽ đặc biệt chú trọng đến phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo; trong đó có năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt và điện hạt nhân.

NHÌN TỪ ĐÀ LẠT

Từ thực tế triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng tại Lâm Đồng và một số địa phương khác trong những năm gần đây, thạc sỹ Huỳnh Kim Tước – GĐ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM – rút ra bài học: “Tiết kiệm năng lượng, về bản chất, có liên hệ cực kỳ mật thiết đến tài chính, công nghệ, môi trường. Ở góc độ kinh tế, đây sẽ là một thị trường vô cùng lớn, tác động sâu sắc đến nhiều hoạt động. Năng lượng từng đem đến sự thịnh vượng cũng như gây sụp đổ kinh tế… ở không ít quốc gia, xứng đáng được xem như một ngành kinh tế. Do vậy, cần có một tầm nhìn, một hệ thống cho ngành kinh tế này với sự tham gia của nhiều thành phần”. Vậy, chúng ta có thể nhìn lại vấn đề tiết kiệm năng lượng mặt trời đã được triển khai ở TP Đà Lạt của Lâm Đồng để rút ra một vài kinh nghiệm nào đó cho không chỉ của riêng vùng Tây Nguyên.

Đến lúc này, với người dân Đà Lạt và một vài địa phương lân cận, việc khai thác năng lượng mặt trời vào việc sản xuất ra nước nóng để sử dụng đã không còn là chuyện xa lạ. Theo các nhà khoa học, việc sử dụng năng lượng mặt trời như thế không những tiết kiệm được chi phí cho người dân mà còn có lợi rất lớn trong việc không gây ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan quản lý môi trường và năng luợng Pháp (ADEME) thì tại Đà Lạt, lượng điện hạ thế để sản xuất nước nóng chiếm hơn 50% tổng số điện năng tiêu thụ trong các khách sạn và hộ gia đình. Việc các khách sạn, nhà nghỉ và hộ gia đình ở Đà Lạt – thành phố luôn lạnh – phải dùng điện để sản xuất nước nóng dùng trong sinh hoạt đã gây nên sức ép đáng kể cho ngành điện lực trước tình hình khan hiếm điện năng trong nhiều năm qua. Theo các nhà khoa học của Trường Đại học Yersin (Đà Lạt), Đà Lạt tuy có khí hậu mát mẻ quanh năm nhưng không phải là nơi có nhiệt độ trung bình thấp nhất nước; đặc biệt là vào mùa khô, bức xạ mặt trời khá tốt nên hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời thay thế điện năng trong việc đun nước nóng để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Trên cơ sở đó, Đại học Yersin đã thiết lập chương trình mô phỏng và thiết kế các hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và bước đầu thử nghiệm ở 6 hộ gia đình và khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn Đà Lạt từ vài năm trước.

Kết quả cho thấy: Các khách sạn, nhà nghỉ và hộ gia đình cho biết là họ đã tiết kiệm được khoảng 50% chi phí tiền điện mỗi tháng so với trước khi sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Nhiều chủ các nhà nghỉ, khách sạn cho biết, với giá thành khoảng trên dưới 10 triệu đồng để lắp đặt một hệ thống thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, chỉ trong vài năm là họ có thể “hoàn vốn” nhờ tiết kiệm được 50% chi phí tiền điện mỗi tháng. Trong khi đó, một bộ hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời như thế có tuổi thọ đến những 15 – 20 năm. Điều đáng nói nữa là việc lắp đặt hệ thống thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời góp phần đáng kể vào việc làm giảm bớt áp lực cho ngành điện lực trong tình hình khan hiếm điện năng như hiện nay. Trên cơ sở của thành công này, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã đề ra chương trình tiết kiệm điện bằng hình thức mở rộng xu thế khai thác tiềm năng sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời trong phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là đối với thành phố Đà Lạt.

CẦN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Nguồn năng lượng mặt trời được khai thác trong việc đun nước nóng tại Đà Lạt đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, chỉ mới khai thác nguồn năng lượng này vào việc đun nước nóng không thôi là chưa đủ. Một hướng mở mới cho không chỉ người dân Đà Lạt trong tương lai là nguồn năng lượng mới này còn có thể khai thác trong việc nấu ăn. Ở một vài địa phương khác, Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) đã triển khai thí điểm chương trình thay thế bếp ăn bằng bếp năng lượng mặt trời và kết quả mang lại khá rõ nét: Không chỉ tiết kiệm chi phí mà bếp năng lượng mặt trời còn góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện tại, bếp năng lượng mặt trời đang khá phổ biến ở nhiều vùng quê nghèo ở một số địa phương trong nước, đặc biệt là Đà Nẵng (do Đại học Bách khoa Đà Nẵng triển khai). Thiết nghĩ, không chỉ Đà Lạt mà cả vùng Tây Nguyên cần nên tham khảo mô hình này để triển khai trong dân trong thời gian sắp đến.

Trong cả nước, việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời đã trở nên khá phổ biến. Ngay từ năm 1990, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng của Trường Đại học bách khoa TP HCM đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời vào sinh hoạt hằng ngày của con người và đã thu lại những kết quả khá khả quan. Lâm Đồng hiện đã bắt đầu triển khai chương trình đánh thức tiềm năng năng lượng mặt trời cũng là một cơ hội tốt để góp phần giảm thiểu áp lực cho ngành điện, tiết kiệm chi phí cho người dân và giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường. Hy vọng đây là cơ hội tốt để nguồn lợi mới này được khai thác một cách có hiệu quả trong đời sống hằng ngày của người dân ở các tỉnh miền núi thuộc Tây Nguyên có điều kiện kinh tế chưa phải là khá giả!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.