| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/08/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 16/08/2017

Đánh thuế bất động sản hay thuế tài sản?

Bộ Tài chính vừa hoàn thành báo cáo chuyên đề thực trạng thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thuế liên quan đến đất đai và bất động sản (BĐS).

Trong báo cáo, Bộ này khẳng định, việc nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hoặc thuế BĐS là rất cần thiết, bởi điều này nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Những đề xuất trên được xã hội, đặc biệt là giới chuyên gia kinh tế - tài chính, quan tâm. Nếu những chính sách trên trở thành hiện thực, thì người giàu là đối tượng chịu tác động đầu tiên. Tuy Việt Nam chưa phải là một đất nước giàu có, nhưng số lượng người giàu (được cho là có tài sản từ 30 triệu USD trở lên, theo chuẩn quốc tế) đang tăng rất nhanh. Tài sản của họ chủ yếu nằm ở BĐS, cổ phiếu, tiền gửi và xe cộ... Trong đó có không ít quan chức giàu có không bằng con đường chân chính. Có người có tới cả chục BĐS, họ mua không phải để ở mà là để đầu cơ.

Đánh thuế BĐS (không phải đánh vào số lượng BĐS mà đánh thuế căn cứ vào giá trị của BĐS đó), thì thứ nhất, sẽ hạn chế được nạn đầu cơ BĐS. Thứ hai, để đánh thuế, cơ quan chức năng bắt buộc phải xác minh chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà của BĐS. Qua xác minh, sẽ phát lộ những chủ nhân, do làm ăn bất chính nên phải giấu kín những BĐS đó. Từ đó, cơ quan chống tham nhũng có đủ căn cứ để buộc những chủ nhân đó giải trình về nguồn gốc tài sản. Nếu giải trình không hợp lý, sẽ tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Còn đánh thuế tài sản, theo chuyên gia Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, tức là đánh thuế vào những thứ khác ngoài BĐS như vốn đầu tư vào doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp, du thuyền, máy bay, xe sang... Mỗi thứ sẽ có một mức thuế riêng, bằng bao nhiêu phần trăm giá trị của tài sản đó. Thông qua thuế, Nhà nước sẽ kiểm soát được tài sản, đóng góp được nguồn thu cho ngân sách.

Nếu hai sắc thuế này trở thành hiện thực, thì ngân sách sẽ có thêm những nguồn thu đáng kể. Đánh thuế BĐS sẽ khiến cho thị trường BĐS trở nên lành mạnh hơn, nạn đầu cơ BĐS sẽ giảm, nguồn cung BĐS cho người có nhu cầu thật sự về nhà ở sẽ tăng. Còn đánh thuế những tài sản khác, thì những người giàu có một cách chân chính sẽ có cơ hội được đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, không nên đánh thuế đối với những BĐS là nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Đối với những đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, nếu hộ gia đình tuy đã có 1 ngôi nhà nhưng diện tích ở bình quân dưới 10 m2/người mà mua thêm một BĐS thứ hai, thứ ba làm nơi ở, mà tổng diện tích các BĐS mua thêm đó dưới 200 m2, thì cũng không nên đánh thuế...

Tất cả những đề xuất, kiến nghị này sẽ được Bộ Tài chính tiếp thu, khi bắt tay xây dựng luật thuế Bất động sản.