| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 27/02/2013 , 09:51 (GMT+7)

09:51 - 27/02/2013

Đánh thuế tiền tiết kiệm?

Quyết định áp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp đối với hoạt động chế tác vàng, đồ trang sức từ ngày 1/3 tới khiến dư luận phản ứng gay gắt...

Quyết định áp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp đối với hoạt động chế tác vàng, đồ trang sức từ ngày 1/3 tới khiến dư luận phản ứng gay gắt vì cho rằng thực chất đây là việc đánh thuế vào tiền tiết kiệm của dân.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan chức năng thì việc áp thuế GTGT trực tiếp đối với các loại vàng trang sức được thực hiện từ ngày 1/3 tới nhằm mục đích ổn định thị trường vàng trong nước, đồng thời giảm lượng vàng tích trữ trong dân, nói cách khác là nhằm làm giảm sự lãng phí khi để tiền "chết" dưới dạng tài sản không sinh lời.

Có thể thấy mục đích của việc ban hành quyết định này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng quyết định kể trên của NHNN đã được ban hành nóng vội, chưa tính toán kỹ lưỡng, không phù hợp với thực tế và khiến người dân thiệt thòi vì việc đánh thuế GTGT đối với vàng trang sức cũng chính là đánh thuế vào khoản tiền tiết kiệm của dân.


Ảnh minh họa

Thứ nhất, việc NHNN ra quyết định đánh thuế vàng trang sức trong khi các quyết định quản lý thị trường vàng miếng được ban hành trước đó như quốc hữu hóa và độc quyền thương hiệu SJC vẫn còn nhiều tranh cãi khiến dư luận cảm thấy sự nóng vội của cơ quan này. Hơn nữa, ngay từ khi dự thảo đánh thuế vàng trang sức được đưa ra thảo luận cách đây 4 tháng, nhiều chuyên gia, người kinh doanh, chế tác vàng và cả người dân đã tham gia góp ý, đề nghị cơ quan chức năng cân nhắc kỹ lưỡng hơn và cảnh báo những tác động xấu đối với thị trường này. Tuy nhiên, dường như những ý kiến đó đã không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền, mà cụ thể là NHNN tiếp thu mà vẫn quyết tâm ban hành quyết định kể trên.

Thứ hai, việc tích trữ vàng là một thói quen lâu đời của người Việt Nam bởi cả vàng trang sức và vàng miếng đều gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống của người dân như cưới hỏi, mừng thọ, biếu tặng và đặc biệt là để phục vụ nhu cầu tiết kiệm. Trong bối cảnh kinh tế không mấy khả quan như hiện nay (đồng nội tệ mất giá, lãi suất tiết kiệm thấp, các loại hình kinh doanh khác như bất động sản, chứng khoán đều tiềm ẩn nhiều rủi ro) thì nhu cầu tiết kiệm bằng vàng của người dân lại càng lên cao hơn bao giờ hết. Bởi thế, việc đánh thuế GTGT đối với vàng trang sức sẽ chỉ khiến người dân phải mua vàng với giá cao hơn và khiến họ chịu nhiều thiệt thòi chứ không làm giảm nhu cầu tích trữ vàng của dân, cũng không làm giảm lượng vàng tích trữ trong dân như mục tiêu ban đầu của NHNN. Điều đáng nói là giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4,5 triệu đồng/lượng. Việc áp thuế GTGT này sẽ chỉ khiến khoảng cách trên càng bị kéo giãn và khiến người dân “thiệt đơn, thiệt kép” khi mua vàng.

Thứ ba, việc đánh thuế GTGT đối với mặt hàng vàng trang sức thực chất là việc đánh thuế vào các khoản thu nhập đã chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các khoản tiết kiệm của người dân. Nói một cách khác thì mỗi khi mua vàng trang sức, người dân sẽ phải chịu thuế hai lần (đối với các khoản thu nhập đã đóng thuế TNCN) hoặc bị tận thu thuế (đối với các khoản tiết kiệm của người dân có thu nhập dưới mức chịu thuế TNCN). Việc làm này được ví với dự định đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi tiền gửi đã từng được NHNN đưa ra nhưng không thực thi được vì quá bất cập.

Thứ tư, việc đánh thuế GTGT đối với mặt hàng vàng trang sức sẽ khiến hoạt động của thị trường “chợ đen” nở rộ vì nhiều người sẽ tìm đến thị trường này nhằm “né” thuế. Khi đó, NHNN sẽ không chỉ thất bại trong việc giảm lượng vàng tích trữ trong dân mà còn thất bại trong việc siết chặt hoạt động của thị trường “chợ đen” vốn đã rất phức tạp này.

Như vậy, xét trên nhiều khía cạnh thì rõ ràng quyết định đánh thuế GTGT vàng trang sức của NHNN còn quá nhiều bất cập và cần được đánh giá thận trọng hơn trước khi đưa vào thực tế để tránh tình trạng gấp rút ban hành rồi vội vã thu hồi vì “lợi bất cập hại”.